'Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ'

30/12/2019 - 07:00

PNO - Những kẻ xâm lược mang đại bác, máy bay sang Việt Nam đã bị ta đánh đuổi. Giờ ta tiếp tục giữ vững, bảo vệ hay “tự ta lật đổ” chính là tự nơi ta, nơi một phần gốc rễ công tác cán bộ, dùng người.

Mười ngày sau khi phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG bắt đầu diễn ra, đến lượt cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng các đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 

Trước tòa, những mái đầu bạc trắng. Tại tòa, họ đều nhận mình đã sai. 

Cái sai lớn nhất của ông Son là bắt tay mua bán thứ tài sản vô giá trị bằng trị giá ngàn tỷ đồng ngân sách, nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD. Dù có hoàn trả số tiền mua bán kia thì hành vi, động cơ và hậu quả gây ra cũng khó mà đền bù được những mất mát, thiệt hại cho tổ chức mà ông từng đứng đầu, đại diện. Cái ông Son không vượt qua được là chính ông: lòng tham. 

Công trình 18 tầng chễm chệ trên khu đất 5.000m2 ở số 15 Thi Sách là cú “hóa vàng” của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) đằng sau cái công văn 3702 của Bộ Công an đề nghị UBND TPHCM cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 thuê đất để phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an.

Cái sai của ông Tín và các đồng phạm là biết sai nhưng vẫn bút phê, tham mưu theo “đơn vị đặc thù”, không vượt qua được cái bóng chập choạng sai trái của cấp trên để chính mình cũng sai nốt. 

Đó chính là hai trong những biểu hiện “lâm sàng” của cán bộ lãnh đạo một khi đã bị tha hóa như ông Son, dính sai phạm như ông Tín. 

Ngày 25/12, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói rõ, cán bộ là vấn đề quyết định, then chốt của then chốt, thành hay bại đều do cán bộ. Ông nhấn mạnh: “Cơ đồ chúng ta xây dựng 75 năm qua, nếu có sụp đổ cũng do mình có làm tốt công tác cán bộ hay không chứ không phải do kẻ thù”. 

Đó là một sự nhận diện và nhận định chính xác, cũng là lời cảnh báo và cảnh tỉnh khẩn thiết. Nó không chỉ cần và đủ cho một năm nhìn lại, cho trước một kỳ đại hội mà cho cả quá trình tồn tại, vận động và phát triển một cách bền vững của một chính đảng, của bộ máy cầm quyền. 

“Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. 

Cán bộ đứng đầu lại càng đóng vai trò cốt yếu trong sự thành bại của đơn vị, của chính họ. 

Vì sao một đương kim bộ trưởng lại hủ hóa, tham lam tới mức “nuốt” gần 70 tỷ đồng, hay một ngài thứ trưởng lại “mơ màng” nghĩ số tiền hối lộ 200.000 USD là quà mừng lên chức. Hóa ra, cái chức tước ấy lớn và vinh hoa tới mức phải nhận quà mừng chót vót, phủ phê. Họ đánh mất “chất lính” một thời, đã đành là hậu quả của chính họ, nhưng còn cả hệ thống công cụ nhận diện, đánh giá, kiểm soát cái quyền lực của họ đã và đang ở đâu, có thực lực hay đã bị vô hiệu? 

Chúng ta học được gì, áp dụng như thế nào với bài học về “năm cách đối với cán bộ”, gồm: chỉ đạo (thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ, nhưng phải tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ để họ phát triển năng lực và sáng kiến), nâng cao (tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc), kiểm tra (thường xuyên kiểm tra giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm; giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến là không biết yêu dấu cán bộ), cải tạo (khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục, giúp họ sửa chữa), giúp đỡ (phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc…). 

Người dạy, không ai khác, chính là Hồ Chủ tịch. 

“Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ” - là lời của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. 

Những kẻ xâm lược mang đại bác, máy bay sang Việt Nam đã bị ta đánh đuổi. Giờ ta tiếp tục giữ vững, bảo vệ hay “tự ta lật đổ” chính là tự nơi ta, nơi một phần gốc rễ công tác cán bộ, ở chỗ công cuộc dùng người có thật sự được ta trọng thị hay không, có đề cao sự trung thực, liêm chính và trí tuệ trong phẩm chất cán bộ hay không. 

Bởi, phần còn lại, “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy, họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ” - Hồ Chí Minh. 

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lieutien 03-01-2020 20:28:05

    Có được bao nhiêu người nghĩ như thế này? Thật đáng lo khi có càng ngày càng nhiều cán bộ cao đang xa rời lý tưởng cách mạng, chỉ nghĩ đến cái tôi, chủ nghĩa cá nhân, mà không học và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI