'Ta còn em mùi hoàng lan…'

21/07/2019 - 07:36

PNO - Ca sĩ Giang Trang gọi tập trường ca của Phan Vũ “là một bản tình ca sau cùng dành cho Hà Nội”.

Từ nỗi đau lặng thầm riêng mang cất lên từ tâm khảm một người con Hà Nội, Em ơi! Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ đã đi qua bao sự đổ nát của chiến tranh, thời gian, qua bao thời khắc gắn với vận mệnh của Hà Nội, đến bây giờ, vẫn còn nguyên giá trị. Nó như một cách diễn giải “tâm hồn người Hà Nội”.

Ca sĩ Giang Trang gọi tập trường ca của Phan Vũ “là một bản tình ca sau cùng dành cho Hà Nội”. 

Thơ lận đận như người

Tháng 3/2017, tôi cùng nhà thơ Từ Hồng Sơn có đến thăm ông Phan Vũ, mấy ngày trước buổi giao lưu giữa tác giả Em ơi! Hà Nội phố với độc giả được tổ chức tại một quán cà phê nằm trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM. Khi đó, nhìn ông vẫn còn nguyên chất “cao bồi”, nhanh nhẹn, giọng nói vang, rõ, dáng hình trẻ so với cái tuổi ngoài 90 của mình.

'Ta con em mui hoang lan…'

Thỉnh thoảng lúc kể chuyện, Phan Vũ đột nhiên trầm ngâm một lúc, rồi nhả khói thuốc, thỉnh thoảng lại cười rất giòn. Ông kể nhiều về thời thanh niên sôi nổi, về những mối tình đã qua, về bài thơ ông mới hoàn thành cách đây không lâu. Nhắc đến những người bạn đã về “bến lạ” như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt… ông lại khóc. Tất nhiên, trong câu chuyện không thể không nhắc đến Em ơi! Hà Nội phố. Ông gọi đó là tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời mình. 

Nhà thơ Phan Vũ viết Em ơi! Hà Nội phố vào mùa đông năm 1972, tại một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội bị chìm trong làn mưa bom B52 ác liệt. Chiến tranh, bom đạn, nhà cửa đổ nát; trẻ em và người già hầu hết sơ tán về các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Lúc đó, giới cầm quyền Mỹ nói: “Sẽ đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá”. Quá ám ảnh, đau đớn và thảng thốt, ông đã đặt bút viết những câu thơ đầu tiên cho Hà Nội trong những đêm mất ngủ đó: Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa...

Rất nhiều điệp từ được sử dụng, phủ đầy, quấn quýt hơi thơ: Em ơi Hà Nội phố, ta còn em, ta còn em, mãi mãi còn em… như một trấn an, một niềm tin không đổ nát trong lòng. Dẫu thế nào, thì vẫn “còn em”. Còn em, tức là còn Hà Nội. 

“Trong những ngày lửa đạn, tiêu điều đó, tôi thường đi lang thang phố cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông Phái vẽ phố, còn tôi nghĩ về phố. Căn nhà tôi ở là một nhà kiểu Pháp, của một trung tá Pháp, nhà có lò sưởi. Lúc đấy tôi đi lượm cây cối, những mảnh gỗ vỡ, rồi đêm nào cũng đốt lên, rồi thì làm thơ… Em ơi! Hà Nội phố được viết trong 10 ngày thì xong”, Phan Vũ kể.

'Ta con em mui hoang lan…'

Trường ca (hay nói chính xác là một bài thơ trường thiên) Em ơi! Hà Nội phố là một khúc trữ tình dài 443 câu, được chia thành 24 đoạn. Nhà thơ Du Tử Lê gọi mỗi đoạn thơ trong trường ca này là một gam màu, một mảnh puzzo (trò ghép tranh - PV), “khi ráp lại thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12/1972 với những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín nẫu hoang vu”.

Em ơi! Hà Nội phố có nhiều “tam sao thất bản” vì chủ yếu đến với độc giả qua con đường truyền miệng. Bản thân tác giả cũng sửa đi sửa lại khi nhận thấy một câu, một chữ chưa vừa ý. Tác phẩm này được in một lần duy nhất trong tập Phan Vũ - Thơ (nhà xuất bản Văn học) vào năm 2008, tuy nhiên, không phổ biến lắm nên ít được bạn đọc biết đến.

Cho tới 10 năm sau đó, tức năm 2018, ở tuổi 92, nhà thơ Phan Vũ ra mắt tập thơ thứ hai là Ta còn em, trong đó có trường ca này (do Nhã Nam và nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Cách đây không lâu, tập tản văn Ly rượu trần gian (Nhã Nam và nhà xuất bản Hội Nhà văn), được xem là tác phẩm cuối cùng của nhà thơ Phan Vũ cũng vừa ra mắt. Tuy nhiên, khi sách in xong, đang chuẩn bị gửi vào TP.HCM thì ông đã qua đời.

Ông tự nhận trường ca này có số phận lận đận giống như cha đẻ của nó: “Tác phẩm bị phê phán, nhưng thực ra, tôi bị phạt vì bài thơ Bình vỡ, các tác phẩm khác bị lây. Cho tới dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, tôi mới có cơ hội đọc toàn bộ tác phẩm đó cho người dân Hà Nội nghe. Như một phần Hà Nội về với Hà Nội. Âu cũng là một số phận thi ca, bài thơ đó lang bạt giang hồ như chính cuộc đời tôi”.

'Ta con em mui hoang lan…'
 


Năm 2001, họa sĩ - giám tuyển Nguyễn Như Huy có tổ chức những đêm thơ ở EraWine (cơ sở 2, hầm khách sạn Lotus, đường Nguyễn Trãi, TP.HCM), có lẽ là mở màn cho trình diễn thơ ở Việt Nam. Màn trình diễn ấn tượng nhất có lẽ là màn Phan Vũ đọc Em ơi! Hà Nội phố, ông đọc trong tiếng ghi ta ngẫu hứng của Châu Đăng Khoa với tiếng vocal của một bạn diễn; ông đọc hết trang nào lại châm lửa đốt ngay trang đó, như đốt mã cho những ngày tháng, những con người một thời đã ra đi mãi mãi... 

Sau này, có vài người hỏi vì sao lại đốt? “Vợ tôi - diễn viên Phi Nga (diễn viên điện ảnh nổi tiếng với nhân vật Hoài trong phim Chung một dòng sông của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân một thời - PV), hồi bà ấy còn sống, chưa được nghe bài này. Đốt đi là để hóa vàng, cho vợ tôi nghe”, ông nhớ lại. Phi Nga chính là người vợ đầu của nhà thơ, qua đời ở tuổi 49 vì bệnh tật. 

Người đàn bà chơi dương cầm trong căn nhà đổ

Phan Vũ nổi tiếng là kẻ đào hoa nên thơ ông thấp thoáng hình bóng của những “khăn choàng tím đỏ”, “đôi mắt buồn”, cô gái nhẹ buông rèm cửa”, “tà áo nhung huyết dụ”… Tôi hỏi, đó là một người hay nhiều người? Ông cười: “Rất nhiều người con gái. Tôi cũng không biết đích xác là bao nhiêu cô!”.

Tôi chưa bỏ cuộc: còn “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”? Thì ông trả lời ngay: đó là bà Trịnh Thị Nhàn, người con gái trong gia đình nghệ sĩ nổi tiếng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và họa sĩ Nguyễn Thị Khang, chị gái dịch giả Trịnh Lữ, sống trên phố Quán Thánh. Bà Nhàn học piano ở bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn và chơi đàn “hay ngang ngửa Đặng Thái Sơn”. 

'Ta con em mui hoang lan…'

Ông kể thêm, trước kia, ông và nhà thơ Dương Tường đều mê mẩn tiếng đàn, thỉnh thoảng lại qua nhà bà Nhàn nghe đàn. Năm 1972, bom Mỹ ném khắp nơi, căn nhà bên cạnh nhà bà Nhàn bị phá tan tành. Khi sang đến nơi, chỉ còn cây đàn dương cầm vỡ nát, những bản giấy chép nhạc bay lả tả khắp nơi. Sau này bà Nhàn sang Nga học rồi định cư tại Pháp, ở một vùng ngoại ô khá hẻo lánh, trong một tòa nhà cổ gần như bị bỏ hoang, và trong tòa nhà có những cây đàn piano mà chính nghệ sĩ Đặng Thái Sơn từng chơi. Thuở đó chúng tôi là bạn thân, ở nhà gần nhau. Trời lạnh, tôi sang nghe cô đàn. Cô ấy sau này có một cuộc đời nhiều truân chuyên, trắc trở...”.

Ca khúc nổi tiếng cùng tên

Năm 1985, trong một buổi chiều trà dư tửu hậu, nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Phan Vũ gặp nhau và được nhà thơ ngẫu hứng đọc nghe Em ơi! Hà Nội phố

“Anh viết cho anh. Nhưng nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em. Em sẽ có một bài hát về bài thơ này. Anh hỏi, đã có nốt nào chưa? Chả có nốt nào! Nhưng em linh cảm là em sẽ có một bài hát. Mà em dám chắc với anh là bài hát sẽ hay. Hai ngày sau đó, bài hát Em ơi! Hà Nội phố ra đời. Tôi đánh piano và hát cho anh nghe. Phan Vũ yên lặng nghe, nghe xong bảo tôi rằng, Phú Quang làm cho thơ anh lấp lánh quá”, nhạc sĩ Phú Quang kể lại.

Ca khúc Em ơi, Hà Nội phố do ca sĩ Ngọc Tân thể hiện:

Phú Quang viết: “Nụ hôn lạnh giá mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới trời mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm. Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972 khi những cành bàng trụi lá thì căn nhà ấy, và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng đã vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài về những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới”.

Ca khúc lần đầu được lên sóng phát thanh qua tiếng hát ca sĩ Lệ Thu vào năm 1987; một tuần sau đó trở nên nổi tiếng. Về sau, có nhiều ca sĩ hát thành công ca khúc như: Ngọc Tân, Thanh Lam, Bằng Kiều, Cẩm Vân… và Em ơi! Hà Nội phố trở thành một trong những bài hát nổi tiếng về Hà Nội. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phú Quang, Lệ Thu vẫn là người hát hay nhất, xúc động nhất ca khúc “rứt ruột” về Hà Nội này. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI