Tôi về làm dâu miền Trung gần 5 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ lụt khủng khiếp như lần này. Câu chuyện về những trận lụt, tôi nghe qua lời kể của người trong gia đình chồng nhưng không mấy quan tâm.
Ở chung với nhà chồng 4 năm mới ra riêng, không ít chuyện đau lòng đã xảy ra giữa tôi và mẹ chồng, không chỉ khoảng cách thế hệ, chúng tôi còn trái ngược quan điểm sống. Mẹ là người tiết kiệm đến mức tằn tiện, hà khắc. Tôi mua sắm gì tiện nghi một chút bà cũng chì chiết, nói ra nói vào nhiều ngày.
Bà không bao giờ cho tôi đổ bỏ thức ăn cũ, mà cứ bắt hâm đi hâm lại ăn trong nhiều ngày. Bà có thói quen tích trữ đầy đồ cũ lẫn đồ mới trong nhà, nhiều nhất là thực phẩm, nhiều lúc làm ổ cho gián, chuột.
Trong nhà bao giờ cũng có sẵn mấy thùng mì tôm, cháo gói chưa kể cá khô, gạo muối chất đầy trong bếp. Những thứ như nến, bật lửa, pin, đèn sạc điện đụng đâu cũng thấy. Thậm chí, nước lọc có tới chục bình sắp sẵn, chưa kể két nước đóng chai. Nhiều lúc nhìn cái nhà như cái kho, tôi rất ức chế, thế là mẹ con cãi cọ, giận hờn.
|
Mẹ chồng tôi hay dự trữ lương thực quá mức khi mùa bão đến (ảnh minh họa) |
Năm nào cũng vậy, đồ dự trữ khi đem ra dùng thì đã hết hạn từ lâu, lại phải đổ bỏ. Nhiều lần, tôi góp ý, mẹ đều bảo: “Cứ mua sẵn đó, phòng khi bão lụt, chẳng thừa đâu. Trứng đừng khôn hơn vịt”.
Chỉ cần đài báo áp thấp nhiệt đới là mẹ vội vàng hối thúc chồng con kê đồ lên cao, chằng chéo cửa nẻo trong khi mưa lắc rắc vài hạt, sau đó lại phải dọn dẹp, khiến tôi rất mệt mỏi. Suốt mấy năm qua, chỉ có vài cơn bão tầm vài ngày là tan, thức ăn trong tủ lạnh dùng chưa hết, nói gì đồ tích trữ, sau đó là những ngày khổ sở phải ăn "chạy date".
Khi ra riêng, tôi được sống theo ý thích nên rất thoải mái, không phải chịu đựng cảnh ăn thức ăn đông lạnh cả tuần, gạo để lâu đến mốc meo. Hầu như tôi chẳng tích trữ thứ gì, thức ăn ngày nào ăn ngày đó. Bây giờ mọi thứ tiện lợi, cần gì cứ gọi điện thoại cho đại lý, hoặc đặt hàng qua mạng, họ chuyển tận nhà ngay và luôn .
Thỉnh thoảng qua chơi, mẹ chồng thấy nhà cửa “trống không” lại nhắc: “Mùa mưa lũ sắp đến rồi, con mua ít gạo thực phẩm để trong nhà cho yên tâm”. Tôi “dạ” cho qua chuyện, chứ không làm theo. Tôi nghĩ, dù có lũ lụt, chỉ cần có tiền trong tay thì hàng vẫn giao tận cửa, gì chẳng có.
Đợt lụt này, tôi thực sự thấm thía cảnh báo của mẹ chồng. Nước lên quá nhanh, chỉ trong vòng vài tiếng nhà tôi bị ngập cả mét, lại đúng ngày chồng đi công tác vắng nên mẹ con tôi gần như hoảng loạn.
Một mình tôi vừa vật lộn kê đồ lên cao trong cảnh mất điện, mất nước, vừa xót xa nhìn nước bẩn tấn công đồ đạc. Dọn dẹp xong tôi mới nhớ trong nhà chỉ còn một ít đồ ăn, vội vàng gọi điện đặt mua hàng, nhưng tất cả đều từ chối “ship”.
Tôi tự an ủi nước sẽ rút, đi mua cũng chưa muộn, nhưng mưa lớn dồn dập, nước cứ lên mãi. Chẳng những không có thực phẩm, nhà tôi còn không có một cây nến hay đèn tích điện. Ban đêm, ba mẹ con mò mẫm khi nước ngập mịt mùng, khuya nào cũng ôm nhau ngủ trong sợ hãi.
Đến ngày thứ ba, nước rút một phần, tôi tính liều mình lội ra khỏi nhà, bởi ba mẹ con đã ăn hết gói mì cuối. Nhưng nhìn màn nước phía xa ước chừng ngập ngang người, chẳng biết đâu là đường, đâu là hố, tôi đã bì bõm gần tới cổng, lại phải quay lại.
Chưa bao giờ tôi sống trong tình cảnh này bị cô lập với xã hội thế này, nên nỗi hoang mang lên đến đỉnh điểm. Nhìn hai đứa con, tôi cố nén khóc, nén sợ hãi, nhưng cũng chẳng biết làm gì khi cái đói cận kề trước mặt.
May mắn thay, chiều hôm đó em chồng tôi chèo ghe sang cứu trợ.
|
Khi sống trong cảnh nước lụt bao vây mà không chuẩn bị gì, tôi mới hiểu và thương mẹ chồng (ảnh minh họa) |
Mẹ chồng gói ghém đồ ăn, đèn sạc đầy điện, vật dụng sinh hoạt đầy đủ, thậm chí có cả cục sạc điện thoại dự phòng cho ba mẹ con. Em chồng kể: “Mấy ngày rồi mẹ sốt ruột lắm, nhưng nước lớn em không sang được”.
Hỏi em mới, nhà chồng cũng bị chia cắt, nhưng nhờ mẹ chuẩn bị chu đáo nên cuộc sống ít bị xáo trộn, thực phẩm còn nhiều để có để san sẻ qua nhà tôi.
Nhờ "gói cứu trợ" từ mẹ chồng mà chúng tôi qua được mấy ngày ngập lụt đợt một. Đến khi nước xuống, tôi nhanh chóng đi mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu để chuẩn bị cho đợt lụt mới theo dự báo.
Giờ thì tôi đã thấm thía, rằng trong cảnh thiên tai, dù có tiền trong tay, có đồ đạc tiện nghi đầy nhà, nhưng khi đường xá ngập, nước bao vây chia cắt, cuộc sống cũng rơi vào cảnh "nguyên thuỷ" mà thôi. Tôi mang ơn và hiểu sâu sắc bài học tích cốc phòng cơ, thương lối sống tiết kiệm đến hà khắc của mẹ chồng. Một người đàn bà nghèo đông con từng trải qua bao đợt lũ lụt ám ảnh trong đời, bà lo xa, tằn tiện như thế là phải thôi...
Thuý An
(Phong Điền, Thừa Thiên - Huế)