Nhiều nhóm vũ trang được Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí giờ đây đã quay sang kết tội Washington phản bội họ và không tôn trọng những thỏa thuận giữa hai bên, và đang xem xét quay sang liên kết với Nga.
Thủ lĩnh của một trong những lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, hiện đang hoạt động ở thành phố Aleppo mới đây đã tiết lộ với trang tin The Daily Beast của Mỹ rằng, chính phủ Mỹ đã hứa trả một khoản tiền cho các binh sĩ đang chiến đấu trên đất Syria, song họ đã không thực hiện điều này.
Ông Mustafa Sejry thuộc nhóm vũ trang Liwa al-Mutasim đóng tại thị trấn Marea, cách Aleppo 25km về phía Bắc nói rằng, ông đang xem xét “thể hiện lòng trung thành với Moscow thay vì Washington”.
“Khi chúng tôi ký thỏa thuận với Mỹ, chúng tôi đã yêu cầu họ trả cho mỗi người 500 USD, đồng thời hỗ trợ cho những binh lính bị thương và gia đình có liệt sĩ”, ông Sejry cho biết. “Họ đồng ý sẽ trả 250USD trong nửa năm đầu và sau đó sẽ nhận tiếp số tiền còn lại trong nửa năm sau. Cho đến nay chúng tôi mỗi người mới chỉ có được 250USD và không có một khoản viện trợ nào cho những người bị thương hoặc đã khuất”.
Theo ông Sejry, trong vòng nửa năm đầu được Mỹ hậu thuẫn, lực lượng vũ trang của ông không được chi trả thường xuyên. “Trong vòng ba tháng trở lại đây, chúng tôi mới chỉ nhận được khoản lương cho một tháng chiến đấu”, ông nói.
Trong lúc thị trấn Marea, nơi nhóm vũ trang Liwa al-Mutasim của ông Sejry đã bị IS bao vây vào tháng 6 vừa qua, Mỹ đã thả đạn dược và các nhu yếu phẩm cho họ, giúp họ có thể phá vòng vây và phản công nhằm vào các phần tử khủng bố ở các làng xung quanh.
Ông Sejry đã hi vọng rằng cuộc không kích do Mỹ tiến hành nhằm vào các cứ điểm của IS quanh Marea sẽ mang đến sự hỗ trợ ổn định và dài lâu của Mỹ đối với quân nổi dậy. Thế nhưng, kể từ sau khi IS bị đập tan vào hai tháng trước, quân Mutasim vẫn chưa nhận được các loại vũ khí thay thế. “Chúng tôi đã mất rất nhiều súng máy và các loại xe vận tải. Chúng tôi không thể sửa chữa hoặc thay thế những thiết bị đã hỏng”, ông nói.
Ông Sejry cũng cho biết, một số đại diện của Nga đã tiếp cận ông tại vùng biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ 10 ngày trước, và họ hứa sẽ cung cấp “một số lượng lớn vũ khí và hỗ trợ không kích” để giúp Mutasim chống lại IS và Mặt trận Nusra. Đổi lại, lực lượng này “phải thể hiện lòng trung thành đối với Moscow thay vì Washington”.
|
Nga chớp lấy thời cơ đúng thời điểm. |
Thủ lĩnh nhóm nổi dậy nói thêm, ông đang xem xét đề nghị trên và hi vọng có thể biến đây “làm bàn đạp để khiến Mỹ tăng cường hỗ trợ” cho họ. Tuy nhiên, phía Mỹ không hề có bất kỳ liên lạc nào với lực lượng Mutasim trong một thời gian dài.
Thêm vào đó, trước đó, trong một lần đang yểm trợ quân nổi dậy Syria tấn công một cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo, các chiến đấu cơ Mỹ đã bất chợt rút lui, khiến cả chiến dịch thất bại.
Ngày 28/6, các máy bay chiến đấu Mỹ đang không kích yểm trợ cho lực lượng nổi dậy Syria tiến hành cuộc tấn công chiếm lại thị trấn Bukamal ở miền đông Syria từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) thì nhận mệnh lệnh phải lập tức di chuyển sang tấn công mục tiêu ở ngoại ô thành phố Fallujah, Iraq, Washington Post dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết.
Đại tá Chris Garver, phát ngôn viên quân đội Mỹ, giải thích rằng họ đột ngột chuyển hướng vì lúc ấy nguồn tin báo về rằng một đoàn xe chở nhiều tay súng IS đang vượt qua sa mạc nhằm tháo chạy khỏi Fallujah sau khi thành phố này bị quân đội Iraq tái chiếm. Các chỉ huy Mỹ xác định đoàn xe trên là "một mục tiêu chiến lược".
Đoàn xe bị quét sạch chỉ trong thời gian ngắn bởi các chiến đấu cơ Anh, Mỹ, kết hợp với hỏa lực từ quân đội Iraq. Hàng trăm chiến binh IS bỏ mạng.
Tuy nhiên, trong trận chiến ở Bukamal, những tay súng thuộc lực lượng nổi dậy mang tên Quân đội Syria Mới do Lầu Năm Góc huấn luyện đã bị phiến quân IS áp đảo, hứng chịu thất bại thảm hại và buộc phải rút lui về căn cứ tại Tanf, gần biên giới Syria - Iraq, cách đó hơn 300 km.
|
Thất bại của chiến dịch là một đòn giáng mạnh vào chiến lược mà Bộ Quốc phòng Mỹ theo đuổi nhằm xây dựng một đội quân Arab của Syria chống IS. |
Việc không lực Mỹ chuyển hướng giữa lúc cuộc tấn công đang ở vào giai đoạn gay cấn nhất khiến không ít người đặt câu hỏi rằng cam kết của quân đội Mỹ và liên minh đối với cuộc chiến chống IS bền chặt đến đâu hay liệu họ đã dồn đủ nguồn lực cho cuộc chiến hay chưa.
Biện hộ cho quyết định "bỏ rơi" quân nổi dậy Syria này, ông Garver nhấn mạnh: "Nguồn lực có hạn. Bạn phải cố gắng hết sức để gia tăng tối đa thiệt hại lên đối phương với những gì có trong tay. Chúng tôi phải đề ra những ưu tiên".
Biên bản theo dõi số lượng các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria cho thấy vào thời điểm chiến dịch tấn công Bukamal được phát động, Mỹ tiến hành tổng cộng 8 cuộc không kích mỗi ngày. Nhưng trong ngày quân nổi dậy Syria hứng chịu thất bại trước IS, họ chỉ thực hiện một đợt duy nhất.
"Ưu tiên ở đây dường như là truy sát mục tiêu, tấn công mục tiêu nào giá trị hơn", ông David Maxwell, cựu sĩ quan Đặc nhiệm Mỹ kiêm phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Georgetown, nhận xét. "Đây là cách mà chúng ta tư duy suốt 15 năm qua khi triển khai các cuộc không kích bằng máy bay không người lái hay tấn công tổng lực. Chúng ta muốn đạt hiệu quả tức thì trên chiến trường mà không tính đến những hệ lụy có thể xảy ra".
Giới quan sát đánh giá quyết định điều chiến đấu cơ chuyển hướng sang Iraq, khiến các tay súng của lực lượng Quân đội Syria Mới không còn được yểm trợ hỏa lực từ trên không chính là nguyên nhân mấu chốt khiến toàn bộ chiến dịch tấn công Bukamal thất bại.
Chuyên gia nhận định thất bại của Quân đội Syria Mới ở Bukamal lần nữa giáng một đòn mạnh vào chương trình huấn luyện quân địa phương vốn đã bị chỉ trích của Lầu Năm Góc khi mà nó chỉ tạo ra những thay đổi ít ỏi trong khi tiêu tốn một lượng lớn chi phí, ước tính lên tới 500 triệu USD.
Minh Đức