“Người nào mang đến cho ta nụ cười thì ta khó mà buông bỏ”
Rào cản giữa họ không phải ở ngôn ngữ bất đồng mà vì mẹ cô không an tâm khi con gái còn quá nhỏ tuổi đã bước vào đường yêu. Lẽ khác, mẹ sợ mai này con gái sẽ bị anh chàng người Việt “bắt cóc” đi xa. Tìm cơ hội tiếp cận cô gái, anh Dân vờ nhờ cô luyện tiếng Ý.
Bao nhớ nhung, xao xuyến, anh đặt hết vào bức thư tình, nhưng không dám gửi thẳng cho Elena mà đi đường vòng qua một cô bạn. Cô bạn đọc thư của anh Dân qua điện thoại cho Elena nghe. Và khi Elena báo động “đang lọt vào tầm ngắm của mẹ” thì cô bạn nhanh trí “đánh trống lãng” sang chuyện trường lớp, bài vở…
 |
Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong trong một buổi giao lưu ra mắt sách - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Dư âm ngọt ngào, nồng say từ những dòng tâm sự khiến Elena hãy còn lâng lâng thì một vật lạ rơi ra từ cánh thư anh Dân khiến cô bạn thốt lên: “Ồ, hình một cô gái đang múa được xếp bằng giấy kiếng đẹp quá Elena ơi”.
Bên gốc cây xoài to trước chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh, TPHCM) những ngày cuối năm 2024, vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân - Elena Pucillo Truong nhấm nháp đậu phộng, khoai lang luộc vừa tủm tỉm cười nhắc lại những kỷ niệm hồi mới quen trên đất Ý. Nhà văn Elena hỏi bằng tiếng Việt: “Romantic tiếng Việt gọi là gì? Lãng mạn phải không? Anh Dân lãng mạn lắm. Người nói chuyện dễ thương lại… “nói nhiều” nữa nên sống với anh vui lắm”.
Lãng mạn, quan tâm, không ích kỷ… là những điều trải hơn nửa thế kỷ qua, bà Elena moi ra từ “chiếc hộp đóng kín” mang nhãn Trương Văn Dân. Đến đây, người viết bài chợt nhớ một thông điệp trên trang viết của nhà văn Elena: “Điều gắn kết 2 con người, ngoài tình cảm còn có tiếng cười. Người nào có thể mang đến cho ta nụ cười thì ta khó mà buông bỏ họ”. Còn ở quán nước nơi khuôn viên chung cư này, bên gốc xoài này, sáng nay, bà nhìn ông âu yếm, cười nói: “Miễn là vui. Sống mà không vui thì thua rồi”.
Tiếng cười, niềm vui, sự thoải mái luôn là lý do cho mọi sự chọn lựa của cặp vợ chồng nhà văn này: chọn nghỉ hưu sớm, chọn rời Ý về Việt Nam, chọn Sài Gòn là nơi an trú thân - tâm, chọn căn hộ chung cư nhỏ gọn bình dân, chọn di chuyển bằng xe máy, xe buýt thay vì đi xe hơi…
Có khi ông bà cao hứng trò chuyện đến tờ mờ sáng. Bàn chuyện đời, chuyện bạn, chuyện văn thơ, lịch sử, chuyện viết sách và chuyển ngữ Việt - Ý cho nhau. Ông bà nói bằng tiếng Việt, rồi tiếng Ý, rồi trộn 2 thứ tiếng ấy lại thành một thứ “tiếng chế” để nói xuyên đêm.
Yêu chồng, cô dâu Ý “ôm cả dải đất hình chữ S”
Dọn đến căn hộ chung cư, ông bà không sửa sang nhiều, chỉ… đục một lỗ to to trên tường để từ phòng khách, ông/bà luôn có thể nhìn thấy người còn lại đang lui cui trong bếp. Nhà văn Trương Văn Dân chia sẻ: “Nhiều nhà rộng lắm, to lắm, đến nỗi vợ 1 tầng, chồng 1 tầng, rồi họ tha hồ… bỏ bê nhau. Suốt ngày, có khi suốt tuần, vợ chồng chẳng trò chuyện với nhau một lời. Sao có thể thấu cảm, chia sẻ, đồng điệu được.
Lần đầu theo chồng về Việt Nam (để ra mắt ba mẹ và làm lễ cưới năm 1985) trong chuyến đi Đà Lạt, bên bờ hồ Than Thở, có nhiều người lần lượt trèo lên lưng ngựa để chụp hình lưu niệm, chỉ riêng Elena không chịu chụp. Hỏi ra mới biết, bà phát hiện con ngựa bị mù, không nỡ gây thêm nặng nhọc, đau đớn cho nó.
Mỗi ngày, mỗi ngày, thêm một bảo vật được nhà văn Trương Văn Dân moi ra từ “chiếc hộp đóng kín” Elena Pucillo Truong. Bảo vật ấy là lòng bác ái, vị tha, trắc ẩn, hiếu thảo với cả 2 bên gia đình… Và đặc biệt, với bà, tình yêu dành cho chồng là hằng số cuộc đời.
Được hỏi “sự cố nào đáng sợ nhất đã xảy ra với bà ở Sài Gòn”, nhà văn Elena kể lại lần vợ chồng vừa bước xuống taxi chuẩn bị sang xe lớn theo đoàn đi Đà Lạt, bất ngờ bị giật túi xách. Nỗi hãi hùng nhanh chóng thay bằng nụ cười tươi và Elena vung bắp tay lên khoe: “Không bị mất túi xách, không bị té vì tôi là con dâu Bình Định, con dâu Tây Sơn… có võ”.
Hóa ra quê của nhà văn Trương Văn Dân là Bình Định. Mỗi khi về lại nước Ý, ông bà soạn tư trang rất gọn gàng, dành riêng vali to để chất sách và món ghiền - bánh tráng mè Bình Định.
Sự cố bị giật túi xách này không khiến bà giảm yêu Sài Gòn, giảm yêu Việt Nam vì “ở đâu cũng có người xấu người tốt”. Yêu một Trương Văn Dân, Elena ôm cả dải đất hình chữ S vào lòng. Bà ôm non sông gấm vóc, con người Việt Nam; ôm chị bán rau, bán xôi đậu đen tảo tần; ôm tiếng rao đêm; ôm những chả giò, ba khía, mắm ruốc; ôm tiếng chuông chùa; ôm đình làng, cây đa, bến nước; ôm chiều dài lịch sử hào hùng hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước… Nhà văn Elena là tiến sĩ ngành văn học - văn hóa Pháp, từng là giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
Mỗi sáng thức dậy, hớn hở chở nhau đi ăn uống, tám chuyện bạn văn, thâm nhập cuộc sống người dân, tìm chất liệu cho trang viết, đôi vợ chồng Việt - Ý hiện diện ở Sài Gòn là để sống, để hạnh phúc chứ không phải chỉ để… trú đông.
Phía sau xe máy, thỉnh thoảng bà cao hứng ngâm nga nhạc Trịnh Công Sơn. Sống lâu ở Sài Gòn, bà sõi tiếng Việt, biết dùng cả chữ “mình” để gọi chồng. 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết được bà luyện bằng sự dạn dĩ giao tiếp hay chính bằng trái tim tha thiết yêu quê hương thứ hai này?
Tô Diệu Hiền