Gần đây, liên tiếp các nạn nhân tố cáo nhân vật lừa đảo “Anna Bắc Giang” sử dụng cách thức thao túng tâm lý. Nhiều người giật mình tự hỏi: Liệu ta có đang trong cái bẫy thao túng tâm lý nào không?
“Cô điên thật rồi!”
Cô A. thấy chồng có dấu hiệu ngoại tình và thực tế chồng cô đang lén lút ngoại tình. Vậy nhưng khi cô hỏi, chồng cô luôn lật ngược thế cờ bằng cách la lối: “Cô điên thật rồi, cô cứ ở nhà riết nên bị ám ảnh”. Người chồng nhiều lần quy kết vợ mình mắc chứng suy diễn, hoang tưởng do đọc quá nhiều tin tức xấu trên mạng, báo lá cải, thành ra có tâm lý tiêu cực, ghen tuông…
Nếu việc “tiêm vào đầu” của người chồng thành công, cô A. dần mất niềm tin vào bản thân, nghi ngờ trực giác và khả năng phân tích của mình. Kết quả, chồng cô ung dung ngoại tình nhưng vẫn ở “kèo trên”, còn cô thì dằn vặt với các cơn nóng lạnh của cảm xúc, không biết mình phán đoán chính xác hay hoang tưởng, cộng thêm cảm giác có lỗi với chồng.
Hiện tượng “lật kèo” bằng các thủ pháp như trên là một dạng thức đơn giản của thao túng tâm lý. Ở đây, người chồng là kẻ thao túng (kẻ độc hại), cô vợ là nạn nhân. Mục đích là kẻ độc hại bỗng trở nên vô tội và người bị thao túng tâm lý trở thành kẻ có lỗi.
|
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com |
Thao túng tâm lý là thuật ngữ không mới trong tâm lý học, văn học, điện ảnh thế giới. Khái niệm này khởi phát từ một vở kịch năm 1938 tại Mỹ, sau đó chuyển thể thành bộ phim kinh dị tâm lý của Hollywood năm 1944 với tên Gaslight (bản tiếng Việt có tựa là Ràng buộc). Phim kể về một người đàn ông đứng tuổi kết hôn với một cô ca sĩ trẻ và ra sức chứng minh cô bị tâm thần để chiếm đoạt gia sản.
Từ những năm 1960, ngành tâm lý học bắt đầu dùng thuật ngữ gaslight hay gas-lighting (hiệu ứng đèn gas) để chỉ việc thao túng tâm lý. Rất nhiều bộ phim tâm lý xã hội Âu, Mỹ và Hàn Quốc khai thác đề tài thú vị này. Nhân vật trong phim thường là một cô gái đẹp hoặc một tên tội phạm ma lanh sử dụng việc thao túng tâm lý để lừa tình hoặc chiếm đoạt tài sản, thậm chí đưa cả những điều tra viên vào màn kịch tài tình của mình.
Có nhiều kiểu thao túng tâm lý nhưng đặc điểm chung là kẻ thao túng dùng cách thức tâm lý khiến một người mất niềm tin vào bản thân, mất năng lực phân tích, phán đoán. Từ đây, kẻ thao túng dễ dàng che giấu sự thật hoặc điều khiển nạn nhân.
Kẻ độc hại trốn ở đâu?
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ trên trang cá nhân: “Thao túng tâm lý là những kỹ thuật tâm lý làm bóp méo tinh thần, bóc lột tình cảm của người khác với những động cơ chiếm đoạt quyền lực, sự kiểm soát, phục vụ lợi ích, đặc quyền của bản thân và trả nó bằng cái giá của nạn nhân”. Theo ông, thao túng tâm lý thường liên quan đến các vụ lừa đảo.
Dù thao túng tâm lý xảy ra nhiều trong tình yêu, hôn nhân nhưng nó cũng có thể xảy ra trong mọi mối quan hệ. Bà Shannon Thomas (chuyên gia tư vấn tâm lý ở Southlake, bang Texas, Mỹ, tác giả cuốn Thao túng tâm lý - Nhà xuất bản Dân Trí) cho rằng thao túng tâm lý là một dạng của lạm dụng tâm lý và có thể xuất hiện ở bất kỳ môi trường nào, từ bất cứ đối tượng nào. Đó có thể là cha mẹ ruột, anh chị em ruột, người yêu, vợ hoặc chồng, sếp hay đồng nghiệp với nhau. Chính bà Shannon cũng là nạn nhân bị lạm dụng tâm lý và may mắn “sống sót”.
|
Nạn nhân của thao túng tâm lý bị một người hoặc một tổ chức nào đó dẫn dắt, từ từ mất sự tỉnh táo, khả năng phán đoán, kết quả, họ bị điều khiển một cách vô thức và hành động ngược với quy chuẩn, ranh giới đạo đức. |
Hành vi của kẻ thao túng giống như một trò chơi bí ẩn, tệ hại và lặp đi lặp lại. Họ thường là một cá nhân hoặc nhóm người độc hại thực hiện có chủ đích cụ thể với nạn nhân. Hành vi của họ được ngụy trang tài tình và thường xuyên nhưng không bị phát hiện.
Với tính chất âm thầm gây hại, tổn thương cảm xúc, lòng tự trọng của nạn nhân, sự thao túng tâm lý khiến nạn nhân rơi vào hoài nghi và trầm cảm. Có người gọi đó là “nghệ thuật tẩy não”.
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân nghĩ mình là kẻ xấu, kẻ độc hại, như cô vợ ghen tuông kể trên. Nạn nhân càng hoang mang càng sợ bị bỏ rơi và lệ thuộc vào mối quan hệ với kẻ thao túng. Mấu chốt và sự lẩn quẩn của tâm lý cũng ở chỗ này. Vì vậy, người bị thao túng tâm lý rất khó thoát ra nếu không có sự giúp đỡ của người nhà, bạn bè, bác sĩ tâm lý…
Điểm mù tâm lý và các kiểu “bắt nạt”
Hồi nhỏ, bạn có thể nghe những câu chuyện mang màu sắc hoang đường khó lý giải như chị X. không giàu có nhưng cũng ráng sắm chút vàng đeo cho bằng bạn bằng bè. Một hôm, X. gặp một phụ nữ lạ và lột hết vòng, nhẫn vàng và tiền đưa chị kia. Khi người lạ đi rồi, nạn nhân ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình.
Hay trường hợp khác, anh Y. là người chồng tốt, người con hiếu thảo. Sau khi gặp gỡ một cô gái trẻ, anh không những ruồng rẫy vợ con mà còn về quậy cha mẹ, đòi tiền đem cung phụng cho cô gái ấy. Mọi chuyện trôi qua, chính anh Y. cũng không hiểu vì sao có lúc mình mù quáng đến vậy.
Tương tự chị X., anh Y., ai cũng có những lúc hành động “không hiểu nổi”. Ví dụ không tin tưởng vào dịch vụ nọ nhưng bạn vẫn bỏ tiền mua; không muốn cho một người vay tiền nhưng vẫn dốc túi đưa hết cho họ…
Khi truyền thông phát triển, chúng ta có thể gặp khá nhiều kiểu tận dụng kỹ thuật tâm lý. Rất nhiều kế hoạch tuyên truyền, chiến lược marketing tận dụng việc dẫn dắt, bẫy tâm lý… để lèo lái sự lựa chọn của khách hàng. Không thiếu các vụ “truyền thông bẩn” đã nhận hiệu quả rất tốt cho tới khi… “lộ bài”.
M. Ryan Calo - một chuyên gia trong lĩnh vực này - cho rằng các doanh nghiệp rất chú ý khai thác sự dễ tổn thương của người tiêu dùng. Về cơ bản, internet giúp việc khai thác cảm xúc ở cấp độ cá nhân và thao túng các hành vi dễ dàng.
|
Nạn nhân của thao túng tâm lý bị một người hoặc một tổ chức nào đó dẫn dắt, từ từ mất sự tỉnh táo, khả năng phán đoán, kết quả, họ bị điều khiển một cách vô thức và hành động ngược với quy chuẩn, ranh giới đạo đức (Ảnh minh họa - atlascompany) |
Nhìn xung quanh, ta cũng dễ dàng gặp một số người có năng lực gây ảnh hưởng tới người khác, khéo léo xui khiến người khác. Rõ nhất là các dạng thức kinh doanh đa cấp với tính chất lừa gạt. Nhiều kẻ hô hào góp vốn đầu tư, người ngoài nghe thấy rất vô lý, nhưng vẫn thu hút đông đảo người dốc cạn túi tham gia.
Các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra thuật ngữ “bắt nạt trí tuệ”. Kẻ thao túng sẽ khiến nạn nhân lầm tưởng họ rất am hiểu trong một lĩnh vực và hào hứng đi theo những người vượt trội về mặt trí tuệ, tin chắc vào thành công, từ đó dốc vốn đầu tư mù quáng.
Không phải ai cũng là đối tượng bị thao túng tâm lý. Kẻ độc hại thường nhắm vào những người cô đơn, yếu ớt về tâm lý, tin thái quá vào trực giác, hành xử thiên cảm xúc… Lời khuyên của các chuyên gia là khi có dấu hiệu nghi hoặc bản thân, bạn cần ghi lại các cảm xúc, liên hệ và chia sẻ với bạn bè, người thân, tìm tới sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia…
Đặc biệt, cần nâng cao khả năng phản biện, suy luận logic trong mọi việc để xóa “điểm mù tâm lý”, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt…
Dấu hiệu thao túng tinh thần Có một số dấu hiệu cảnh báo người yêu, bạn bè hoặc đồng nghiệp đang thao túng tâm lý với bạn: - Họ nhấn mạnh rằng bạn đã nói hoặc làm những điều bạn không làm. - Phủ nhận ký ức của bạn về các sự kiện. - Nói rằng bạn “quá nhạy cảm”, “hoang tưởng” khi bạn nói về mối quan tâm của mình. - Nói với người khác rằng họ nghi ngờ về cảm xúc, hành vi, trạng thái của bạn. - Vặn vẹo điều bạn nói để đổ lỗi cho bạn. - Nhấn mạnh rằng họ đúng và từ chối lắng nghe quan điểm của bạn. Tiến sĩ Robin Stern (tác giả cuốn Hiệu ứng đèn gas, Nhà xuất bản Thanh Niên) |
Châu Giang