Suýt ly hôn vì cho em trai vay tiền

16/09/2019 - 11:00

PNO - Đúng là “anh em kiến giả nhất phận”, tôi chẳng thể cưu mang em út mãi được, ai cũng phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình...a

Vợ chồng tôi suýt ly hôn vì những liên quan rắc rối đến chuyện tiền bạc với anh em trong nhà. Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mình khá sáng suốt khi “tự cứu lấy mình” chứ không vì cả nể tình thân mà đạp đổ hạnh phúc gia đình.

Nhà tôi có bốn anh em trai và một chị gái, đều đã có gia đình riêng. Vợ chồng tôi được xem là khá giả nhất do lên thành phố làm công nhân. Còn các em và chị gái đều ở quê lập nghiệp, trong đó có chú út làm cán bộ ở xã.

Cơ ngơi của vợ chồng tôi có được phần nhiều nhờ vào sự chắt bóp tiết kiệm, lao động cật lực suốt hai chục năm. Dù không giàu có nhưng tạm coi là có của ăn của để với nhà cửa tạm gọi là đầy đủ.

Suyt ly hon vi cho em trai vay tien
Vợ chồng tôi nhiều lần gây sự vì chuyện cho anh em mượn tiền. Ảnh minh họa

Bởi vậy, thỉnh thoảng anh em ở quê có chuyện gì cần đến tiền đều tìm đến chúng tôi. Chị gái và hai em trai kế tôi tuy làm nông nhưng biết tiết kiệm nên cuộc sống không đến nỗi. Riêng chú út sống với mẹ, cả hai vợ chồng đều làm nhà nước nhưng lúc nào cũng trong tình trạng túng thiếu.

Cứ dăm bữa nửa tháng, chú lại gọi điện lên nhờ vả: “Anh chị có tiền cho em vay vài triệu”, lúc nào cũng có lý do, nào là đóng tiền thuế đất, khi thì nộp tiền công ích, sửa xe này nọ. Tôi thương em, mấy lần đầu còn nói với vợ chứ về sau, cứ âm thầm gửi về.

Nói là mượn nhưng chẳng bao giờ thấy em trả, năm này qua năm khác, số tiền đã lên tới cả trăm triệu đồng. Dần dần vợ tôi cũng phát hiện ra chuyện tôi giấu diếm cho em út mượn tiền.

Vợ không nói nặng lời, chỉ bảo: “Anh làm thế thì vợ chồng chú ấy càng ỷ lại thôi, cứ thử quan sát cách sống của nhà chú mà xem, tiêu tiền như thế thì chỉ có tiền núi mới đáp ứng được. Tiền mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt, cho ai mượn cũng phải cân nhắc”.

Nghe vợ nói, tôi cũng áy náy giật mình, đúng là vợ chồng em út sống kiểu “con nhà lính tính nhà quan”. Tiền bạc nợ nần cũng do lối sống ăn chơi vương giả ấy mà ra. Vợ chồng tôi quanh năm chỉ dám ăn sáng bằng cơm nguội và thức ăn thừa tối hôm trước để đi làm còn nhà chú, sáng nào cũng cà phê ăn sáng ở quán. Nhẩm tính thì riêng tiền ăn sáng đã gần bằng cả tháng lương rồi còn gì.

Lại thêm khoản sắm sửa thì chẳng ai bằng, quần áo điện thoại lúc nào cũng phải cập nhật mốt mới nhất. Thỉnh thoảng cả nhà lại đưa nhau đi du lịch nghỉ mát đây đó nữa.

Đôi lần tôi chứng kiến, mỗi khi nhà có việc, thím út chẳng bao giờ để lại thức ăn thừa mà cho thẳng vào thùng rác trong khi nhà tôi, một món có khi hâm đi kho lại mấy lần ăn cho bằng hết.

Ngày trước sinh con, bỉm sữa chúng tôi cũng chỉ dám chọn loại thường, chứ chú thím cứ hàng nhập ngoại mà dùng thì tiền đâu chịu nổi. Nghĩ lại lời vợ nói, tôi biết mình đã vô tình “tiếp tay” cho thói sang chảnh của em út. Bởi thế, mấy lần sau, em điện hỏi vay tiền, tôi đều từ chối.

Nhưng vay anh em không được, em út liều mạng đi vay nóng để chi tiêu. Đến khi chủ nợ đòi thì nghĩ ra “chiêu” nhập viện để trốn nợ. Nghe liên quan đến chuyện sức khỏe, tôi lo lắng nên chuyển tiền cho em.

Suyt ly hon vi cho em trai vay tien
Em trai cứ hết tiền hay bị đòi nợ lại nhập viện để "dọa" người thân. Ảnh minh họa

Và sau đó, cứ cần tiền hay nợ ngập đầu là em trai lại nhập viện, đăng lên Facebook kêu ca hoàn cảnh kể lể rất đáng thương. Biết tôi nhiều lần đi mượn tiền để trả các khoản vay cho em út, vợ không còn giữ được bình tĩnh, kiên quyết đòi ly hôn.

Vợ nói tôi không coi trọng cô ấy, chỉ bo bo nghĩ cho gia đình, mà là cho người không xứng đáng.  Chúng tôi cãi cọ nhau rất nhiều về chuyện này. Tôi nói chẳng lẽ lại bỏ mặc em mình? Vợ tôi nói: "Anh cứ bỏ mặc xem chúng nó có chết đói hay không?" 

Quả thật tôi cũng muốn mặc em, nhưng hình như... không thể. Có điều, hình như do vợ làm căng, tôi cũng bắt đầu tập thói quen "kiểm tra thông tin".

Ví dụ, nghe báo em nhập viện tôi thường hoang mang suy đoán tình huống trệ hại. Nhưng tôi tới thăm, hỏi han bác sĩ thì chính họ cũng trả lời, em tôi chỉ đau đầu bình thường không có gì nghiêm trọng cả. Từ đó, tôi cũng tập cho mình thói quen không quan tâm đến chuyện của em nữa.

Hiện tại, tôi đã đón mẹ lên ở cùng và đưa bàn thờ tổ tiên về nhà mình. Còn vợ chồng em út làm gì tôi không để ý nữa. Đúng là “anh em kiến giả nhất phận”, tôi chẳng thể cưu mang mãi được, ai cũng phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Nghe đâu, chú út chuẩn bị bán nhà trả nợ mà không dám kêu than với tôi nữa. Biết rằng mình cứ ích kỷ như thế này thì tình anh em cũng nguội lạnh, nhưng tôi chỉ biết thở dài…

                                                                                     M.Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI