Dư luận xã hội nhìn chung ủng hộ quyết định này, nhưng ý kiến từ đại diện một số trường (hiệu trưởng) lại chưa đồng thuận.
Báo Phụ Nữ chia sẻ ý kiến của những người trong cuộc để bạn đọc đóng góp ý kiến, giúp nhận diện bản chất vấn đề ở nhiều góc độ.
Chị Trần Thu Hà (Thư ký tòa soạn báo Hoa Học Trò) là một trong số rất ít phụ huynh (PH) dám “ngược dòng”, không cho hai con gái (Sim và Xu) của mình học thêm (HT). Nhưng, chị không đơn độc trong “hành trình nói không với HT”, mà nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của hơn 10.000 người theo dõi trang facebook cá nhân của chị (nick Thu Ha). Phóng viên báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với người mẹ “dám đứng ở một hàng riêng” này…
PV: Thưa chị, trong khi gần như học sinh (HS) ở mọi cấp lớp đều đi HT, vì sao chị lại chọn “ngược dòng”, không cho con HT. Chị có gặp khó khăn với quyết định của mình?
Chị Trần Thu Hà: Con tôi từ mẫu giáo đến lớp 3 đều học trường công lập, lớp khoảng trên dưới 40 HS. Thời gian đầu tôi cũng đơn độc, vì cả lớp chỉ có con tôi và con một chị bán hủ tíu là không HT. Cô giáo có cho con tôi viết vào tập lịch dạy thêm (DT) của cô, còn nhắc nhở mẹ phải cho bé đi HT. Cô cũng có sự thiên vị với những bạn tham gia HT. Con tôi từng bị điểm kém một cách oan ức, bị cô phạt và đánh đòn. Những việc này các PH khác đã lên tiếng giùm tôi, chứ tôi cũng không để ý.
Thật ra, tôi nghĩ việc con bị oan ức hay điểm kém cũng không có gì nghiêm trọng. Cuộc đời không bao giờ có công bằng tuyệt đối. Việc tập cho con nếm trải những cảm giác đó là cần thiết, thậm chí còn cầ n hơn cả việc viết chữ đẹp hay được điểm 10 môn toán. Do đó, tôi vẫn bình tĩnh khi con bị ép đi HT. Tôi chỉ an ủi và cổ vũ bé. Nhờ được nói chuyện với nhiều bạn tuổi teen, tôi biết đánh giá của cha mẹ mới là quan trọng nhất đối với con. Nếu giáo viên (GV) cho điểm kém, chê bai mà cha mẹ vẫn ủng hộ thì con không sợ bằng khi GV khen mà cha mẹ vẫn không hài lòng. Cuối năm, cả con tôi và con chị bán hủ tíu đều đứng trong top 5 của lớp. Tôi nghĩ, không có công bằng tuyệt đối nhưng tương đối thì có!
* Theo chị, nếu không cho con HT, trẻ phải nỗ lực (để hoàn thành chương trình) hay chính PH phải nỗ lực để vượt qua chính mình, sắp xếp thời gian hỗ trợ việc học cho con?
- Tôi từng là GV nên tôi hiểu, với tiểu học thì việc hoàn thành chương trình không quá khó. Thậm chí, bé chỉ học một buổi, không bán trú thì vẫn có thể hoàn thành chương trình. Chỉ vì chúng ta yêu cầu cao quá, như viết chữ thì phải thật tròn trịa, đều tăm tắp; toán thì phải làm hết tất cả bài trong sách giáo khoa và cả sách nâng cao... Mặt khác, điều các PH lo lắng còn là về tâm lý và lợi thế trong lớp. PH thường lo nếu không ép con học sớm, HT, con bị điểm thấp, bị GV đánh, mắng thì sao? Con thua các bạn, con cá biệt trong lớp, con sẽ tự ti, sẽ mặc cảm, sẽ chán học thì sao?
Tôi quan niệm khác. Khi mình cứ cố gắng tìm cách tạo cho con có lợi thế trong lớp, lợi thế ngay vạch xuất phát thì đó là một cách làm yếu con đi. Kiểu như trong cuộc thi chạy marathon mà xài doping ngay chặng đầu tiên. Học tập là việc suốt đời, nên quan trọng là sự yêu thích lâu dài, sự nỗ lực và sức bền. Vượt trội ngay những ngày đầu tiên nhờ vào sự hỗ trợ của cha mẹ là điều không hay. Tôi thấy cần nhất là cha mẹ phải thông suốt về mục đích học tập, sau đó mới nỗ lực giúp con. Nỗ lực nhầm thì còn hại hơn là không nỗ lực. Seneque có câu: “Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng rời xa đích đến”.
* Quan điểm của chị như thế nào về việc DTHT?
- Tôi không ủng hộ DTHT đại trà cho HS, dạy chương trình trong sách giáo khoa, dạy trước bài mới, hoặc luyện lại bài cũ bằng cách làm thật nhiều bài tập. Tôi phản đối việc GV ép HT theo kiểu ai đi học thì được ưu ái, để dành kiến thức trên lớp mang về lớp DT mới dạy nốt. Còn với nhiều lớp HT khác tôi vẫn cho con tôi đi học. Ví dụ những lớp về nghệ thuật, thể dục thể thao, làm bánh, nữ công, tiếng Anh, rồi những khóa STEM... chơi mà học, học mà chơi, tôi thấy rất tốt. Ngoài ra, với một số HS có năng khiếu đặc biệt, học trên lớp không đủ, khao khát HT, hoặc HS quá yếu, học trên lớp chẳng hiểu gì hết, bài luôn chỉ đạt dưới 50% yêu cầu trung bình, thì cũng nên đi HT. Nếu nói DT chỉ vì nhu cầu của GV, vì lương GV thấp thì tôi không đồng ý.
* Chị có cảm thấy đơn độc trong hành trình không cho con HT? Chị có nghĩ, hoàn toàn có thể loại bỏ DTHT nếu các PH thay đổi nếp nghĩ?
- Không cần loại bỏ hoàn toàn. Chỉ nên bỏ HT những thứ mà học trong chương trình chính thức thì đã chán, đã dư, đã lạc hậu, đã không cần thiết. Nếu ở nhà cha mẹ ép con học suốt mấy tiếng mỗi tối, mẹ la con khóc, roi và nắm đấm kè kè bên cạnh, thì còn hại hơn đi HT với GV có qua trường lớp sư phạm. Ban đầu, khi không cho con đi HT, tôi cũng cảm thấy đơn độc, nhưng sau khi tôi viết rất nhiều, tranh luận rất nhiều trên facebook, sau khi tôi ra cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết! thì tôi nhận thấy có nhiều PH đồng quan điểm với mình.
Tôi nghĩ, mình tin thì cứ làm, dần dần năng lượng đó của mình sẽ thu hút những người cùng quan điểm, mình sẽ không còn đơn độc nữa. Ông bà có nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nếu bạn thích cho con đi HT toán và tiếng Anh, bạn sẽ gặp nhiều bạn bè cũng thích học toán và tiếng Anh. Bạn thích con múa hát, thì sau một thời gian bạn sẽ gặp nhiều PH cũng đang cho con tham gia các lớp về diễn xuất, bạn muốn con đi khám phá thiên nhiên, bạn sẽ tìm ra những hội nhóm chuyên tổ chức các tour khám phá thiên nhiên... Ai trong chúng ta cũng sẽ tự nhiên thu hút được những người cùng quan điểm. Bây giờ facebook phát triển, chúng ta càng nhanh chóng tìm được những người cùng tư tưởng với mình. Cái thời đơn độc qua rồi, chỉ cần chủ động lên tiếng, dám công bố suy nghĩ của mình và chịu khó kết nối.
|
Mẹ con chị Thu Hà bước đầu thành công với việc “nói không với học thêm” |
* Chị có cho rằng, để loại bỏ việc HT đối với con, cha mẹ cũng cần tháo vát và mạnh mẽ như chị?
- Không! Cha mẹ cần nhất là sự bình tĩnh thôi. Cha mẹ nên bình tĩnh chờ đợi con. Con còn nhỏ, chỉ mới sáu, bảy tuổi thì không thể khéo léo, nhanh nhẹn và có kỷ luật tốt như cha mẹ đã 30-40 tuổi được. Hãy kiên nhẫn đợi con tiến bộ dần lên mỗi ngày. Tôi cũng không phải là người tháo vát và mạnh mẽ. Chỉ là tôi quan tâm tới giáo dục Việt Nam và các nước, tôi thường trực tiếp phỏng vấn và tuyển dụng nhân sự, nên thấy việc HT để biết trước bài, hay thạo cách giải để đạt điểm cao hơn một chút so với bạn bè, là không có ý nghĩa nhiều trong cuộc sống sau này của các con. Biết nó vô nghĩa thì mình giảm đầu tư cho nó, vậy thôi. Trong cuốn Con nghĩ đi, mẹ không biết!, tôi đã viết:
“Làm sao bạn có thể chạy theo con, che chắn, bọc lót, bênh vực con sau mỗi câu chửi mắng hay mỗi lần chấm điểm của cô giáo? Chỉ còn cách duy nhất là dạy con nâng cao nội lực, để chinh chiến với thế giới xung quanh đầy rẫy bất công này. Cuộc đời con còn rất dài, không ai biết trước tương lai sẽ có những chuyện gì. Không ai có thể múc nước ở giếng của bạn, nếu giếng của bạn không có nước! Đừng làm yếu con mình bằng cách biến con thành một đứa trẻ quá dễ bị tổn thương. Hãy thực tế!
Ta không thể biến nhà mình thành con thuyền để vèo một cái ta chèo chống nó sang nền giáo dục khác.
Ta không thể dạy các giáo viên. Ta chỉ có thể dạy con mình.
Ta cũng không thể thay đổi bộ trưởng. Ta chỉ có thể thay đổi chính mình.
Và chẳng có ai bảo vệ con mình tốt bằng nội lực của chính nó!”.
Cô Nguyễn Hoàng Anh (GV Sinh học, trường THCS Phước Bình, Q.9): Giáo viên không dạy thêm, vẫn sống đó thôi! Nhiều người cho là không thể bỏ DTHT vì GV chủ yếu sống nhờ vào khoản thu nhập từ DT, không được DT sẽ “chết đói”. Tôi nghĩ, chúng ta không nên nhìn vấn đề ở góc độ đó. Thường chỉ có năm môn GV có thể DT, vậy GV tá m môn còn lại không DT được (vì có dạy cũng không có người học) sẽ “chết đói” hết sao? Tôi dạy môn sinh, một trong tá m môn không DT được. Tất nhiên, với đồng lương khiêm tốn, tôi phải chi tiêu dè xẻn mới đủ sống, nhưng tôi vẫn sống đấy thôi! Đúng là những GV giỏi, năng động, DT được nhiều thì đời sống khá hẳn lên, nhưng không nên vì lý do bảo vệ “nồi cơm” của GV mà không dám quyết đoán loại bỏ việc DT. Dù dạy môn gì, GV cũng phải có trách nhiệm đảm bảo kiến thức cho HS ở lớp. Đảm bảo nghĩa là dạy đủ và HS lãnh hội đủ. Chính việc DT đã làm nảy sinh tệ GV “giấu bài”, những bí quyết, những kiến thức hay nhất để dành vào giờ DT mới truyền đạt. Đồng thời ở lớp, GV ít nhiều có sự thiên vị đối với những HS có HT. Tôi chủ trương không cho con HT, nhưng nhận ra trong tình hình chung ai cũng HT, con mình không HT sẽ thiệt thòi nên đành bấm bụng cho con “được như người ta”. Dù vậy, nhìn bọn trẻ tối tăm mặt mũi hết học chính khóa đến HT, tôi không cam lòng. Cả nước chấm dứt được việc DTHT là hay nhất. Để làm được như vậy, Bộ cần thay đổi chương trình cho bớt nặng nề, nâng lương GV để GV đủ sống và có dư chút đỉnh phòng khi ốm đau. Như vậy, GV khỏe mà HS cũng khỏe. * Chị Nguyễn Thị Tuyết Trang (P.8, Q. Tân Bình): Phụ huynh đang chạy đua một cách vô bổ Năm ngoái, con tôi học lớp 1 ở Q.Tân Bình. Vài tuần đầu năm học, cháu bị đánh đến ba lần, mỗi lần bị đánh đều báo với tôi. Xót con, tôi lân la tìm hiểu. Một số PH mách nước “muốn con không bị đánh, phải cho con HT”. Trẻ lớp 1 mà phải đi HT là một việc quá sức tưởng tượng của tôi. Lớp 1 thì có gì ghê gớm để phải học thêm? Nhưng để con được đối xử nhẹ nhàng như các bạn khác trong lớp, tôi đành chấp nhận cho cháu HT ở nhà cô giáo chủ nhiệm. Đúng là sau đó cháu hết bị đánh, không sợ sệt khi nhắc đến cô giáo nữa. Dù vậy, tôi không khỏi quặn lòng mỗi khi đón con về, cháu mệt phờ, có ngày nói không ra hơi. Hóa ra, gần như 100% HS lớp con tôi đều đi HT. Tôi không thể không xót khi con mình chỉ mới sáu tuổi mà đã ngập trong lịch học từ tinh mơ đến tối mịt. Tôi muốn cho con HT tiếng Anh, múa, vẽ, đàn… cũng không tài nào sắp xếp được nữa. Chẳng lẽ cháu phải chịu đựng như thế cho đến lớp 12? Các PH khác bảo tôi, con người ta HT, con mình không học thì không theo kịp. Vậy là PH phải “đua nhau” cho con HT. Chương trình thì nặng, thuần lý thuyết, hiếm khi được thực hành hay trải nghiệm thực tế. Cứ như thế, con em chúng ta sẽ thành những con mọt sách, học thì nhiều nhưng ra đời cứ như chú gà công nghiệp. Chẳng phải các PH đang chạy đua với nhau một cách vô bổ sao? Nếu tất cả PH cùng nhau nói không với HT, con cái chúng ta đỡ khổ biết bao! * Bà Võ Ngọc Thu, Nguyên trưởng phòng GD - ĐT Quận 5: Giáo viên dạy thêm không chỉ vì tiền Theo tôi, ở thời điểm hiện tại, không nên cấm DTHT. Từ lúc làm GV, rồi hiệu trưởng và lãnh đạo phòng GD, tôi nhận thấy DTHT là nhu cầu thiết thực của PH. Khi còn là hiệu trưởng, tôi không cấm GV DT nhưng yêu cầu phải công khai và có báo cáo để quản lý đàng hoàng. Thực tế, có nhiều HS học chậm nhưng hoàn cảnh khó khăn, GV dạy không thu tiền. Thầy cô không chỉ DT vì chạy theo đồng tiền mà còn làm vì quan tâm đến HS, vì tuy Bộ GD-ĐT nói giảm tải nhưng thực chất chương trình vẫn rất nặng, khối lượng kiến thức khá lớn. Đối với các em đã học giỏi, học tốt, GV cũng không nhận cho HT vì sẽ ảnh hưởng đến trình độ chung của những em khác. Về việc học cả ngày ở trường còn phải “chạy sô” buổi chiều tối, tôi nghĩ là do sự lựa chọn của PH. Tuy quy định không cho bài tập về nhà nhưng HS vẫn phải xem lại bài cũ và chuẩn bị bài ngày hôm sau. Nếu có sự hướng dẫn của PH thì rất tốt nhưng đôi khi PH không thể cùng học với con nên cần sự giúp đỡ của GV ở các lớp HT hoặc gia sư. Tôi nghĩ, nếu HT 1-2 buổi/tuần với thời lượng 1-2 giờ thì không đến độ quá tải hay ảnh hưởng đến sức khỏe người học. Cấp tiểu học học 2 buổi/ngày nhưng buổi chiều GV vẫn phải giữ con giùm PH. Chẳng lẽ lại ngồi không trông trẻ, GV bày cho HS củng cố kiến thức, làm bài tập… cũng là việc rất tốt. Cấm rồi cha mẹ chạy ra trung tâm thì cũng là một hình thức DTHT. Tất nhiên, cũng có những GV tiêu cực, nhữ ng trườ ng hợp này phải xử lý tới nơi tới chốn. * Thầy Đỗ Đức Anh, GV Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân: Muốn cấm hãy có lộ trình Theo tôi, mỗi vị trí có một góc nhìn khác nhau về vấn đề DTHT. Đối với những PH mong muốn con em học tốt, vào được trường ĐH tốp trên thì DTHT là cần thiết. Những em có khả năng tự học tốt, có thể tự nghiên cứu sách nâng cao thì sẽ thấy không cần thiết phải HT. Ở góc độ quản lý, có thể thấy DTHT làm nảy sinh tiêu cực… Do vậy, cấm hay không cấm DTHT phải được nhìn nhận ở nhiều góc độ, phải đặt mình vào vị trí của những người khác, chứ không thể chỉ ở vị trí của người quản lý mà ra quyết định, sẽ không thấy được tâm tư, nguyện vọng của những người có ảnh hưởng trực tiếp. Tôi không đánh đồng chuyện DT tốt hoặc không tốt vì ở đâu cũng có những con sâu làm rầu nồi canh. Phải có cái nhìn sòng phẳng, bản thân người GV dạy tốt thì họ không chỉ dạy cho mỗi HS lớp mình mà còn có HS từ nhiều nguồn, nhiều trường khác tìm đến học, thế thì làm gì có chuyện không học sẽ bị đì, lấy điểm số ra ép HS HT. Tôi nghĩ, muốn cấm DTHT cần có lộ trình, không thể hứng lên nói cấm là cấm, dễ gây hoang mang. Muốn thay đổi cần có sự đồng thuận giữa nhà quản lý, GV, HS và những người liên quan, không nên chỉ là quyết định một chiều từ cấp trên. Chẳng ai muốn học nhiều hay dạy nhiều cả, vừa mệt vừa mất cảm hứng. Những em học yếu thì phải học phụ đạo thêm, bản thân gia đình cũng mong muốn con đậu được vào trường tốt để có tương lai, nên bắt buộc phải học. Ngoài ra, tại sao chúng ta không chịu nhìn nhận nguyên nhân từ kiến thức SGK hàn lâm, nặng nề, thi cử áp lực… cũng dẫn đến việc HS phải HT? Lãnh đạo nên lắng nghe ý tâm tư người học, phụ huynh và GV. |
Trần Triều (Thực hiện)