PNO - Tác động của mạng xã hội đối với văn chương hiện nay đang ngày càng lớn. Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này, các nhà văn, chuyên gia ngôn ngữ… đã có nhiều góc nhìn đa chiều, xác đáng và thú vị.
Phóng viên: Trước tiên, anh/chị có thể đánh giá những tác động của mạng xã hội (MXH) đối với văn chương?
Nhà văn Võ Diệu Thanh: Đối với một nhà văn, MXH giúp họ nhận diện gu thẩm mỹ đại chúng. Nhưng từ khi con người “ăn ngủ” cùng MXH, thì gu thẩm mỹ văn chương đã lệch sang một hướng nghịch văn chương. Nhà văn thường tự cho mình sứ mạng nói thay cộng đồng, nên ít nhiều cũng góp gió cùng bão mạng. Sự đóng góp mang tính cá nhân hơn tính văn học. Khi tôi viết được cái gì đó, là những khi không thở bằng hơi thở mạng. Tuy nhiên, tôi vẫn cần MXH, vì sau những giờ “tự kỷ” với văn chương, mạng là nơi tôi có thể “ngửi” được tất cả sự thật lẫn phi sự thật của hơi người.
Nhà văn Tống Phước Bảo: MXH giúp sáng tác của chúng tôi lan tỏa nhanh hơn, sâu rộng hơn; đồng thời tiếp cận được nhiều câu chuyện và thu nhận nhiều ý kiến đa chiều làm chất liệu sáng tác. Tuy nhiên, vì ít được kiểm soát nên văn chương trên cõi mạng dễ bị nhạt, loãng, và nhiều vấn đề phát sinh bị đem lên MXH gây ra nhiều cuộc náo động. Nhà thơ Nguyệt Phạm: Một người làm thơ chuyên khai thác những vấn đề và cảm xúc bản thân để viết nên tác phẩm, tôi cứ tưởng MXH ít có cơ hội ảnh hưởng đến sáng tác của mình. Tuy nhiên, chính lúc cả ngàn người đều bàn luận về một sự kiện hay “trend” nào đấy, nó cho tôi một cảm giác lạc lõng cần thiết để nhận diện cảm xúc riêng tư của mình chính xác hơn. Facebook tôi kết nối nhiều các nhà văn, nhà thơ, học giả… ở đó tôi được đọc rất nhiều tác phẩm hay, việc đọc và học lúc nào cũng cần thiết, và nó ảnh hưởng đến sáng tác của mình một cách vô hình.
* Dõi theo những giai đoạn phát triển của văn học, anh/chị đã thấy được sự đổi thay nào trong cách lựa chọn đề tài cũng như ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng trong văn chương hiện nay?
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ: Nếu nhìn rộng ra về toàn bộ sự phát triển của văn học mạng ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua, có thể thấy đề tài và ngôn ngữ của văn học mạng cũng bộc lộ những đặc điểm riêng biệt. Văn học mạng thường tập trung chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu đôi lứa, cảm xúc suy tư trước các vấn đề xã hội, hòa trộn với cách viết mang tính nhật ký, tự sự, tự truyện. Một số tác giả khác đi theo khuynh hướng viết kiếm hiệp, táo bạo trong những biểu đạt về dục tính, giới tính. Ngôn ngữ của văn học mạng được thể hiện khá phóng túng với chất khẩu ngữ đậm nét. Nhìn chung, cách thể hiện của đề tài và ngôn ngữ văn học mạng là một sự muốn vượt thoát khỏi những gò bó của cách viết nghiêm trang, chuẩn mực; sẵn sàng dấn thân vào những biểu hiện mới, thể nghiệm mới, những sự táo bạo trong lựa chọn ngôn ngữ.
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ
Nhà văn Văn Thành Lê: Đề tài sáng tác, một cách bao quát thì thời nào cũng vậy, các thế hệ đi trước đã chạm đến cả rồi. Tất cả đều gặp nhau ở chuyện tình yêu, đấu tranh, hòa bình, cái chết và sự sống, thân phận con người nói chung, và những cái tôi cá nhân. Nhưng sự phát triển biểu lộ qua cách thể hiện mỗi thời một khác, mỗi người một khác. Đặc biệt với các tác giả trẻ, trong đó, có sáng tác văn học mạng thì có những trang văn mới hơn với các thể loại kỳ ảo, xuyên không, viễn tưởng… Ngôn ngữ mạng bước vào văn chương hiện nay cũng tự nhiên, cả ở sáng tác của những tác giả của văn học trung tâm chứ không chỉ ở văn học ngoại biên.
Nhà văn Văn Thành Lê
* Và điều đó là tích cực hay rất không tốt cho ngôn ngữ văn học?
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ: Những sự vượt rào, phá cách hay thể nghiệm của văn học mạng, tôi cho là điều hết sức bình thường. Nó cũng phù hợp với nhịp sống, lối nghĩ, cách nói của những người trẻ. Thời gian chính là tấm màng lọc rất tốt để khẳng định những thứ tạo được giá trị. Những cách nói cách viết trước đó chưa từng có trên văn đàn đã khẳng định được vị trí riêng, thương hiệu riêng. Nhiều yếu tố đổi mới và tiên phong của văn học mạng luôn có tác dụng kích thích cho ngôn ngữ văn học có thêm một diện mạo khác biệt.
Nhà văn Văn Thành Lê: Bất cứ thứ gì hiển hiện trong đời sống và suy nghĩ của người viết đều có thể đi vào văn chương. Tuy nhiên, thực tế ngôn ngữ từ MXH có chịu được sự sàng lọc để đi vào từ điển, trở thành phổ thông dài lâu hay không lại là chuyện khác. Về lâu dài, với văn chương, theo tôi ngôn ngữ mạng cũng là con dao hai lưỡi nếu như người sử dụng không cẩn thận, không kiểm soát một cách chừng mực. Những tác phẩm của Nam Cao đến nay đọc vẫn thấy mới, hợp thời, dễ tiếp nhận, chính là một phần nhờ ngôn ngữ.
* Nhiều người nói rằng MXH khiến nhiều người cầm bút chỉ còn viết những điều hài hước, giễu nhại, tủn mủn và không còn viết hay được nữa, anh/chị nghĩ sao về điều này?
Nhà thơ Hạnh Ngộ: Tôi đồng tình với ý trên, MXH đầy thị phi và cũng khiến ta sống nhanh hơn, sống gấp hơn. MXH phù hợp với những tuyên ngôn, những chia sẻ quan điểm bằng ngôn từ hơn là văn chương.
Nhà văn Tống Phước Bảo
Nhà văn Tống Phước Bảo: Thật ra chuyện này giờ nhan nhản khắp mạng. Chữ nghĩa luôn mang những hàm ý lắt léo và dễ dàng thu hút độc giả để xây dựng cho mình sự hư danh từ đám đông. Nhưng giá trị cốt lõi của người cầm bút là tạo ra tác phẩm có giá trị. Nếu tác phẩm bạn công bố trên mạng mang một giá trị nhất định, thì bạn sẽ có sự công nhận dài lâu. Nhưng nếu chỉ là những cố tình thể hiện từ câu chữ để câu like, câu view thì chỉ một thời, một khắc nào đó mà thôi.
Nhà thơ Nguyệt Phạm: Tôi nghĩ kết luận như vậy là chỉ thấy bề nổi trước mắt, có thể đằng sau những điều vô thưởng vô phạt trên MXH còn có bản thảo chưa công bố. Mà ai dám nói những điều hài hước, giễu nhại, tủn mủn không có giá trị về mặt chất liệu cho nhà văn, nhà thơ? Thậm chí việc không viết được chưa chắc đã dở, các tác giả cũng cần khoảng nghỉ để viết được cái gì đó hay và lay động.
Nhà thơ Nguyệt Phạm
* Vậy những người cầm bút có cần/hoặc không cần những “cuộc chuyển mình” như thế nào để bắt kịp thời đại 4.0?
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ: Người sáng tác văn chương viết ra tác phẩm từ thực tế cuộc sống, từ những trải nghiệm và cảm xúc của bản thân. Những người ý thức rõ rệt điều này sẽ không phải bận tâm quá nhiều đến các yếu tố thuộc về công nghệ, máy móc. Nhưng xu hướng toàn cục thì tôi vẫn cho rằng, sự song hành giữa văn học mạng và văn học chính thống là mối quan hệ tương hỗ, qua lại và cùng giúp nhau phát triển.
Nhà văn Văn Thành Lê: Người cầm bút hay bất cứ ai cũng cần chuyển mình để bắt kịp nhịp đập, hơi thở cuộc sống đương thời, trước hết để thích ứng, sống đẫm đầy với hiện thực, thời đại. Còn văn chương, tôi vẫn tin cần những độ lắng, độ lùi nhất định so với sự vận động của cuộc sống. Lắng và lùi để nhận diện và dự báo, nếu người viết thật sự có tài. Ngồi viết thì chỉ còn câu chuyện với các nhân vật của chính mình. Văn chương không phải cuộc chạy 100 mét vượt rào để bắt kịp yêu cầu mới nào.
* Xin cảm ơn sự chia sẻ của các anh/chị.
Mỗi người đều có độc giả của riêng mình
* Với thơ, MHX đã có tác động ra sao?
Nhà thơ Hạnh Ngộ: MXH khiến cho thi ca có phương tiện để chia sẻ nhiều hơn. Tôi có một người bạn được biết đến là nhà thơ trên mạng, cô ấy tận dụng tích cực MXH để phổ biến tác phẩm vì thơ cô ấy phù hợp. Còn tôi, những tác phẩm thuộc về sáng tạo và có phần phá cách, tôi muốn nó ở trên trang sách. Những lời bình phẩm trên mạng có thể khiến tôi lạc hướng.
Nhà thơ Nguyệt Phạm: MXH đã làm công việc kết nối rất tốt, nhất là trong đợt dịch vừa qua. Thành phố thực hiện giãn cách, nhưng những chương trình dành cho thơ đã được tổ chức: Thơ Việt thế hệ mới (do Chuyên đề Văn+ tổ chức), Khúc yên giữa hoang mang, Thơ đi do các nhà thơ tự phát động và tổ chức. Mọi người cùng nhau đọc thơ, chia sẻ cảm xúc... Điều đó mang lại không khí văn chương thân tình chứ không quá trịnh trọng như các sự kiện tổ chức offline. Mặt tiêu cực là ai cũng có quyền viết những thứ giông giống thơ và bắt đầu dấn thân vào con đường trở thành nhà thơ mà không bằng tài thơ. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó cũng không ảnh hưởng đến ai, mỗi người sẽ có đối tượng người đọc của riêng họ.