Suýt mất chân chỉ vì 1 vết côn trùng cắn

25/08/2023 - 18:34

PNO - Bị côn trùng cắn, bệnh nhân rơi vào sốc độc tố, dẫn đến viêm cân mạc hoại tử và suy thận. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ phải đoạn chi để giữ tính mạng.

Ngày 25/8, Bệnh viện FV cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân P.N.N. (54 tuổi, Việt kiều Mỹ) trong tình trạng sốc, mạch khá nhanh, tụt huyết áp, thở gấp… cùng vết thương vì côn trùng cắn sưng tấy, lan rộng từ mắt cá trái tới cẳng chân, lên gối, đùi, bẹn. Bệnh nhân lập tức được chuyển vào phòng săn sóc đặc biệt (ICU).

Trước đó, người nhà ông N. cho biết ông bị côn trùng cắn ở cẳng chân trái trong chuyến về thăm quê tại Bến Tre. Ban đầu, vết cắn trông không nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân gặp trời mưa, vết thương tiếp xúc với nước ngập gây sưng viêm. Và chỉ 4 ngày sau cơn mưa đó, ông N. phải nhập viện cấp cứu.

Các bác sĩ làm kháng sinh đồ để định danh vi khuẩn - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Các bác sĩ làm kháng sinh đồ để định danh vi khuẩn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tại ICU, thông tin về trường hợp bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến các chuyên khoa Truyền nhiễm, Chấn thương chỉnh hình nhằm can thiệp chính xác, kịp thời. “Khi xem qua bệnh cảnh của bệnh nhân, tôi nghi ngờ đây là trường hợp sốc độc tố, nên đã đề xuất sử dụng các kháng sinh bao phủ độc tố” - bác sĩ Dương Bích Thủy (Khoa Truyền nhiễm) nói.

Khoảng 1 ngày sau nhập viện, khoa Xét nghiệm cho biết cấy mủ vết thương của ông N. mọc 2 loại vi khuẩn là Streptococcus pyogenes và Stenotrophomonas maltophilia. Trong đó, Streptococcus pyogenes là vi khuẩn nguy hiểm vì có khả năng phóng thích độc tố vào máu, gây sốc độc tố, đúng như chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ.

Theo bác sĩ Dương Bích Thủy, đây là tình trạng nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao lên đến 70%. Hội chứng sốc độc tố ở trường hợp ông N. đã dẫn đến viêm cân mạc hoại tử cẳng chân trái và suy thận. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ phải đoạn chi (cắt chân) mới hy vọng giữ được tính mạng. 

Bệnh nhân phải trải qua 3 cuộc mổ để cắt lọc mô bị hoại tử - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân phải trải qua 3 cuộc mổ để cắt lọc mô bị hoại tử - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ ngoại khoa, gây mê hồi sức và truyền nhiễm đã thống nhất tiến hành phẫu thuật cắt lọc mô chết ở chân cho bệnh nhân. Đồng thời sử dụng kháng sinh thích hợp có tác dụng vừa diệt vi khuẩn, vừa trung hòa độc tố do vi khuẩn tiết ra. 

Ông N. đã phải trải qua 3 cuộc mổ cắt lọc mô chết. Các ca phẫu thuật được thực hiện theo hướng cố gắng bảo tồn tối đa mô lành, lọc sạch mô hoại tử. Sau 3 tuần điều trị nhiễm trùng và chăm sóc hậu phẫu tích cực, vết thương đã liền mép, bệnh nhân được xuất viện. Kết quả tái khám vừa qua cho thấy sức khỏe ông N. ổn định, có thể quay về Mỹ.

Bác sĩ Dương Bích Thủy cho biết thêm, sốc độc tố là bệnh không hiếm gặp. Trước ca bệnh nói trên, ngày 31/5, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân 49 tuổi (ngụ quận 7, TPHCM) có tiền sử mắc hội chứng thận hư, cấp cứu trong tình trạng sốc nặng. Nguyên nhân cũng từ một vết trầy nhỏ ở ngón cái bàn tay phải. Trong vài ngày, vết thương sưng đỏ, lan rộng cả cánh tay, đồng thời xuất hiện thêm tình trạng viêm mô tế bào ở cẳng chân trái lan lên tận đùi. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn máu do Streptococcus pyogenes và sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân được xuất viện.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI