Gần đây, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi liên tục, nhiều nơi có mưa kéo dài, độ ẩm không khí thấp sinh ra nhiều muỗi và các loại côn trùng khác, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, ảnh hưởng sức khỏe của những người có hệ miễn dịch yếu, nhất là trẻ nhỏ.
Trong số các biện pháp phòng ngừa, việc sử dụng tinh dầu dạng xịt, đốt… rất được các bà mẹ ưa chuộng. Theo nhiều chị em, đây vừa là phương pháp trị liệu giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi vì có hương thơm nhẹ nhàng vừa có tác dụng đuổi muỗi, xua côn trùng hiệu quả.
|
Rất nhiều gia đình dùng đèn xông tinh dầu đặt trong phòng ngủ, điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường |
Xuất phát từ nhu cầu trên, nguồn cung tinh dầu được đà lấn chiếm thị trường hương liệu. Trong số đó có cả tinh dầu tổng hợp, tinh dầu tự nhiên, thậm chí… tinh dầu giả, không xuất xứ…
Tinh dầu đuổi muỗi từ “chợ mạng” đến chợ lớn
Dạo một vòng thị trường hương liệu cả trên mạng lẫn tại các chợ lớn, có thể thấy rất nhiều loại tinh dầu đuổi muỗi được chào bán với giá phải chăng, việc sử dụng khá đơn giản. Theo lời quảng cáo, người dùng chỉ việc cho nước ấm vào bề mặt đĩa đựng nước phía trên đèn, nhỏ vài giọt tinh dầu vào và cắm điện là hương tinh dầu tự khắc tỏa ra không gian xung quanh.
Đối với loại tinh dầu dạng xịt, người dùng có thể xịt trực tiếp lên một số vị trí áo quần của trẻ nhỏ hoặc xịt khắp nhà để vừa thơm phòng vừa giúp chống muỗi. Chưa hết, nhiều chủ cửa hàng còn “tặng” thêm vài cách sử dụng như xông tinh dầu, pha tinh dầu vào nước để lau nhà…
Theo những lời giới thiệu, phần lớn tinh dầu được bán trên mạng đều là “hàng ngoại”, “nhập trực tiếp”. Tuy nhiên, trên mỗi lọ tinh dầu lại không có bất kỳ nhãn mác hay thông tin nào của nhà sản xuất. Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra để bán tinh dầu còn đầu tư hình ảnh bằng việc đăng những video quá trình sản xuất gắn kèm các hashtag: “tinh dầu handmade”, “tinh dầu nhà làm”, “tinh dầu thủ công”, “tinh dầu đuổi muỗi”… rất chuyên nghiệp nhằm thuyết phục được khách hàng đặt mua đơn hàng vài trăm ngàn đồng mà quên chuyện kiểm tra chất lượng, nguồn gốc…
Một chợ đầu mối thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chủ yếu bán thực phẩm tươi sống nhưng khách vẫn có thể dễ dàng tìm mua tinh dầu tại một số ki-ốt bán hương liệu. Tại đây, tùy thể tích chai, lọ mà tinh dầu có giá khác nhau. Với khoảng 150.000 đồng, người mua sẽ có trong tay một lọ tinh dầu mang mùi hương ưa thích.
Chị N.T.H. (Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà chị ở gần sông Nhuệ, độ ẩm cao, không chỉ ngày mưa mà ngay cả ngày nắng nóng cũng rất nhiều muỗi. Gia đình có con nhỏ nên chị buộc phải xịt tinh dầu quanh nhà để đuổi muỗi. Loại tinh dầu chị thường dùng được đựng trong lọ thủy tinh, khoảng 50ml.
Chị nói: “Tôi được người bán giới thiệu loại tinh dầu này chiết xuất tự nhiên, hương chanh sả có tác dụng đuổi muỗi nên đặt về dùng chứ bản thân không biết nhiều về tinh dầu, cũng không rõ nguồn gốc. Tôi nghe người bán nói là hàng nhập từ nước ngoài về nên rất tin tưởng”.
Tương tự, chị L.H.H. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là một trong số những “tín đồ” tinh dầu đuổi muỗi. Theo lời chị H., gia đình chị dùng tinh dầu thường xuyên, mục đích vừa để trị liệu, giảm căng thẳng và mệt mỏi, cho không gian nhà cửa thơm mát vừa để khuếch tán trong không khí xua đuổi côn trùng. Thế nhưng, khi được hỏi vì sao lựa chọn chai tinh dầu không dán nhãn mác, chị cho rằng do tiểu thương mua về chế vào các lọ thủy tinh nhỏ để bán cho tiện.
“Tôi thích sưu tầm nhiều mùi hương nên chỉ mua lọ nhỏ, giá từ 20.000 - 25.000 đồng/lọ 5ml. Nhiều người hay nói rẻ như vậy thường không phải tinh dầu nguyên chất, thậm chí có thể gây ung thư, vô sinh, tổn thương hệ thần kinh… Tuy nhiên, tôi nghĩ mùi hương tinh dầu chỉ thoang thoảng thì sao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe” - chị H. cho hay.
Dùng tinh dầu cũng phải đúng cách, đúng đối tượng
Hiện ở các tỉnh, thành phía Nam, bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa. Ở TPHCM cũng không khó tìm mua các loại tinh dầu đuổi muỗi. Phổ biến nhất trong số các loại tinh dầu đuổi muỗi là tinh dầu sả. Việc sử dụng tinh dầu đang ngày càng thịnh hành, hệ lụy từ việc dùng tinh dầu không rõ nguồn gốc, dùng không đúng cách cũng xuất hiện.
Tháng 4/2021, bốn người trong gia đình anh K. (ba, mẹ và hai con nhỏ) ở Hòa Bình không may bị ngộ độc vì sử dụng máy xông tinh dầu đuổi muỗi. Trước ngày cả gia đình gặp nạn, anh K. mang máy xông tinh dầu cắm trong phòng ngủ. Sáng thức dậy, cả bốn thành viên trong gia đình đều có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, nôn mửa…
Sau ba ngày điều trị, hai con anh K. hồi phục, xuất viện. Riêng vợ chồng anh bị ngộ độc nặng nên được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để tiếp tục điều trị. Được biết, vợ chồng anh K. dùng tinh dầu dạng xông hơi trong nhà với mục đích đuổi muỗi. Sản phẩm được anh mua ở một cửa hàng tạp hóa, thông tin hoàn toàn bằng tiếng Hàn Quốc.
Gia đình anh đã xông tinh dầu liên tục 24 tiếng trong nhiều ngày liền. Sau vài ngày, các thành viên trong nhà anh bắt đầu có các triệu chứng trên. Ở anh K. còn xuất hiện thêm triệu chứng suy giảm khứu giác.
Là người trực tiếp tiếp nhận và xử trí ca bệnh, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết đây là lần đầu bệnh viện ghi nhận trường hợp người dân bị nhiễm độc do sử dụng hóa chất xông hơi trong gia đình.
Trong mẫu hóa chất do gia đình anh K. gửi tới xét nghiệm tại Viện Pháp y Quốc gia có cypermethrin - một hóa chất diệt sâu, muỗi, côn trùng nói chung. Tuy nhiên, chưa biết trong sản phẩm đó có thêm các dung môi khác hay không, vì nhiều sản phẩm hiện nay thường được trộn thêm một số dung môi mà độc tính đôi khi còn cao hơn các chất chính; khi hít vào dễ bị tác động lên não, thần kinh.
Liên quan đến thông tin sử dụng tinh dầu đuổi muỗi có tác động không tốt đến sức khỏe trẻ nhỏ, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - thông tin thêm việc đốt tinh dầu ở các gia đình hiện rất phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều người cho rằng sử dụng tinh dầu là tốt nhưng thật ra không nên dùng tinh dầu cho một số đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Trong nhiều năm công tác, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng từng gặp những trường hợp bệnh nhi ngộ độc tinh dầu, nến thơm. Theo ông, niêm mạc mũi của người lớn dày nên khi ngửi thấy mùi tinh dầu, họ ít bị ảnh hưởng, thậm chí còn cảm thấy dễ chịu, hưng phấn nhưng trẻ con thì không.
“Tôi từng gặp trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc mùi tinh dầu bồ kết do người mẹ đốt để làm sạch không khí, khử mùi, diệt khuẩn, tạo hương thơm dễ chịu. Vì thế, để an toàn, dễ chịu cũng như tạo hương thơm, chỉ nên xông với các mùi hương quen thuộc từ dược liệu.
Các bà mẹ không nên xịt tinh dầu trực tiếp lên quần áo hay cơ thể trẻ vì việc sử dụng tinh dầu không đúng cách có thể gây ra các phản ứng có hại như dị ứng, viêm da thậm chí bỏng da, niêm mạc…; nghiêm trọng hơn có thể gây ức chế hô hấp, ức chế thần kinh trung ương, loạn nhịp tim… đe dọa mất mạng” - phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nói.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi xông, không nên đóng kín cửa phòng, tránh xông nồng độ cao, đậm mùi. Đặc biệt, người tiêu dùng nên tìm hiểu rõ ràng thành phần, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, tuyệt đối không dùng sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
An Bình