Nhiều bệnh nhân nhập viện vì nắng nóng
Làm việc nhiều giờ, ra đường vào thời điểm nắng gắt khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm nhiều người phải nhập viện trong tình trạng suy thận, phù não cấp… nguy hiểm tới tính mạng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ông N.T.T. (50 tuổi, ngụ tỉnh Phú Thọ) là một trong ba bệnh nhân phải nhập viện vì say nắng. Ông T. là thợ xây, để kịp tiến độ, dù trời nắng nóng, ông vẫn cố gắng làm từ sáng tới trưa và thường trở lại công việc vào khoảng 13g30 - 14g.
Ông T. được đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi đồng nghiệp phát hiện ông loạng choạng, chóng mặt vì làm việc dưới nắng nhiều giờ. Dù bệnh nhân được đưa vào bóng râm, chườm mát, uống nước lọc nhưng sau đó, các triệu chứng không hề thuyên giảm.
|
Các chuyên gia khuyến cáo, hạn chế ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian 11-15g vì có thể bị say nắng, sốc nhiệt - Ảnh: Bảo Khang |
Thạc sĩ - bác sĩ Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt trên 380C. Qua thăm khám, bệnh nhân được phát hiện thiếu dịch điện giải, tiêu cơ vân, suy thận cấp... Lập tức, bệnh nhân được chườm mát, truyền dịch để kiểm soát cân bằng dịch và điều trị suy thận cấp.
May mắn, do đưa vào cấp cứu kịp thời nên hiện tại, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được ra viện. Hai trường hợp còn lại, theo bác sĩ Hà Thị Bích Vân, một người làm thợ xây và một người là nông dân hái chè, đều làm việc ngoài trời nhiều giờ. Tất cả đều nhập viện vì say nắng, suy thận cấp.
Bác sĩ Hà Thị Bích Vân chia sẻ, hằng năm, cứ vào mùa hè, đơn vị này tiếp nhận hàng chục trường hợp nhập viện vì nắng nóng. Có nhiều bệnh nhân tới viện trong tình trạng đã co giật, hôn mê, li bì. Bệnh nhân mất dịch, điện giải do quá trình mất nước qua mồ hôi. Nắng nóng tác động tới trung tâm điều nhiệt khiến bệnh nhân có thể tổn thương thận, suy đa cơ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng. Nguyên nhân là nhiều người lao động còn chủ quan, làm việc ở môi trường không có mái che nhiều giờ, thậm chí không mang đồ bảo hộ.
Tương tự, mới đây, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.B. (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) bị say nắng khi đi chợ vào thời điểm nắng gắt. Bệnh nhân được Trung tâm Cấp cứu 115 đưa vào Khoa Cấp cứu ngoại trong tình trạng hôn mê sâu, không tiếp xúc, sốt cao 420C, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn thân nhiệt.
Sau khi xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan, chụp CT não, các bác sĩ xác định, bệnh nhân có tình trạng phù não cấp tính. Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân bù nước điện giải, hạ sốt, chườm mát, chống phù não và đặt ống nội khí quản. Sau hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hồi phục.
Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây đột quỵ
Bác sĩ Nguyễn Sơn Nam, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khuyến cáo, cơ thể có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng, quanh mức 370C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 400C, chức năng não, tim, phổi, thận và hoạt động chuyển hóa cơ thể sẽ rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng. Từ đó, người bệnh có thể dẫn tới hôn mê, co giật...
|
Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây đột quỵ |
Người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục. Nếu sốc nhiệt xảy ra với người có bệnh lý mạn tính, người già, trẻ nhỏ thì diễn biến nặng và khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia, khi bị say nắng, say nóng, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, khát nhiều, khô miệng. Một số trường hợp sốt, tăng thân nhiệt, da nóng, không ra mồ hôi hoặc vã mồ hôi nhiều, mồ hôi lạnh. Ngoài ra, niêm mạc mắt đỏ, lưỡi đỏ, mặt đỏ, mạch nhanh và nhỏ, nước tiểu vàng sẫm, ít nước tiểu. Trường hợp nặng, có thể ngất, hôn mê, trụy tim mạch, sốc nhiệt dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Hà Thị Bích Vân khuyến cáo, người dân cần hạn chế hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ cao, đặc biệt là thời điểm từ 11-15g. Khi người bệnh có dấu hiệu say nắng, cần chuyển ngay đến nơi thoáng mát, có bóng râm, nới lỏng, cởi bỏ bớt quần áo. Sử dụng khăn mát vắt ráo, chườm, đắp vào những nơi như trán, mặt, cổ, hõm nách, bẹn. Ngoài ra, cần bổ sung nước lọc, nước hoa quả, đặc biệt là oresol cho bệnh nhân.
“Gia đình và người xung quanh cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Hầu hết các trường hợp khi tới bệnh viện đều đã trong tình trạng suy thận cấp, bệnh nhân có thể hồi phục nếu được điều trị tích cực sau đó. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được đưa tới muộn có thể dẫn tới tình trạng suy đa tạng, nguy kịch tới tính mạng”, bác sĩ Hà Thị Bích Vân nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Trần Huyền Trang, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, làm tăng nguy cơ tim đập loạn nhịp và rung lên với tần số cao, khiến dòng máu quẩn trong tâm nhĩ và hình thành huyết khối, từ đó có thể gây ra tắc mạch, gây nên tình trạng đột quỵ. Một nghiên cứu với hơn 1.700 bệnh nhân cho thấy, nhiệt độ giảm đột ngột 2,90C làm tăng 11% nguy cơ đột quỵ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên đến 30%.
Để phòng tránh đột quỵ, cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi vừa ở ngoài trời nắng về nhà, không trực tiếp đi ngay vào phòng có điều hòa, không tắm nước lạnh ngay và chỉ sử dụng điều hòa ở mức 270C. Trong những ngày nắng nóng, mỗi người nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước/ngày.
Phòng, chống say nắng bằng đông y
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Phương, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong Đông y, say nắng, say nóng còn được gọi là trúng thử, việc dự phòng là rất cần thiết. Theo đó, ngoài việc uống đủ nước, hạn chế ra ngoài đường, làm việc lâu ngoài trời nắng nóng, thì khi mới từ ngoài trời nắng về còn nóng và ra nhiều mồ hôi, tuyệt đối không được: tắm lạnh, gội đầu, đổ nước từ đỉnh đầu xuống, để điều hòa lạnh, quạt gió hướng thẳng người.
Có thể tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể với một số loại rau củ có tính mát như: bí đao, cà chua, đỗ xanh, mướp, dưa chuột, mồng tơi, rau đay, rau muống… Ngoài ra, có một số vị thuốc có tác dụng giải thử, giải nhiệt, sinh tân, chỉ khát. Cụ thể, rau má tươi, lá sen tươi hoặc lá hương nhu tươi rửa sạch, sau đó đem giã hoặc xay, cho thêm chút muối để lấy nước uống.
Ngoài ra, có thể dùng ruột dưa hấu ép nước uống. Vỏ dưa hấu rửa sạch, đun nước để nguội uống cũng có tác dụng giải nhiệt. Mướp đắng (khổ qua) bỏ ruột, thái mỏng, đun sôi để nguội uống…
|
Huyền Anh