Được ra mắt khá lâu nhưng đây có lẽ là hai bộ phim tình bi (romance/drama) đương đại hay nhất từ đầu năm 2000 tới nay.
Hay, vì chúng vừa mang màu sắc cá nhân, nhiều nỗi niềm của hai đạo diễn sáng tạo ra chúng, đồng thời lại giàu giá trị phổ quát vì chia sẻ sự đồng cảm của rất nhiều cặp tình nhân, vợ chồng đang hoặc từng ở bên bờ vực của tan vỡ và nỗi cô đơn của những kẻ luôn thấy mình lạc lõng trong cuộc vui nhiều người.
Lost in Translation và Her, dù kể hai câu chuyện khác nhau, thực ra lại rất giống nhau và khám phá nhiều ý tưởng đồng điệu đến lạ lùng, đặc biệt là nỗi cô đơn và sự mất kết nối với cuộc sống.
|
Lost in Translation và Her xoáy vào mối quan hệ của con người trong thời hiện đại đầy lạc lõng, mất kết nối |
Biên kịch kiêm đạo diễn của hai bộ phim này là Spike Jonze và Sofia Coppola (con gái đạo diễn Bố già F.F. Coppola), cả hai đều đoạt giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất nhờ hai bộ phim này. Cả hai đều là nhà làm phim tài năng hàng đầu trong thế hệ của họ. Họ là những đồng nghiệp ngưỡng mộ tài năng của nhau trước khi yêu nhau. Họ kết hôn từ năm 1999 - 2003 nhưng đã ở bên nhau nhiều năm trước đó.
Khi họ chuẩn bị hoàn tất thủ tục ly hôn vào cuối năm 2003, bộ phim Lost in Translation của Sofia Coppola cũng vừa ra mắt tại Mỹ sau khi gây tiếng vang lớn tại Liên hoan phim Venice tháng Chín năm đó. Bộ phim, được xem là lời tuyên bố cá nhân của Sofia Coppola về tình yêu và hôn nhân của mình, dù rất khó để nhận ra điều đó.
|
Scarlett Johansson đóng vai một cô gái trẻ theo chồng đến Tokyo, rồi đốimặt với sự cô đơn, lạc lối giữa thành phố đông đúc, xa lạ và bất đồng về ngôn ngữ |
Trong phim, Scarlett Johansson đóng vai một cô gái trẻ theo chồng đến Tokyo xa lạ. Dù là cặp đôi mới cưới, anh chồng trẻ suốt ngày đi công tác xa và để cô lại một mình trong khách sạn sang trọng Park Hyatt Tokyo. Trong những ngày tháng đó, cô gặp một nam diễn viên trung niên sắp về vườn (Bill Murray) - người được mời sang Tokyo để quay quảng cáo về một loại rượu whisky. Hai kẻ đồng cảnh ngộ hình thành một mối quan hệ tri âm và chỉ có thế.
Không oán trách, không kêu than - chỉ thấy hình ảnh của cô vợ trẻ Charlotte (Scarlett Johansson) xuất hiện trong bộ phim với một nỗi cô đơn đến bình thản, thậm chí vô cảm. Cô bước đi một mình với chiếc dù trắng dưới mưa trên đường phố đông đúc ồn ào của Tokyo mà như giữa chốn không người. Cách cô mặc chiếc quần lót mỏng manh ngồi trên bệ cửa sổ của khách sạn nhìn ra ngoài mà như ở đâu đó xa xôi. Cô nhìn mọi thứ xung quanh với một đôi mắt hờ hững, nụ cười thoáng qua trên gương mặt không biểu lộ một điều gì, không buồn cũng không vui.
Đó có lẽ là nỗi cô đơn mang màu sắc hiện sinh nhất trên màn ảnh mà tôi từng nhìn thấy. Cho đến khi tôi gặp lại nỗi cô đơn hiện sinh ấy ở gã nhà văn Theodore trong Her.
Phải đến một thập niên sau, Spike Jonze mới tung ra bộ phim Her, được coi là câu trả lời của anh về những cảm xúc của một người trong cuộc, dù phải tinh ý lắm mới nhận ra. Nếu Sofia Coppola kể một câu chuyện riêng tư mang màu sắc ý nhị, nhẹ nhàng và đậm đặc nữ tính thì cách Spike Jonze đáp lại cũng tinh tế, sâu sắc và quá nam tính. (Xin đừng hiểu nam tính theo kiểu đàn ông cơ bắp, đại trượng phu ăn sóng nói gió, mà đơn giản là cách một người đàn ông dám trung thực với cảm xúc, nỗi cô đơn và dám nhận trách nhiệm của mình).
|
Theodore - gã nhà văn cô độc, không tìm đượckết nối tình cảm với con người, cuối cùng yêu một... giọng nói gợi cảm của mộthệ điều hành thông minh nhân tạo |
Trong Lost in Translation, Sofia Coppola kể một câu chuyện tình lãng mạn mang màu sắc hiện thực mà ở đó cô chia sẻ những xúc cảm riêng tư của mình thông qua nhân vật nữ chính hơn là tìm cách lý giải hay đổ lỗi cho đàn ông. Còn trong Her, Spike Jonze lại kể một câu chuyện lãng mạn màu siêu thực (sci-fi) ở một thời tương lai gần, nơi công nghệ chi phối đến mọi mặt của đời sống.
Theodore (Joaquin Phoenix) - gã nhà văn cô độc sắp li hôn, không thể tìm thấy sự kết nối tình cảm với con người, cuối cùng yêu một... giọng nói gợi cảm của một hệ điều hành thông minh nhân tạo đầu tiên trên thế giới mang giới tính nữ tên là Samantha (trùng hợp thay lại do Scarlett Johansson lồng tiếng với sự quyến rũ chết người).
Cũng giống như Sofia Coppola, Spike Jonze chỉ chia sẻ một câu chuyện riêng tư với góc nhìn của người nam mà không tìm cách đổ lỗi hay bày tỏ sự bực bội, nhỏ nhen với người nữ khi cuộc tình của họ đang bên bờ vực kết thúc. Bộ phim, thậm chí còn như một lời xin lỗi nhẹ nhàng mà chính đáng của anh đến người phụ nữ một thời đầu gối tay ấp.
Để diễn tả nỗi cô đơn của người đàn ông, đặc biệt là với diễn xuất xuất thần của Joaquin Phoenix trong vai gã nhà văn cô độc Theodore, Spike Jonze đã cho nhân vật của mình chìm trong những cơn trầm tư mặc tưởng hoặc nỗi cô đơn của một kẻ luôn thấy mình là kẻ xa lạ trong cuộc vui của nhiều người.
Dáng ngồi mệt mỏi của Theodore dựa đầu vào cửa kính xe buýt, hay cách anh ta ngồi cô độc trên phố với cái lưng hơi còng và đôi mắt vô cảm, hay đứng giữa đám đông trên bãi biển mà như ở chốn không người... đều diễn tả không thể chính xác hơn sự đơn độc của gã đàn ông đã mất hết sự kết nối với con người, và dẫn đến một lựa chọn cực đoan có phần biến thái sau đó - yêu giọng nói của một hệ điều hành máy tính thông minh có khả năng đáp ứng tất cả yêu cầu của anh ta mà không cần phải đáp lại.
|
Vai Charlotte đem lại cho Scarlett Johansson đề cử Quả Cầu Vàng đầu tiên khi mới 19 tuổi |
Lost in Translation và Her, cặp phim kỳ lạ ra đời cách nhau mười năm, nói với ta rất nhiều điều về những mối quan hệ tình cảm bấp bênh và nhiều đổ vỡ trong thời hiện đại. Về sự lạc lõng của hai kẻ yêu nhau, dẫn đến sự cô đơn và cô độc của hai kẻ đồng sàng dị mộng.
Bởi có những mối quan hệ không thể tiếp diễn, dù họ vẫn yêu và tôn trọng nhau. Cho đến khi cả hai chấp nhận dừng lại. Và bước tiếp. Dù trong cô đơn.
Lâm Lê