Syria: Nghẹt thở ca mổ cứu thai nhi bị mảnh bom găm vào mặt

20/09/2015 - 09:59

PNO - Các bác sĩ ở Syria đã tạo nên kỳ tích cứu sống thai nhi bị mảnh bom xuyên qua bụng mẹ và găm vào mặt sau tấn công tên lửa.

Đoạn video ghi lại tại phòng mổ cho thấy các bác sĩ tại thành phố Aleppo, Syria đã loại bỏ mảnh bom găm vào gương mặt của thai nhi sau khi được đưa ra khỏi tử cung của người mẹ.

Trước đó, người mẹ được chỉ định đẻ mổ khẩn cấp sau khi một cuộc tấn công tên lửa bằng đã làm bị thương cả sản phụ lẫn thai nhi trong bụng.

Syria: Nghet tho ca mo cuu thai nhi bi manh bom gam vao mat

Các bác sĩ lấy ra mảnh đạn găm trên trán thai nhi

Em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ với mảnh đạn găm vào phần mặt và nằm hoàn toàn bất động. Các bác sĩ đã tiến hành mổ khẩn cấp cho bé. Cuối cùng, thai nhi vừa chào đời đã cất tiếng khóc chào đời khi được thở bằng mặt nạ oxy và chà xát mạnh.

Mảnh đạn lớn được lấy ra khỏi phần trán của bé gái để lại một vết thương lớn và sâu trên mặt em. Một số mảnh nhỏ khác vẫn còn trên đầu và tóc của bé, nhưng vết thương nghiêm trọng nhất đã được xử lý thành công. Đội ngũ bác sĩ cũng không giấu được nụ cười nhẹ nhõm khi thấy bé gái chiến thắng tử thần.

Syria: Nghet tho ca mo cuu thai nhi bi manh bom gam vao mat

Bé gái đã được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc.

Theo Reuters, sản phụ này cũng có 3 người con nữa đều bị thương sau vụ tấn công. Thật may mắn là sau khi được cứu chữa tại bệnh viện, cả 3 đứa trẻ đều đang ở trong tình trạng tốt.

Đại diện từ phía bệnh viện cho hay các bác sĩ đã vô cùng vui mừng khi ca mổ thành công, cứu được sinh mạng của hai mẹ con. Đoạn video được đăng tải ngày ngày 18/9 trên Facebook kèm theo thông tin hai mẹ con đang hồi phục tốt.

Syria: Nghet tho ca mo cuu thai nhi bi manh bom gam vao mat

Tiếng khóc hồi sinh của em bé là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh nội chiến ở Syria.

Em bé sơ sinh này hiện vẫn chưa được đặt tên nhưng các bác sĩ đề xuất nên gọi bé là Amal, nghĩa là "hy vọng" trong tiếng Ả Rập.

Theo ước tính có 7,6 triệu người Syria hiện đã bị mất nhà cửa do cuộc xung đột đang diễn ra tại đất nước của họ. Sự tàn phá liên tục lên cơ sở hạ tầng, tình trạng an ninh ở mức báo động cao và bạo lực tràn lan tiếp tục gây khó khăn cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Khoảng 320.000 người, trong đó có 11.000 trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến đang gây ra tình trạng khủng hoảng tị nạn quốc tế hiện nay.

Nguyệt Nguyễn (Theo Mirror)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI