Thi thoảng, tôi được bạn rủ đi xem lô tô. Ở Sài Gòn hiện có 2 đoàn lô tô nổi tiếng là Tân Thời và Hương Nam thu hút đông khán giả. Đây là loại hình giải trí được ưa chuộng từ lâu, nhất là ở quê hay các khu vực có nhiều người lao động vốn thiếu các điều kiện tiếp cận với sách báo, phim ảnh.
Hơn 30 năm trước, ở vùng quê heo hút của tôi, thuộc huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) cũng đã có các đoàn lô tô về hát. Mọi người đi rất đông. Thời đó, tôi chỉ là một đứa trẻ, còn lạ lẫm với những nghệ sĩ lô tô khi họ mang trang phục nữ nhưng giọng hát nam. Chỉ nghe mọi người bàn tán, gọi họ là “bê đê”, để chỉ những người thích giả gái. Bấy giờ, mọi người vẫn chưa hiểu về “giới tính thứ ba” nên còn khá kỳ thị.
Ý niệm về giới tính thứ ba đối với tôi hoàn toàn không có. Đến khi vào Sài Gòn học tôi mới biết họ là LGBT (gồm lesbian - đồng tính nữ, gay - đồng tính nam, bisexual - lưỡng tính và transgender - chuyển giới). Đó là khi tôi bỡ ngỡ tham gia một buổi nói chuyện về giáo dục giới tính dành cho học sinh - sinh viên tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Diễn giả lúc ấy là một thạc sĩ tâm lý, khẳng định người mang giới tính thứ ba không phải là bệnh, chúng ta không có quyền kỳ thị họ. Tiếng nói của các học giả, nhà tâm lý chuyên về mảng sức khỏe - giới tính đã được báo chí, truyền thông lan tỏa theo hướng đó nên mọi người dần hiểu, cởi mở và cởi trói suy nghĩ.
|
Lộ Lộ và bạn trai |
Ở đoàn lô tô Tân Thời - nơi tôi và bạn mình đến xem - trưởng đoàn Lộ Lộ là người nổi tiếng trong giới vì ngoài hát lô tô chị còn tham gia hoạt động nghệ thuật, đóng phim, diễn kịch… Trên mạng xã hội, Lộ Lộ công khai đời sống tình cảm và rất thoải mái, cho biết hạnh phúc khi được là chính mình. Tôi có cảm tưởng, chị Lộ lúc nào cũng tràn đầy năng lượng trong các hoạt động, có lẽ vì chị đã không còn sợ hãi, đã sống thật với bản thân, tự do lựa chọn tình yêu, cuộc sống và chịu trách nhiệm với con đường đang đi.
Ở đoàn của Lộ có một nghệ sĩ hát lô tô kỳ cựu khác là La Kim Quyền, cũng đã bản lĩnh sống thực với mình từ hàng chục năm nay. Trên hành trình lăn lộn với nghề ấy, chị Quyền đã từng có được tình yêu của đời mình. Họ sống với nhau vì “đó là người đã cùng mình vượt qua vui buồn, sướng khổ trong cuộc đời”.
Hát lô tô là một nghề có thể nuôi sống những người trong cộng đồng LGBT đam mê nghệ thuật, có khả năng trình diễn trên sân khấu. Hình ảnh của họ đã dần quen thuộc và được mọi người thương yêu không chỉ trên sân khấu mà cả đời thực. Vài ba năm trước, nghệ sĩ Hữu Châu cũng đã thủ vai một cô đào hát lô tô ấn tượng trong bộ phim điện ảnh nói về phận đời và nghề này. Qua phim ảnh và nhiều chương trình truyền hình thực tế khác, những người thuộc cộng đồng LGBT đã dần bước ra ánh sáng với niềm tự hào về bản dạng giới, xu hướng tính dục của bản thân thay vì sợ hãi như trước.
Trong chương trình Come out, có những ông bố bà mẹ đã xuất hiện để nói về hành trình chấp nhận con của mình. Đó là hành trình hiểu và thương. Khi họ chọn yêu con như chính con chứ không phải là con theo cách mình muốn là lúc họ bắt đầu chấp nhận sự thật không thể thay đổi: con mình mang giới tính thứ ba.
Thực ra, giới tính thứ ba đã có từ lúc có con người, chỉ là khi xã hội văn minh hơn, hiểu rõ hơn về những sự khác biệt đương nhiên thì họ mới thấy bình thường. Theo thống kê, LGBT chiếm 3 - 7% dân số thế giới, trong đó tỉ lệ người chuyển giới khoảng 0,3 - 0,5%. Đến tháng 11/2021, dân số Việt Nam là 98,5 triệu người, ước tính có 300.000-500.000 người chuyển giới. Tại sao phải trải qua quá trình dao kéo, tốn kém thời gian, tiền bạc nhưng họ vẫn chấp nhận? Vì họ khao khát được “tái sinh” với chính con người thật của mình.
Là chính mình hẳn là điều mà mỗi người hướng tới để có niềm an vui, hạnh phúc trong đời sống, công việc. Đối với LGBT, đó là nỗi khát khao, bởi vì họ còn bị cấm đoán trong những lề thói, gia phong, cộng đồng, quốc gia. Theo đó, họ bị nhiều rào cản, từ văn hóa, tôn giáo, truyền thống, đạo đức… dù vẫn đang có nhiều nỗ lực từ cộng đồng, kể cả trên nghị trường Quốc hội. Cách đây vài hôm, có đại biểu đề nghị xây dựng luật về quyền chuyển đổi giới tính.
Khi đọc dự thảo về Luật Chuyển giới, tôi cảm thấy vui mừng, bởi nó bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân; khẳng định việc can thiệp y học là hoàn toàn tự nguyện. Và họ - người chuyển giới - được đảm bảo kết hôn, hưởng quyền thai sản, thực hiện nghĩa vụ quân sự…
Bước tiến này có thể nói là thềm bậc để đời sống của người chuyển giới nói riêng, cộng đồng LGBT được là mình một cách chính danh. Dù mang giới tính nào cũng cần được tôn trọng và bình đẳng trước mọi giá trị thuộc về con người, luật pháp, cùng các thiết chế khác.
“Ta có là ta, ta mới đẹp” là lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh, để nói về việc nhận diện và sống với chính mình là cách chạm vào hạnh phúc. Ta không cần phải biến mình thành ai cả. Gay không cần phải ép mình cưới vợ, les không cần phải uốn mình thành một phụ nữ bên một người chồng là đàn ông nào đó; bởi đó là con đường khiến không chỉ bản thân mình khổ đau. Đó là sự lừa dối chính mình, lừa dối cả người. Tôi tin, không thể có một kết cục tốt đẹp trên sự lừa dối được.
Thúc ép bản thân hay để mình bị thúc ép bởi bất kỳ ai để sống khác đi, đặc biệt là trong vấn đề tình yêu, tính dục sẽ là cực hình đau đớn nhất với con người. LGBT là con người bình thường trong thế giới rộng lớn này nên họ cần được chấp nhận, cần được yêu thương và yêu thương theo cách họ muốn. Nói như Tổng thống Mỹ Biden khi ông ký luật bảo vệ hôn nhân đồng giới: “Hôn nhân là một vấn đề đơn giản. Bạn yêu ai? Bạn có chung thủy với người đó không? Nó chỉ có vậy. Luật pháp công nhận rằng mọi người đều có quyền tự trả lời những câu hỏi đó”.
Thật vậy, xây dựng luật để LGBT được xuất hiện như là họ không chỉ làm cho họ đẹp hơn mà còn làm cho xã hội văn minh hơn, hạnh phúc hơn. Nói cách khác, xã hội sẽ trở nên đáng sống hơn khi mọi khác biệt đều là bình thường, là lẽ đương nhiên.
Lưu Đình Long