Bước vào hành trình thử thách
Tà Năng - Phan Dũng là cung đường trekking (đi bộ đường dài qua đồi núi rừng cây) được mệnh danh “đẹp nhất Việt Nam”. Cung đường nổi tiếng với 2 mùa: mùa cỏ xanh (từ tháng Sáu đến hết tháng Mười hai) và mùa cỏ cháy (từ tháng Một đến tháng Sáu). Hoàng hôn bên những sườn đồi mùa cỏ cháy đã trở thành hình ảnh kinh điển nơi đây. Mùa cỏ xanh thì như tên gọi: xanh mướt mắt, hệt như màn hình chờ Window thuở nào.
Thế nhưng cung đường này cũng nổi tiếng bởi sự nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Đó là những gì tôi tìm hiểu trước khi lên đường khám phá và trải nghiệm. May thay thời điểm tôi chọn đi là vào cuối tháng Tư - khoảng giữa 2 mùa đẹp nhất. Có lẽ nhờ vậy mà tôi được thưởng thức một mùa thứ ba mà tôi gọi là mùa cỏ “thập cẩm”.
Tất nhiên vì là thập cẩm nên nét đặc trưng của 2 mùa kia không được rõ nét mà là sự hòa trộn nhịp nhàng của các mảng xanh ở những ngọn đồi thoai thoải ngút mắt, của những con đường thênh thang, của những hàng thông vi vu reo trong gió và những mảng nâu cháy trong hoàng hôn tại điểm hạ trại. Tất cả mang lại một niềm hoài cảm man mác.
Vợ chồng tôi mong đợi chuyến đi này đã từ lâu vì cả hai cùng yêu phượt, thích khám phá những vùng đất mới. Cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam đã nằm trong danh sách những việc phải làm của chúng tôi từ vài năm trước.
Sau khi chốt được lịch, mua vé máy bay, chúng tôi tích cực chuẩn bị sức khỏe để thực hiện chuyến đi ao ước bấy lâu. Phải có sức khỏe thật tốt cho chặng đường dài thử thách 2 ngày 1 đêm xuyên qua địa hình đồi núi dưới cái nắng cháy da cháy thịt của tháng Tư.
Chúng tôi bay tới sân bay Liên Khương (Đà Lạt) rồi thuê taxi di chuyển về xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để nghỉ đêm trước khi khởi hành vào sáng hôm sau. Xã Đà Loan là một xã nhỏ với một vài nhà nghỉ bình dân, không có nhiều thứ để ngó nghiêng nhưng đồ ăn trong chợ gần đó khá ổn và người bán rất thân thiện. Nạp năng lượng với nửa con vịt trộn gỏi, chúng tôi tráng miệng bằng túi mít mua ven đường rồi về phòng nghỉ ngơi để sáng hôm sau xuất phátvào 4g30.
|
Đoàn người nhỏ bé men theo sườn đồi dốc thoai thoải quanh co vượt qua những khoảnh đồi |
Điểm hẹn sáng hôm sau cho cả đoàn là quán cà phê phía cuối chợ Đà Loan. Đoàn chúng tôi gồm 8 người, chia đều 4 nam 4 nữ, sàn sàn tuổi nhau và đều là dân văn phòng. Dẫn đoàn là 2 bạn nam vui tính. Sau khi chào hỏi làm quen và ăn sáng, chúng tôi lên xe di chuyển tới cửa rừng Tà Năng để bắt đầu chuyến đi. Đồ ăn và lều trại cho cả đoàn đã được người địa phương dùng xe máy chuyên dụng đi rừng chở tới vị trí cắm trại trước.
Sau màn cùng nhau thể dục khởi động giãn gân giãn cốt, Hoàng - người dẫn đường - phổ biến về lịch trình di chuyển, địa điểm nghỉ trưa, địa điểm dựng lều buổi tối, rồi phát cho mỗi người một chiếc gậy chống.
Thực ra, việc chinh phục cung đường này không quá khó. Trên đường đi, tôi còn gặp cả các cháu nhỏ đi cùng cha mẹ. Thế nhưng với dân văn phòng ít vận động, không ít người bị mệt lả, khuỵu gối, phải lên xe và được chở về. Những chiếc xe đi rừng ở đây cũng là một “đặc sản” với bánh xe gắn xích, khung xe được hàn nối kéo dài, bình xăng tự chế để luồn lách, vượt qua những đường đồi dốc khúc khuỷu và cũng để chở được nhiều đồ nhất, kể cả chở người.
Thêm một ấn tượng nữa là hình ảnh chiếc lều của một du khách Hàn Quốc chúng tôi bắt gặp trong một khoảng rừng vắng. Nghe nói vì quá yêu thích cung đường đó, thỉnh thoảng người đàn ông này lại đi và cắm trại một mình như thế.
Chinh phục cung đường trekking “đẹp nhất Việt Nam”
Sau đoạn đường bằng phẳng đầu hành trình, chúng tôi được thử thách bằng một con dốc rất “khó nhằn”. Đó là một đồi thông dốc đứng mà ai khỏe nhất cũng phải thở dốc, vã mồ hôi như tắm khi leo. Sao mà nó dài thế! Nhưng bù lại, chúng tôi có những bức ảnh tuyệt đẹp chụp được khoảnh khắc ánh sáng chiếu qua rừng lá khi leo tới đỉnh đồi, ngồi nghỉ và nghe thông reo trong gió. Ngồi tựa gốc thông, lắng nghe tiếng gió, tiếng lá xào xạc dưới ánh nắng xiên, tôi thấy bình yên quá đỗi.
Trong chuyến đi này, lần đầu tiên tôi tận mắt thấy những thảm cỏ xanh lấp lánh bên vạt rừng dưới ánh nắng chiếu xiên. Quả thực nó đẹp “như trong phim”.
Cả đoàn dù nhễ nhại mồ hôi nhưng rất vui sướng khi chạm tới cột mốc với chóp Tà Năng - Phan Dũng dưới nắng trời chói chang. Đây chính là điểm giao nhau của 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận. Mỗi người một kiểu ảnh, ai cũng vui tươi hớn hở. Rồi chúng tôi lại tiếp tục hành trình vì chặng đường phía trước vẫn còn dài.
Nốt trầm lắng đọng của chuyến đi được đánh dấu trên lưng chừng một con dốc. Người dẫn đoàn đang đi bỗng dừng lại, châm và cắm một điếu thuốc bên lề đường tưởng nhớ một người bạn đã đi xa do tai nạn xe chính tại địa điểm này. Mắt tôi loang loáng hình ảnh đoàn người nhỏ bé men theo sườn đồi dốc thoai thoải quanh co vượt qua những khoảnh đồi…
Điểm nhấn đặc biệt nhất của chuyến đi có lẽ là buổi cắm trại khi trời đã ngả sang chiều. Hoàng khéo chọn được một địa điểm khá lý tưởng bởi từ vị trí ấy, chúng tôi có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của cung đường trekking này. Đó là khoảnh đất bằng phía trên một sườn đồi cỏ cháy, rộng mênh mông. Xa xa, bốn bề là những dãy núi trùng điệp. Hạ trại xong, cả đoàn đi khám phá, ngắm cảnh và chụp ảnh hoàng hôn.
|
Cắm trại trên đồi |
Trời vừa tối, khu trại lên đèn lung linh, tiệc thịt nướng tưng bừng bắt đầu. Giữa không gian núi đồi thơ mộng đó, những con người xa lạ vừa quen biết nhau qua một ngày đường phút chốc trở nên gần gũi, thân tình. Thật dễ dàng để gắn kết mọi người trong khung cảnh ấy. Như thể khi đã cùng nhau trải qua những thử thách trong hành trình đẹp đẽ này, người ta dễ dàng kết nối.
Ngày nắng hanh hao bao nhiêu thì đêm lạnh bấy nhiêu. Nửa đêm, tôi bất chợt tỉnh giấc vì tiếng gió rít hòa lẫn tiếng mưa, vừa thò đầu ra khỏi lều đã thấy tê buốt. Cuộn tròn trong chăn cách nhiệt, tôi cảm nhận trọn vẹn sự ấm áp trong đêm giá lạnh.
Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả. Bình minh ở Tà Năng - Phan Dũng cũng đẹp đến ngỡ ngàng. Đón bình minh và đợi mặt trời mọc bên những người bạn đường, sau đó điểm tâm với tô mì đầy ắp sườn ninh, tôi bỗng thấy đời mình thực sự quá đủ đầy.
Chặng về, sau khi xuyên qua những rừng khộp, những bãi đá nóng bỏng, chúng tôi lên những chiếc xe ôm mà người dân địa phương đã chờ sẵn để ra khỏi rừng. Chiều muộn, sau khi cùng nhau ăn tối, cả đoàn lên chuyến xe đêm quay lại Sài Gòn.
Lê Ngọc Sơn