Theo báo cáo về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của UBND TPHCM tại phiên họp định kỳ ngày 23/7, bên cạnh các thành tựu chống dịch COVID-19 giúp giữ vững ổn định kinh tế, xã hội, ngoài ngành du lịch nói riêng và dịch vụ nói chung chịu tác động nghiêm trọng, sản xuất công nghiệp cũng không mấy sáng sủa, đang gặp nhiều khó khăn.
|
Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: TTBC |
Điều chuyển vốn dự án chậm giải ngân
Vấn đề nan giải của doanh nghiệp (DN) chủ yếu là thị trường tiêu thụ sản phẩm, việc đàm phán ký hợp đồng mới bị trì hoãn do đối tác lo ngại dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhất là ngành dệt may, cơ khí…
Số lượng DN vừa và nhỏ của TPHCM chiếm tỷ lệ cao, vốn sản xuất kinh doanh hạn chế nên không chủ động được nguồn nguyên liệu trước những biến động của thị trường trong mùa dịch bệnh, khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, kéo theo xuất khẩu cũng gặp khó khăn.
Nhiều DN trên thực tế bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của COVID-19 nhưng không được nhận hỗ trợ do không thuộc nhóm ngành được hỗ trợ. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN còn rất hạn chế do thủ tục hành chính và quy trình phức tạp. DN có quy mô càng lớn thì tác động tiêu cực từ dịch bệnh càng cao. Khi DN ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, DN cũng đồng thời tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực giảm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, số DN giải thể, ngưng hoạt động khá cao: đến nay đã có hơn 9.000 đơn vị.
Công tác cấp phép cho lao động nước ngoài trở lại làm việc cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM.
Trả lời báo chí liên quan vấn đề này, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, trước COVID-19, mỗi năm, TPHCM tiếp nhận gần 29.000 người lao động, chuyên gia nước ngoài thuộc 13 quốc gia và vùng lãnh thổ vào làm việc.
Hiện vẫn chưa có chủ trương cho lao động và người dân các nước nhập cảnh, Chính phủ cho phép TPHCM và TP. Hà Nội tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, nhưng các DN có nhu cầu phải bảo đảm nguyên tắc cách ly phòng, chống dịch và đăng ký cho UBND thành phố.
Đến lúc này, sở đã xem xét và gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) gần 4.000 hồ sơ chuyên gia để cấp visa tại nước sở tại.
Với diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp và khó lường, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - lưu ý, tất cả sở, ngành, quận, huyện không được phép chủ quan. Chính phủ vẫn chưa công bố chấm dứt dịch. Do đó, vẫn phải duy trì các biện pháp, giải pháp kịp thời, bảo đảm duy trì được mục tiêu kép là phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.
Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị cũng như các dự án trọng tâm gặp nhiều vướng mắc và UBND TPHCM đã báo cáo Thủ tướng và được cho ý kiến tháo gỡ.
Ông Phong yêu cầu: “Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, nếu thấy cần thiết thì điều chuyển vốn dự án chậm giải ngân, không thể chấp nhận để trì trệ mãi như thế được. Đơn vị nào làm không tốt thì tính toán việc giao vốn thế nào cho phù hợp vào năm sau”.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đã ký quy trình phân bổ vốn đầu tư công. Dự kiến, từ tháng 7-10, sở sẽ xem xét các dự án chậm để điều chuyển vốn tùy theo quy mô, tính chất, nhằm tăng tính hiệu quả của các dự án đầu tư công.
Ông Phong cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt quan trọng vì nó tác động đến tổng cầu kinh tế; giải ngân mạnh thì tác động đến tăng trưởng kinh tế mạnh.
Sắp xếp 2.000 địa chỉ nhà đất thuộc trung ương
Sau phiên họp trên với các sở, ngành và 24 quận, huyện, chiều 23/7, Văn phòng UBND TPHCM đã tổ chức buổi họp báo thường lệ mỗi tháng.
|
Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh cho biết do chịu tác động của dịch COVID-19 khiến hoạt động buôn bán giảm mạnh |
Bà Trần Mai Phương - Phó giám đốc Sở Tài chính TPHCM - cho biết, thông tin từ Bộ Tài chính liên quan việc sắp xếp địa chỉ nhà đất của các đơn vị trung ương ở TPHCM: “Hiện nay, có 68 phương án sắp xếp nhà đất của các đơn vị trung ương đã được Bộ Tài chính phê duyệt, tương ứng 2.000 địa chỉ nhà đất. Trong đó, có 112 địa chỉ đã sắp xếp theo phương án bán”.
Về yêu cầu xác định bao nhiêu địa chỉ đã, sẽ bán và bán được bao nhiêu, bà Phương cho biết, thủ tục liên quan các địa chỉ này do các đơn vị trung ương tổ chức thực hiện nên sở chưa nắm. Bộ Tài chính đang hậu kiểm lại các phương án và sẽ tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả cho Bộ trưởng cũng như làm việc với UBND TPHCM.
Về mô hình buýt sông được thí điểm đầu tiên trên cả nước theo hình thức hợp tác công tư (PPP), đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, hiện chỉ triển khai được một tuyến, tuyến còn lại vướng các vấn đề liên quan cống ngăn triều Bến Nghé nên chưa thể triển khai. Hai tuyến buýt dự kiến có 19 nhà ga và một nhà ga trung tâm ở Bình Triệu, nhưng cũng chỉ mới bàn giao 7 nhà ga. Việc thực hiện các nhà ga này còn phải quan tâm vấn đề hành lang bảo vệ sông…
Theo sở này, cũng do COVID-19, việc vận hành tuyến buýt sông chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân khác là do người dân chưa quen với vận tải công cộng bằng đường thủy. Trung bình, buýt sông chỉ thu hút 1.000 lượt khách/ngày, chủ yếu là khách du lịch. Người có nhu cầu đi lại thực sự bằng phương tiện này chỉ chiếm 15-20%.
Thêm nữa, việc các nhà ga, bến bãi không cung cấp đủ các hạ tầng, tiện nghi tối thiểu như nhà chờ, nhà vệ sinh, bãi xe cũng như kết nối các tuyến xe buýt và giao thông đường bộ kém… nên chưa thể hấp dẫn người dùng.
Quốc Ngọc