Mấy phần cực khổ? Mấy phần long lanh?
Kể về sự “cun cút cung phụng chồng” của phần đông chị em như một… “phản đề” của sự thu xếp, đầu buổi họp mặt, tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân (giảng viên các khóa học hạnh phúc dành cho phụ nữ) thốt lên: “Chúng ta đã biến thành cái nồi cơm điện từ bao giờ?”.
Không có câu trả lời.
Chỉ có những người phụ nữ lặng lẽ đứng dậy, cầm micro, kể về những ngổn ngang họ đang vướng vào. Là một cây viết, cũng là một bạn đọc của báo Phụ Nữ, chị Đ.T.T. chia sẻ: “Cuộc sống của vợ chồng tôi trước nay khá ổn, nhưng từ ngày nhập viện vì biến chứng của bệnh tiểu đường trở về, chồng tôi tuyên bố hết khả năng kiếm tiền. Anh bắt đầu “an dưỡng”, trong khi chúng tôi còn ba con nhỏ ăn học. Với gánh nặng như vậy, tôi làm sao thu xếp nổi đời mình?”.
Trong mỗi câu hỏi được đặt ra với các chuyên gia, lại có hàng chục câu hỏi khác cần được trả lời. “Về thu xếp lại” - là thu xếp cho ai? Thu xếp cho gia đình gọn ghẽ, hay cho sướng vui đời mình? Rõ ràng, đã “thu xếp”, thì đời mình phải đổi thay theo hướng tích cực. Nhưng có mấy cuộc vui cá nhân được trọn vẹn, “thả ga” mà gia đình vẫn lành lặn, yên bình? Vậy, đâu là giới hạn?
Nếu hôn nhân đã trở thành một phiên bản xấu xí, dị dạng thì chẳng nói làm gì, còn nếu lỡ cuộc chung sống đang rơi vào cái đoạn bĩ cực nào đấy, mà người đàn bà buộc phải đưa vai gánh vác, như trường hợp của chị Đ.T.T., thì hẳn nhiên, cuộc thu xếp ấy chẳng thể dừng lại là thu xếp riêng đời mình rồi. Cứ thế, càng chia sẻ, càng thấy đàn bà có hàng trăm lý do để cho những ngổn ngang, phiền muộn đeo đuổi.
Tuyên bố rằng mình sống hạnh phúc bằng cách suy nghĩ đơn giản, tiến sĩ Huyền Trân đưa ra giải pháp: “Chúng ta hãy tập nghĩ cho mình, hãy thỏa mãn nhu cầu của mình trước, rồi hãy cho người khác cái nhu cầu mà họ cần”. Đồng quan điểm với chị Huyền Trân, anh Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM chia sẻ: “Nghịch lý là, phụ nữ muốn dành thời gian cho mình nhưng lại luôn ưu tiên cho người khác. Theo tôi thì một khi đã thấy mình đang phải hy sinh cho gia đình, bạn đời đang biến thành… con trai mình, thì người phụ nữ nên mạnh dạn ly hôn!”
Tuy nhiên, nhà báo Hoàng Mai (báo Phụ Nữ TP.HCM) chia sẻ: “Người phụ nữ luôn nghĩ cho mình chưa hẳn là người phụ nữ hạnh phúc”. Chị nhẹ nhàng: “Các bạn, và cả tôi nữa - phụ nữ chúng ta nhìn vào thì thấy rực rỡ, long lanh; nhưng chúng ta rất cực. Phụ nữ thời nay dù cân bằng đến đâu, vẫn còn vất vả lắm!”. Tuy vậy, chị Hoàng Mai tin rằng, đã thu xếp thì phải thu xếp cho vẹn tròn, việc phân minh tôi - anh, ta - mình sẽ chẳng thể mang đến một suy nghĩ, hay một cách làm tích cực.
Đi vào phần chia sẻ việc nhà như một phần của sự thu xếp, anh Minh Uy chia sẻ: “Công việc mỗi ngày của tôi là thức dậy lúc 6g sáng, rửa chén, chuẩn bị cho con đi học. Hơn thế, tôi thường xuyên nấu ăn, lau nhà, và làm mọi việc mà người ta cho rằng là việc của đàn bà. Tuy nhiên, tôi không làm vì bất kỳ sự phân công nào, tôi làm vì tôi thích. Vì thế, tạo sự yêu thích trong việc san sẻ những nặng nhọc cùng nhau là một nghệ thuật, thay vì chúng ta cứ rạch ròi “anh phải thế này, cô phải thế kia”.
Anh Minh Uy nhấn mạnh sự chấp nhận, tôn trọng trong mọi sự dời đổi, thu xếp giữa bạn đời. Anh nêu ví dụ: “Chị em cần học cách vừa lòng với những nỗ lực của bạn đời. Nếu thấy một bữa cơm vụng về chồng nấu là thơm ngon, hay cái sàn nhà còn vết chồng vừa lau là tươm tất thì phụ nữ cũng đã đến gần hơn với hạnh phúc rồi”.
Với chị Hoàng Mai, thông điệp kêu gọi sự chia sẻ nằm ngay trong cách người phụ nữ làm việc nhà: “Bạn hãy thử một buổi tối nào đó vừa lau nhà, rửa chén vừa bật nhạc thật to, đèn thật sáng và hát nghêu ngao theo bản nhạc xem chồng có ngủ được không? Tôi nghĩ, chúng ta nên tin vào tình yêu. Nếu yêu bạn, thì người ta không thể vô tình trước những thông điệp của bạn”.
Nhà báo Hoàng Mai chia sẻ với hơn 100 bạn đọc tham dự tọa đàm "Người phụ nữ luôn nghĩ cho mình chưa hẳn là người phụ nữ hạnh phúc" - Ảnh: Phùng Huy
Lựa chọn của đàn bà
Cuộc thu xếp gọn ghẽ nhất - cuộc đại thu xếp, có phải là một cuộc… ly hôn?
Có mặt từ sớm tại tòa soạn báo Phụ nữ, nhưng vì cho rằng mình đã qua cái tuổi “về thu xếp lại”, bà Nguyễn Ngọc M. (Q.10, TP.HCM) ngần ngại không dám bước vào. Bà ái ngại: “Tôi đến chỉ để nghe chứ không dám kể gì đâu”. Ba mươi năm kể từ ngày sinh đứa con đầu lòng, bà từ bỏ nghề giáo để ở nhà chăm con. Quẩn quanh cơm nước, con cái và trăm ngàn việc không tên, rồi mọi thứ cứ thế trôi qua đời bà, cho đến hôm nay. Câu hỏi của bà M. là: Nếu quay lại, thì bà nên làm gì với đời mình? Nếu chọn ly hôn thì đời bà có khác đi không?
Giải tỏa mớ hỗn độn, mơ hồ trong những người phụ nữ dự buổi họp mặt, chị Huyền Trân chia sẻ: “Không có gì là không thu xếp được. Không ai làm khổ ta bằng chính ta, vì vậy chúng ta cần đơn giản hóa cuộc sống của chính mình. Đừng cho nhiều quá và hãy cho sao cho đúng. Đối với đàn ông chăm nhiều quá thì cũng dở tệ, cũng giống như ta chăm bản thân nhiều quá sẽ bị cho là ái kỷ. Còn ly hôn thì đã sao? Cuộc đời là một sự lựa chọn, chúng ta phải chọn lựa. Nếu thấy chán nản, mệt mỏi, tự đáy lòng mình hãy nhìn kỹ người đàn ông của mình, chạm vào một lần nữa, hỏi chính lòng mình liệu có còn yêu? Nếu không thì hãy chấm dứt. Bạn sẽ không có gì cho con bạn nếu chỉ sống trong ức chế. Hãy chuẩn bị cho mình một tương lai tươi sáng, một cơ thể khỏe mạnh. Một người phụ nữ đủ niềm vui, hạnh phúc thì sẽ nuôi dạy con thành tài, dù có làm mẹ đơn thân”.
Cuối buổi họp mặt, nhà báo Hoàng Mai nhận định: “Ly hôn là câu chuyện tình thế, không phải giải pháp của mọi cuộc dàn xếp. Chúng ta đừng mải tìm cách suy nghĩ, mà hãy tìm cho mình cách nhìn để khởi đầu một cuộc thu xếp. Bạn đừng suy nghĩ rằng mình phải thu xếp cho ai: từ bỏ hôn nhân để thu xếp cho mình, hay phải thu xếp cho gia đình. Hãy tập nhìn, xem mọi thứ quanh mình đã vừa vặn, thoải mái chưa. Nếu còn gì bất ổn, thì hãy tự điều chỉnh, còn nếu mọi thứ đang nhịp nhàng thì hãy hồn nhiên tận hưởng”.
Nhấn mạnh rằng, “áo đẹp là do người mặc” khi bàn đến việc ly hôn, chị Hoàng Mai đã vô tình chạm đến tinh thần của diễn đàn Về thu xếp lại, rằng mọi sự thu xếp; mọi bận bịu, đề huề, hay nhàn nhã, thảnh thơi, đều nằm ở đôi tay đàn bà.
TẠ KHÁNH TÂM - LINH GIANG
Những tiếng lòng chưa kịp thốt! Kim đồng hồ đã nhích đến gần 12g, cuộc tọa đàm kết thúc nhưng không khí hội trường vẫn còn khá sôi nổi. Nhiều người ra về trong ánh mắt nuối tiếc, bước chân ngập ngừng, nấn ná, kiếm tìm, hướng về phía các chuyên gia tâm lý. Chị Nguyễn Thị Thúy (Q.5, TP.HCM): Muốn thu xếp cả chồng! Sau khi sinh đứa con đầu lòng, tôi nghỉ việc ở nhà chăm con. Thời gian dần trôi tôi trở thành bà nội trợ, mỗi tháng nhận vài ba triệu tiền chợ chồng phát. Không muốn biến mình thành thân tầm gửi, tôi tập tành buôn bán, công việc trôi chảy. Nhưng từ đó tôi không có đủ thời gian cho mình, cho gia đình. Trong khi tôi đầu tắt mặt tối chạy đua với thời gian thì chồng tôi nhởn nhơ. Anh mặc định việc nhà là của tôi. Ngay cả việc tôi dạy con cách tự lập, phụ mẹ việc nhà anh cũng bác bỏ, cho rằng việc đó là của tôi, đừng bắt các con phải gánh. Thương con, tôi nhẫn nhịn, chịu đựng rồi đứa con thứ hai ra đời, quỹ thời gian của tôi càng thêm eo hẹp. Tôi cảm thấy mệt mỏi, tù túng luôn trong tâm trạng căng thẳng, ức chế. Tôi thôi buôn bán, sống phụ thuộc hẳn vào chồng nên càng thêm ngột ngạt, buồn bực trong lòng. Tôi vốn là độc giả thường xuyên của báo Phụ Nữ. Từ khi có diễn đàn Về thu xếp lại, tôi không bỏ sót bài viết nào. Tôi nghiền ngẫm và học kinh nghiệm của các tác giả, sống lạc quan hơn, tập buông bỏ những thứ ôm đồm. Tôi lên kế hoạch thay đổi cuộc sống của mình. Tôi đi học bơi để thay vì ngồi ở băng ghế chờ thì tôi bơi lội cùng con. Tôi dành thời gian đi giúp việc nhà theo giờ, dù gia đình không khó khăn. Tôi không quan tâm việc sang hèn, miễn sao tôi giải thoát được cho mình ra khỏi cái suy nghĩ “thân tầm gửi”. Tuy nhiên, thu xếp cho bản thân cố thì sẽ làm được, nhưng làm sao để thu xếp được cả chồng mới là lý do tôi đến đây. Tôi và chồng vẫn còn một khoảng cách khá xa. Anh không hiểu vợ, không chia sẻ được với tôi việc nhà, anh còn thường xuyên dùng những từ ngữ gây tổn thương cho tôi. Tôi chịu đựng, dồn nén, uất ức, mà không chia sẻ được. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (H.Bình Chánh, TP.HCM): Khó quá! Sáng nay, tôi xin nghỉ làm để đến dự diễn đàn. Tôi hy vọng sau buổi gặp gỡ, tôi sẽ tìm ra được giải pháp thu xếp lại được cuộc sống của vợ chồng tôi. Theo dõi diễn đàn, tôi thấy nhiều người thu xếp hay quá, tôi cũng muốn thu xếp lại cuộc sống của mình nhưng sao mà khó! Mỗi ngày tôi càng thấy mình thêm bế tắc. Vợ chồng tôi lấy nhau được sáu năm, hai năm đầu cuộc hôn nhân của tôi rất mỹ mãn. Mọi thứ chỉ trở nên rối rắm từ khi đứa con chào đời, thêm một thành viên thôi mà tôi không còn chút thời gian nào dành cho mình. Tôi cứ loay hoay giữa công việc, con cái, nhà cửa từ ngày này qua ngày nọ. Bốn năm qua, cả hai vợ chồng tôi đều sống trong tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi. Tôi nhận ra, chính bản thân tôi bị stress do không cân bằng được cuộc sống, nhưng biết thì biết vậy chứ tôi không biết phải thu xếp từ đâu. Mà đâu phải ông xã tôi đổ hết việc nhà cho vợ. Sau giờ làm, anh cũng phụ tôi chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu cơm. Chính ông xã cũng cảm thấy mệt mỏi, bị áp lực từ vợ, anh ấy rất ủng hộ tôi đến tham dự diễn đàn. Cả hai chúng tôi đều hy vọng sau buổi này, chúng tôi sẽ lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống của mình. BỘI NHIÊN (ghi) |