Tiếng nói người dân
Tháng Năm năm nay, đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TPHCM nhận được thông tin về hiện tượng bảo kê xây nhà trái phép ở Bình Chánh. Chuyện trái luật mười mươi. Người phản ánh thì sốt sắng. Nhưng thực tế, những căn nhà trái phép ở Bình Chánh là cái gì đó đã… trơ trơ cùng tuế nguyệt.
Bao nhiêu năm, chỉ có nhà trái phép được… hợp thức hóa chứ chưa có một “bức xúc pháp luật” nào được hồi đáp, hóa giải. Ở đó, nhà xây chui đã tồn tại, “sinh sôi” lâu và nhiều đến nỗi, chỉ có sự bức xúc với nó mới là… bất thường, rách việc. Báo chí đâu có… thiếu đề tài đến mức phải xới lại một chuyện ai cũng biết, lại còn quá cũ?
|
Con đường Nữ Dân Công đã khang trang, tươm tất từng là mơ ước mà cũng là "điều không tưởng" trong đa số người dân Bình Chánh |
Đó chỉ là hai trong vô số những lần các nhà báo chạm vào ngã ba giữa sự thật và “tính hiệu quả”. Nhưng, “ngã ba” không giữ chân họ lâu. Hai bài viết Tuyến đường có nhiều “hồ bơi” ở Sài Gòn: Nước ngập 3 ngày chưa rút, người dân mua mì gói về ăn, và Đường thành sông vì… không có cống lần lượt được đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM vào ngày 12 và 14/10/2019.
Ngày 19/10, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu khẩn trương rà soát vấn đề này để có giải pháp kịp thời, phù hợp.
Ngày 31/10, UBND H.Bình Chánh đã tổ chức lễ khởi công công trình nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát nước đường Nữ Dân Công. Đến tháng 8/2020, đường Nữ Dân Công lại xuất hiện rầm rộ trên báo, nhưng với các từ khóa “khang trang”, “tươm tất”.
Con đường nổi tiếng với các “hồ bơi” dày đặc, giờ được sửa chữa tinh tươm như những con đường nhựa kiểu mẫu. “Con đường đau khổ” từng tưởng là một cái tên định mệnh, giờ đã là quá khứ.
|
"Con đường đau khổ" mang tên Nữ Dân Công trước đây |
“Được gì?” cũng là câu hỏi mà chúng tôi đã giải đáp khi dấn thân vào một đề tài “rách việc và vô ích” về hiện tượng nhà xây chui “xưa như trái đất” ở huyện Bình Chánh. Sau bao nhiêu năm miệt mài phản ánh và… từ bỏ, đến ngày 15/5, sau loạt bài Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn của Báo Phụ Nữ TPHCM, người dân Bình Chánh được chứng kiến một đoàn thị sát do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đích thân chủ trì.
Giữa những “công trình nhà ở xây chui”, người dân đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố. Những tiếng nói đã bao phen chìm khuất ngay cả khi đã “lên báo”, giờ đàng hoàng, nghiêm túc trao gửi trực tiếp đến lãnh đạo.
Ngay sau đó, 3 tổ công tác của xã Vĩnh Lộc A được thành lập để rà soát, xử lý đối với các móng, vây tôn, nhà tôn, đường phân lô trên 15/15 ấp thuộc địa bàn. Trong vòng một tháng, có 754 trường hợp bị xử lý, trong đó có 543 móng gạch, 55 móng bê tông, 132 vây tôn, 13 đường phân lô, 11 nhà tôn.
Hơn 700 trường hợp xây dựng vi phạm trong một xã bị xử lý trong vòng một tháng. “An ninh xây dựng” chưa bao giờ được thực thi nghiêm túc như thế ở Vĩnh Lộc A. Câu chuyện rúng động trong dư luận, không phải vì hiện tượng xây nhà chui, mà vì sự quyết tâm và rốt ráo của chính quyền. Không ai ngờ, chuyện rành rành bao năm ở Bình Chánh giờ có thể được xử lý.
Chuyện “hoang đường” như chuyện con đường đau khổ Nữ Dân Công còn có cơ may được vá lành. Từ những câu chuyện như thế, đường dây nóng của Báo Phụ Nữ TPHCM lại bận bịu hơn. Những cuộc gọi phản ánh của người dân như vừa được “tái kết nối”, tăng lên gấp 3-4 lần. Thành công đó là ngoài mong đợi.
Đúng việc và tự do
Nhưng, chúng tôi đã làm gì? Những nguyện vọng “không tưởng”, “hoang đường” và thậm chí là… “rách việc” đó đã bằng cách nào mà được hồi đáp? Không hề có một cách làm cao siêu, dũng cảm hay giỏi giang nào khác ngoài cái cách thông thường nhất - là bày tỏ. Hay nói chính xác hơn - là làm đúng vai trò của mình. Một người dân thực thi quyền và nghĩa vụ công dân, đóng góp bằng chính những phản ánh chân thực và bền bỉ. Một nhà báo tìm đến ngọn nguồn của sự thật và diễn đạt nó.
Còn nhớ đợt làm về nạn xây nhà chui ở Vĩnh Lộc A, phóng viên chỉ có thể tiếp cận thực tế vào những buổi trưa đứng bóng. Chỉ vào giờ đó, người đàn bà Vĩnh Lộc A mới rảnh việc để vào vai “nguồn tin”, miệt mài dắt nhà báo đi đến hết công trình này đến công trình khác, rồi kín đáo kết nối với những người dân khác.
Cũng người đàn bà đó, đã từng là “một người địa phương bất lực” trước bao lần lên tiếng rồi chìm vào im lặng khi những ngôi nhà cứ mọc lên dày đặc như một trò “ú òa” rùng rợn.
Hay vào mùa mưa năm ngoái, một người đàn ông sống bên “con đường đau khổ” đã gọi cho phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, rốt ráo: “Báo nói đã nhiều, nhưng chưa báo nào nói đúng sự thật, mời Phụ Nữ xuống coi, con đường này ngập là do không có cống thoát nước. Mỗi lần lên báo là người ta xuống sửa sửa, rồi mưa xuống lại toang. Không có cống là không cách gì sửa lành con đường này được”.
|
Đường Nữ Dân Công hôm nay |
Rõ ràng, trước đó đã có nhiều người dân phản ánh, nhiều bài báo đăng đàn mà không đạt kết quả. Nhưng, thử nhìn lại cách người đàn bà Vĩnh Lộc A hay người đàn ông bên đường Nữ Dân Công đã phản ánh, rồi Báo Phụ Nữ TPHCM đưa tin - vẫn không thấy một phương cách nào khác hơn là nói lên sự thật.
Sau quá nhiều lần vô vọng, người ta có quyền từ bỏ. Người ta có quyền không tin vào lẽ phải, có quyền khước từ sự thật. Những nhà báo có thể phớt lờ sự thật này để có thể chọn đeo đuổi những sự thật khác. Họ có thể có một định nghĩa khác về “tính hiệu quả”, có quyền chọn những “hiệu quả” dễ dàng hơn, độc quyền hơn, giật gân hơn…
Nhưng, mọi “hiệu quả khác” đều không khỏa lấp được một lần người ta làm ngơ trước một sự bất công, trái đạo lý, phạm pháp… và xác định “không thể làm gì được”. Sự thật này không bao giờ có thể được bù đắp bằng một sự thật khác.
Một lần làm ngơ, ngoảnh mặt và từ bỏ một sự thật xã hội - là một lần ta giới hạn tự do cá nhân, góp phần giới hạn sức mạnh của hệ thống công quyền và sự sáng rõ của luật pháp. Từ đó, nguyên tắc hành xử xã hội có thể không chỉ dựa vào pháp luật, đạo lý, lẽ phải; mà còn dựa vào những “đặc quyền”, những “vùng cấm”, những khoảng nhá nhem mơ hồ nào đó bên ngoài pháp luật. Mà một khi đã để cái mơ hồ chi phối, thì hành vi của con người không còn có thể thẳng thớm, đường hoàng.
Pháp luật, nguyên tắc tổ chức, lẽ phải, đạo lý là những điều người ta thực hành trong vùng sáng của nhận thức. Còn những nguyên tắc mơ hồ, những cái bóng phép tắc bất thành văn là thứ chỉ có thể khiến người ta sợ hãi và khòm lưng né tránh.
Nhà báo có thể khăng khăng “có viết cũng không được gì” dù điều họ viết là tư liệu quý giá để các chính sách, quy định được thực thi. Nguy hiểm hơn, người dân có thể suốt đời tự nhận mình “thấp cổ bé họng”, và tin rằng mọi lời đóng góp đều vô nghĩa. Tự do bị đánh mất từ đó.
Làm báo, chúng tôi đối diện nhiều nhất với câu hỏi “rồi để được gì?” trước khi dấn thân vào một sự thật. “Kỷ nguyên của bất tín” là cách mà báo Alantic của Mỹ gọi thời đại mà chúng ta đang sống. Vì “bất tín” (vào công bằng, lẽ phải, công quyền…), nên những câu hỏi thiệt hơn sẽ liên tục được gióng lên mỗi lần người ta làm điều gì đó có tính dấn thân.
Người ta, trên khắp trái đất này đang trở nên bớt tin vào truyền thông, doanh nghiệp, chính phủ, và cả các tổ chức phi chính phủ. Một sự quan sát toàn diện có thể chỉ ra sự không đáng tin của những thiết chế này, để người ta từ đó có những “rụt rè khôn ngoan”.
Người ta có thể trở thành những công dân chừng mực, những nhà báo “biết điều” ở trong vùng an toàn của họ - mà không biết rằng, “vùng an toàn” chính là một vùng chật chội nhất của tự do. Tự khoanh vùng, là một động tác phản lưới nhà ngọt ngào nhất, và dễ dãi nhất, để dẫn đến sự thua cuộc của tự do.
Ngày 2/9/1945, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình, tự do là một khái niệm toàn dân. Lúc đó, kẻ thù của tự do là đế quốc, là ngoại xâm đã được đánh đuổi, đẩy lùi. 75 năm sau, trong thời bình, cũng như trong mọi diễn biến đời sống của loài người trên khắp thế giới này, tự do vẫn luôn là hành trình mà mỗi cá nhân vẫn phải bước đi, vào những vỉa tầng sâu hơn, cho sự phát triển dài lâu hơn, bền vững hơn.
Cái tự do rộng lớn đó, chính là tự do trong nhận thức toàn diện của sự làm người. Tự do được sống theo và sống trong lẽ phải. Khi đã thoát ly khỏi xiềng xích đế quốc, khi đã sống trong một đất nước có hiến pháp, có pháp luật - thì kẻ thù lớn nhất của tự do chỉ còn là sự yếu đuối của chính mình.
|
Đường Nữ Dân Công trước đây |
Cuối cùng, chúng ta có thể làm gì cho tự do? Câu trả lời vẫn chỉ là “đúng việc”. Một công dân nắm giữ thực tế chỉ có thể làm đúng công việc phản ánh, phản ánh một cách đúng bản chất, đến đúng nơi.
Một nhà báo tìm hiểu, xác minh sự thật, và diễn đạt sự thật đó một cách bản chất nhất, chính xác nhất, bằng hình thức phù hợp nhất. Từng lần như thế có thể không thành công. Nhưng thất bại thật sự sẽ ập đến ngay khoảnh khắc người công dân rời bỏ vị trí công dân mà trở thành một… “quan tòa” - với phán quyết “có nói cũng vô ích”.
Và, thường thấy hơn là những nhà báo rời bỏ vị trí của một nhà báo, để trở thành một nhà “phê bình báo chí” - với những nhận định đầy hoài nghi về “tính hiệu quả”, về “sự khôn ngoan”… Người ta không bền bỉ làm việc của mình, không trau chuốt những nguyên liệu sống trong tay mình - mà vội vã sa vào những đúc kết, những “triết lý ngoại cảnh”, để tự bại.
Sau ngày 2/9/1945, tự do không còn là một khái niệm nằm trong tay đế quốc hay một giai cấp thống trị nào nữa. Tự do nằm ở tư thế sống của mỗi người, và sự bền bỉ sống trong đúng tư thế đó.
Minh Trâm