Nhầm lẫn với viêm khớp
Hơn 10 bệnh nhân đang nằm điều trị suy van, thuyên tắc tĩnh mạch tại Khoa Ngoại phẫu thuật tim mạch - lồng ngực Bệnh viện Thống Nhất ở TPHCM. Điểm chung của những bệnh nhân này là bàn chân tím tái, nhẹ thì đầu ngón chân thâm đen và lở loét, nặng hơn thì bị cưa cụt ngón chân, thậm chí chỉ còn mỏm cụt cổ chân đang được quấn băng.
Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng bệnh lý về mạch máu chỉ gặp ở người cao tuổi khi cơ thể đã bị lão hóa, nhưng ở đây có bệnh nhân nữ chỉ mới 40 tuổi. Chị P.T.S. - làm thợ may, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Chị nằm trên giường bệnh, chân trái đặt trên giá đỡ. Sau 1 tuần nhập viện điều trị, may mắn là da và niêm mạc bàn chân trái của chị đã hồng hào trở lại. Lúc mới tới bệnh viện, chị cứ lo không biết có bảo tồn được bàn chân để còn đi làm nuôi con nữa hay không.
|
Bác sĩ Nguyễn Duy Tân đang khám cho một bệnh nhân nữ trẻ bị suy van tĩnh mạch gây thuyên tắc tĩnh mạch ở chân - Ảnh: Thanh Huyền |
Chị kể ban đầu bàn chân cứ tê rần như kiến cắn, đi châm cứu gần nhà nhưng mỗi tối trước khi đi ngủ 2 chân lại nặng như đeo đá. Hàng xóm bảo chị bị viêm khớp, chỉ dẫn chị mua thuốc chữa. Mãi tới khi bàn chân tím nhợt, đau nhức không chịu được chị mới tới Bệnh viện Thống Nhất khám và được chẩn đoán bị suy van tĩnh mạch gây thuyên tắc mạch máu. Rất may tình trạng của chị vẫn còn cứu vãn được, chưa tới mức phải đoạn chi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tân - Trưởng khoa Ngoại phẫu thuật tim mạch - lồng ngực Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, có 2 nhóm mắc bệnh lý về mạch máu. Thứ nhất, những người trẻ trong độ tuổi lao động như chị S., nếu phát hiện và can thiệp trễ sẽ bị tàn phế, thậm chí tử vong. Thứ hai, nhóm người cao tuổi. Ở nhóm này, một khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn nặng, bởi các cụ hay lầm tưởng với các bệnh lý khác, con cháu lại bận rộn đi làm không theo dõi sát sao.
Có nhiều ông bà cụ phải đoạn ngón chân, thậm chí mất luôn bàn chân đang nằm tại khoa này. Điển hình là trường hợp của cụ bà N.T.B. - 80 tuổi, ở Quảng Trị. Ban đầu, cụ bà cũng có biểu hiện tê bì, chuột rút bàn chân nhưng gia đình tưởng đau khớp. Con cháu thay vì đưa bà đi bệnh viện khám thì lại cho cụ B. uống bổ sung các thực phẩm chức năng bổ khớp. Đến khi bàn chân chuyển màu tím, các ngón chân đen sì thì mới đưa cụ tới bệnh viện gần nhà. Khi nghe bác sĩ nói không cứu nổi bàn chân của cụ nữa thì gia đình tá hỏa, chuyển cụ vào TPHCM để điều trị với hy vọng còn nước còn tát.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp bị suy van tĩnh mạch, thuyên tắc, huyết khối tĩnh mạch. Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Quý Đức - Phó trưởng Khoa Nội tim mạch của bệnh viện - cho biết, đa số bệnh nhân được phát hiện bệnh một cách vô tình, vì tưởng mình bị tê bì và đau nhức chân là do cơ chế phản ứng thông thường của cơ thể trong giai đoạn nhất định. Ngoài ra, nhiều người lại tưởng mình bị phù chân do bệnh thận, đau khớp do ăn mặn, tê chân do thần kinh hoặc thoát vị đĩa đệm.
Thuyên tắc phổi do huyết khối tĩnh mạch ở thai phụ
Mới đây, bác sĩ Đặng Quý Đức và đồng nghiệp đã tiếp nhận trường hợp thuyên tắc động mạch phổi chuyển đến từ Bệnh viện Từ Dũ. Bệnh nhân là một phụ nữ 36 tuổi, quê ở tỉnh Hà Giang, sinh mổ lúc thai 37 tuần 2 ngày. Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau mổ, bệnh nhân bị mệt, khó thở, huyết áp tụt, ô xy trong máu giảm.
Nghĩ tới khả năng bệnh nhân có huyết khối ở động mạch phổi nên sau khi xử trí ban đầu, Bệnh viện Từ Dũ đã chuyển sản phụ sang Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Bác sĩ Đặng Quý Đức phải rất cân nhắc khi cho người bệnh dùng thuốc kháng đông máu bởi chị vừa trải qua ca sinh mổ. Rất may, quá trình điều trị đã thành công, chị đã được xuất viện cách đây vài ngày. Trước đó, bệnh nhân đã bỏ qua các dấu hiệu báo bệnh của huyết khối tĩnh mạch. Khi bị tê chân, chị tưởng do thai to đè lên dây thần kinh và sẽ hết sau khi sinh.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Tân, những người có đặc thù công việc phải ngồi, đứng nhiều (nhân viên văn phòng, giáo viên, điều dưỡng, bác sĩ, công nhân), phụ nữ mang thai (tĩnh mạch chậu bị chèn ép) có nguy cơ cao bị suy van tĩnh mạch, thuyên tắc tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch. Biểu hiện sớm của suy van tĩnh mạch là tê và đau (bị đối xứng cả hai chân).
Nặng hơn, bệnh nhân sẽ bị chuột rút do cơ thiếu ô xy, tiếp nữa là tình trạng phù chân xảy ra thường xuyên hơn. Khi bệnh biến chứng nghiêm trọng người bệnh sẽ bị loạn dưỡng da (chân bị sạm), búi tĩnh mạch dãn, hình thành huyết khối. Khi huyết khối hình thành thì bệnh nhân có thể bị tắc tĩnh mạch do huyết khối. Tĩnh mạch đẩy máu đen (không có ô xy) về tim bên phải để bơm lên phổi rồi chuyển thành máu đỏ (có ô xy) đi nuôi khắp cơ thể. Chính vì thế, huyết khối tĩnh mạch chạy tới phổi sẽ làm thuyên tắc phổi, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Do đó, bác sĩ Nguyễn Duy Tân khuyến cáo người dân khi có triệu chứng tê bì chân thì hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay, có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh lý bất thường về mạch máu: siêu âm mạch máu, chụp CT mạch máu, xét nghiệm để xác định tình trạng đông máu…
Khi bệnh ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân chỉ cần đeo vớ ép nhằm tăng áp lực trong tĩnh mạch, giúp máu đen được đẩy về tim dễ dàng hơn. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc chống đông để bảo tồn, không cho tình trạng ứ đọng máu trên van tĩnh mạch tăng lên. Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị thuyên tắc tĩnh mạch như dùng thuốc tiêu sợi huyết toàn thân, tiêu sợi huyết tại chỗ, luồn ống thông, phẫu thuật…
Bác sĩ Đặng Quý Đức lưu ý thêm, thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch chỉ là một triệu chứng. Đa phần những bệnh nhân nhờ tới bệnh viện điều trị bệnh lý về mạch máu mới phát hiện ra có bệnh lý khác đi kèm. Chính những bệnh lý đi kèm này là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng thuyên tắc, huyết khối tĩnh mạch. Chẳng hạn như bệnh ung thư, lupus, bệnh tăng đông máu do di truyền… Do đó, khám đúng chuyên khoa, khám sớm sẽ hạn chế được những biến chứng nguy hiểm.
Thanh Huyền