Tạ Thùy Chi: "Chữ Việt Nam trao cho tôi trách nhiệm"

17/04/2016 - 07:28

PNO - Chữ Việt Nam ấy trao cho tôi trách nhiệm. Tôi luôn muốn làm tốt nhất mọi điều để không hổ danh là một người con của đất nước.

Gặp Tạ Thùy Chi lần nào cũng có những bất ngờ thú vị. khi thì cô bảo mình thích tự may những chiếc túi rút dây nho nhỏ để bỏ các đồ dùng linh tinh. Lần khác, gặp chi với mái tóc ngắn ngủn, hỏi thăm, chi cho biết vì nhiều người nói khuôn mặt cô không thể để tóc ngắn, thế là chi ra tiệm cắt phăng mái tóc dài rồi kết luận “mái tóc này hợp nhất”.

Lần này, chi đến chỗ hẹn với bộ đồ jean bụi bặm, nón jean đội lụp xụp suýt chút nữa là không nhận ra. Nhưng chuyện trò với chi mới là điều thú vị cả trong công việc và cảm xúc với cuộc sống. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng vở múa có tên tổ quốc, một tác phẩm mang nhiều dấu ấn của Tạ Thùy Chi, trong vai trò biên đạo và diễn viên, sắp được diễn lại vào đêm 23/4 tại Nhà hát Bến Thành.

Ta Thuy Chi:
Tạ Thùy Chi

* Cảm giác của chị thế nào khi sân khấu Hồng Hạc ngỏ lời muốn hỗ trợ để vở múa Tổ quốc do chị biên đạo ra mắt một lần nữa tại Nhà hát Bến Thành?

- Tôi hơi ngạc nhiên bởi vì khi sân khấu này ngỏ ý muốn đầu tư một tác phẩm của trường múa, tôi nghĩ họ sẽ chọn một tác phẩm khác chứ không phải một vở cách mạng như Tổ quốc (vở múa do tôi đồng biên đạo với NSND Hà Thế Dũng và nghệ sĩ Xuân Thành).

* Cảm xúc của chị sau đợt Tổ quốc được công diễn vào năm ngoái và chuyến ra mắt năm nay có khác nhau nhiều không?

- Lần trước, sau những đêm diễn, trong tôi vui buồn lẫn lộn. Buồn vì có những điều chúng tôi có thể làm tốt hơn, còn vui vì lần đầu tiên tôi cùng mọi người làm được một tác phẩm trọn vẹn, đem trình diễn với công chúng và đón nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp. Vì vậy, lần này chúng tôi cố gắng làm cho tác phẩm hoàn thiện hơn.

* Vở múa Tổ quốc do chị biên đạo và đóng vai người mẹ đã được diễn cách đây một năm và được đánh giá tốt. Lần ra mắt này chắc ít áp lực hơn so với lần dựng ban đầu?

- Ngược lại, lần này, tôi có nhiều áp lực hơn vì sợ nếu không làm tốt thì sẽ phụ lòng đơn vị đã đứng ra tổ chức cho mình biểu diễn. Vậy nên, tôi bắt buộc mình và ê kíp phải làm tốt nhất có thể. Trong đợt biểu diễn đầu tiên, chúng tôi phải tự làm tất cả mọi khâu từ dựng vở cho đến thiết kế poster, bán vé v.v… Nó hoàn toàn là “một cuộc chơi”, hiệu quả như thế nào chúng tôi tự chịu trách nhiệm. Lần này thì khác, không thể để đối tác cảm thấy họ đã đầu tư sai chỗ.

* Nhưng chí ít chị cũng giảm áp lực vì đã hình dung ra mình sẽ dựng vở này như thế nào và các diễn viên chắc cũng chỉ cần chạy lại đường dây thôi?

- Lần nào tôi cũng tập lại như mới vì đã diễn cả năm rồi nên tất cả đều quên bài, dàn diễn viên cũng thay đổi nhiều. Chúng tôi chỉ có hai tuần để tập và lần nào cũng tập rồi diễn trong tình trạng khá cập rập. Tôi muốn thời gian tập ít nhất ba tuần, chạy chương trình được ba lần. Đó là chưa kể mỗi lần diễn tôi đều muốn sửa chữa lại một vài chi tiết. Tổ quốc là một tổ khúc múa gồm bốn phần: Khoảnh khắc - Rào cản - Cuộc chiến nội đô - Khải hoàn, phần Rào cản tôi thấy hơi cũ kỹ nên đang muốn thay đổi cho mới mẻ.

Ta Thuy Chi:

* Là một người trẻ, không sống qua chiến tranh nhưng từ khi về Việt Nam, công tác ở trường múa, chị thường dựng các bài múa có chủ đề cách mạng. Cơ duyên và cảm hứng về đề tài cách mạng của chị bắt nguồn từ đâu?

- Một hôm, có người hỏi tôi sao xa nhà lâu thế mà toàn dựng vở cách mạng, tôi mới giật mình, ừ nhỉ, 2/3 các tác phẩm của tôi dựng khi về nước là đề tài cách mạng. Chắc có lẽ vì mình càng ít có được cái gì đó thì mình càng trân trọng, nên mỗi lần nói về đất nước tôi thường thấy hừng hực trong lòng.

Khi là du học sinh, lúc nào tôi cũng trong tâm trạng người khác cũng nhìn vào mình và nói: “Cô ấy là du học sinh Việt Nam”. Chữ Việt Nam ấy trao cho tôi trách nhiệm. Tôi luôn muốn làm tốt nhất mọi điều để không hổ danh là một người con của đất nước. Cũng vì thói quen đó nên khi về nước làm những vở liên quan đến cách mạng, đất nước… tôi luôn thấy thiêng liêng. Cho nên, cảm hứng để dựng Tổ quốc gần như có sẵn trong tôi, không cần phải nuôi dưỡng nhiều. Câu đầu tiên trong vở múa là: “Tôi đã từng được nghe nhiều, cha tôi kể lại…”, tôi dựng vở trong cảm hứng như vậy, một người trẻ muốn được nghe kể, muốn tìm hiểu về cha ông mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI