Trong chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam từ lúc khởi đầu đến nay, 1 triệu USD là con số khiến rất nhiều doanh nghiệp non trẻ phải ao ước mỗi khi bước chân vào cuộc đấu trí kêu gọi vốn.
Câu chuyện đôi bạn thân Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng, sáng lập Gcalls - ứng dụng vừa được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ VinaCapital đã khiến nhiều người bất ngờ.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng trước khi chạm tay vào số tiền đầu tư từ bà Thái Văn Linh, Phúc và Bằng đã trải qua chặng đường dài đầy thăng trầm, chủ yếu vẫn là nếm mùi của thất bại.
Nỗi ám ảnh từ chiếc giày...
Năm 2010, khi đang là sinh viên năm 2 trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, Phạm Tấn Phúc quyết định từ bỏ công việc tại một tập đoàn đa quốc gia với mức lương nghìn đô vì ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp, muốn tạo ra một thương hiệu công nghệ Việt, thay đổi quan niệm “Người Việt chăm làm, giá rẻ".
Chàng trai trẻ nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp từ chuyến tham quan nhà máy gia công giày của một doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam, với 90% công nhân là nữ. Phúc bị sốc và ám ảnh vì cám cảnh người Việt phải cực khổ bán sức trong các nhà máy, trong đó có cả những bạn bằng tuổi Phúc, thậm chí đáng tuổi em út.
|
Gcalls là ứng dụng vừa được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ VinaCapital. |
“Mỗi ngày tỉnh dậy và nghĩ ra cảnh trẻ em Mỹ đang đi học, tung tăng nhảy múa trên những đôi giày được tạo từ máu và nước mắt của nhiều lao động trẻ Việt Nam như vậy khiến tôi muốn thay đổi điều gì đó. Tôi muốn dẫn dắt và tạo một doanh nghiệp thế hệ mới có trách nhiệm xã hội hơn mà người Việt của mình bảo vệ lẫn nhau được, đi ra toàn cầu được…”, Phúc tâm sự.
Đây có lẽ là lý do khiến Phúc kiên trì với con đường đã chọn, dù trải qua vô số chông gai và thất bại ê chề. Thất bại đầu tiên phải kể đến, đó là dự án "Click Now" - với ý tưởng từ game để mọi người nuôi thú ảo đến sử dụng dịch vụ tại các điểm ăn uống, một hình thức quảng bá mới trong marketing. Bảo lưu năm học và dành 12 triệu đồng tiền học phí để khởi nghiệp nhưng kết quả là dự án tạm dừng sau 12 tháng vì thiếu định hướng. Phúc ôm “cục nợ” và phải làm thuê để trả dần.
Những dự án sau đó của Phúc và những cộng sự lại lần lượt dang dở vì thiếu vốn và không tìm được nhà đầu tư lâu dài. Từ dự án HR Key - nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cho đến ý tưởng "Bản đồ chống hàng giả" đều “chết yểu” khi tuổi thọ chưa tròn một năm.
Thời điểm ấy, những ý tưởng khởi nghiệp của Phúc không tìm được đường ra. Cạn vốn chính là thử thách lớn mà nhóm của Phúc phải đối mặt. Nhóm "rả đám", các cộng sự (trong đó có Bằng) tự tìm cho mình một con đường riêng. Bằng du học Đức, còn Phúc thì quyết định lập nhóm gia công phần mềm quản lý nội bộ doanh nghiệp và phần mềm cho các công ty thương mại điện tử Việt Nam ngay tại... phòng trọ.
“Doanh nghiệp địa phương phục vụ khách hàng toàn cầu”
Năm 2014, Phúc quyết định viết "tâm thư" cho Bằng - khi đó đang học tại Đức. Vốn cũng đam mê khởi nghiệp, Bằng trở về Việt Nam chung tay xây dựng công ty khởi nghiệp của cả hai.
Giai đoạn đầu khó khăn, Bằng phải đi làm tại các công ty đa quốc gia của Đức và Hoa Kỳ tìm cách xoay xở vốn cho nhóm, để Phúc toàn tâm vào việc điều hành. Gcalls ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Phúc cho biết, ý tưởng xây dựng Gcalls xuất phát từ “cửa hẹp” của doanh nghiệp quốc tế: Một số trường hợp, doanh nghiệp sẽ quá tải khách hàng dẫn đến tắc nghẽn, không đủ tổng đài viên để trao đổi trực tiếp nên khách hàng phải gửi yêu cầu qua hộp thư.
|
Đôi bạn thân Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng cùng sáng lập Gcalls. |
“Gcalls vừa vặn đưa ra giải pháp tổng đài điện thoại trên nền tảng công nghệ đám mây dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ cần đăng ký một tài khoản trên web, doanh nghiệp có thể tạo một tổng đài nghe và nhận cuộc gọi ở bất kỳ đâu có kết nối Internet. Việc này có thể giúp các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng cài đặt tổng đại ở các chi nhánh nước ngoài, thuê nhân công địa phương nhanh gọn. Tổng đài dạng này cũng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm chi phí so với việc xây dựng một tổng đài thông thường”, Phúc tự hào giới thiệu.
Dự án cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận lực lượng lao động nhàn rỗi địa phương để trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng trong hệ thống lao động đã đăng ký trên ứng dụng.
Cả hai đã thực hiện nhiều nghiên cứu trước khi ra mắt Gcalls. Trước 1 triệu USD từ đại diện quỹ VinaCapital, Phúc và Bằng từng khá chật vật để gọi vốn. Phúc mua tài khoản LinkedIn Premium, kiên trì gửi 15 email/ngày cho các nhà đầu tư dù không ai phản hồi. Cuối cùng sau 6 tháng, đôi bạn được Telstra - tập đoàn Viễn thông của Úc chú ý và phản hồi, đầu tư gián tiếp thông qua quỹ Muru-D với số tiền 40.000 đô la Sing.
Việc nhận được đầu tư từ Telstra như một "giấy thông hành" để Gcalls có những bước phát triển xa hơn, mở ra nhiều hy vọng cho hai bạn trẻ. Gcalls thành lập công ty ở Singapore theo yêu cầu từ nhà đầu tư gọi vốn, may mắn nhận được mức đầu tư 10.000 USD tiếp theo từ Quỹ BFBZ (Singapore).
Tuy nhiên, thời điểm vừa thành lập, công ty rơi vào khó khăn trầm trọng, hơn một nửa nhân viên nghỉ việc, số còn lại chấp nhận 50% lương trong 4 tháng sau đó.
"Chúng tôi biết là sẽ rất khó khăn và tự nói với nhau 'quá tam ba bận'. Nếu lần này thất bại thì phải tách nhau ra để đi làm thuê", Phúc nhớ lại.
Tin vui duy nhất thời điếm đó: Gcalls được chọn là 1 trong 8 đại diện doanh nghiệp công nghệ trẻ Việt Nam tham gia hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) do tổng thống Obama tổ chức.
Cuối năm 2016, khó khăn qua đi cũng là thời điểm Bằng và Phúc đón nhận vô số nhà đầu tư đến “ngỏ ý”. Dự án Gcalls được hai khoản đầu tư trị giá 31.000 SGD; sự hỗ trợ từ Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF) và Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG (ITP); một nhà đầu tư khác cũng đã đầu tư 200.000 SGD…
Có vốn để hoạt động, Phúc và Bằng xây dựng song song hai lĩnh vực: cung cấp tổng đài viên và hệ thống hạ tầng phân phối viễn thông cho các doanh nghiệp viễn thông dưới mô hình đại lý.
Đến năm 2017, Gcalls thành lập công ty pháp nhân ở Việt Nam, ướm thử thị trường với dòng sản phẩm Gcalls Softphone. Tháng 10/2017, phiên bản đầu tiên của Gcalls Webphone ra đời và chỉ 2 tháng sau đó, Gcalls nhận được khoản cam kết đầu tư 1 triệu USD từ bà Thái Vân Linh (VinaCapital), trở thành startup được cam kết đầu tư nhiều nhất trong Shark Tank Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.
|
'Shark' Thái Vân Linh là người đầu tư vào Gcalls. |
Hiện sản phẩm được phát triển với hai phiên bản là Gcalls solfphone và Gcalls Webphone, phù hợp với tất cả các doanh nghiệp cần phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng, cần nhu cầu nghe gọi và giải đáp thông tin. Khách hàng của Gcalls hiện là các công ty đa quốc gia có nhiều chi nhánh ở Đông Nam Á như: Kova, EZcloud, …
Tầm nhìn của Phúc và Bằng cho chặng đường sắp tới rất rộng mở. Ngoài thị trường Singapore và Việt Nam thì Philippines, Malaysia, Indonesia sẽ là 3 “miếng bánh ngon” tiếp theo mà Gcalls nhắm đến.
“Chúng tôi chọn Singapore làm thị trường đầu tiên, 2 năm tiếp theo ở thị trường Việt Nam sẽ chính thức xây dựng nền tảng cơ bản. Sau đó sẽ "tấn công" Philippines, Malaysia, Indonesia. Riêng Việt Nam, chỉ cần chinh phục được thì Lào và Campuchia chắc chắn sẽ nằm trong tay. Tầm nhìn của Gcalls là làm cho một doanh nghiệp địa phương có thể phục vụ số lượng khách hàng trên toàn cầu. Những nhà phân phối phần mềm không nhiều. Vẫn còn thiếu phân khúc là phần mềm đám mây nên đây là thị trường cần chinh phục được”, Phúc chia sẻ.
Thái Nguyễn