Suy thận mạn - bệnh nền nguy hiểm nếu mắc COVID-19: Không hiếm và ngày càng trẻ hóa

21/08/2020 - 06:02

PNO - Tính đến tối 20/8, cả nước có 1.007 người nhiễm SARS-CoV-2, 25 trường hợp tử vong.

Có một điểm chung, các ca tử vong đều mắc bệnh nền, trong đó nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn. Trong khi theo các chuyên gia y tế, bệnh suy thận mạn ngày càng tăng và gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở TP.Đà Nẵng thường có bệnh nền suy thận mạn
Những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở TP.Đà Nẵng thường có bệnh nền suy thận mạn

Bệnh tấn công người trẻ

Cứ cách ba ngày, Nguyễn Thị Hồng N. lại bắt xe buýt từ H.Bình Chánh (TP.HCM) đến Bệnh viện (BV) An Sinh để chạy thận nhân tạo. Mới 30 tuổi, nhưng N. mắc bệnh thận mạn tính đã bảy năm. 

Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp bảy năm trước, N. háo hức nộp đơn xin việc nhiều nơi với hy vọng có việc làm để giúp đỡ gia đình. Một buổi sáng, bỗng N. thấy khó thở, choáng váng, sau đó ăn gì cũng ói ra hết. Đến hiệu thuốc gần nhà, N. được bán thuốc đau bao tử, chướng bụng, khó tiêu, nhưng uống gần cả tuần vẫn không đỡ. N. vào BV thì kết quả: suy thận mạn, để duy trì sự sống phải lọc máu thường xuyên. Từ đó, cuộc đời N. gắn chặt với BV, cứ cách ba ngày phải đi lọc máu.

Còn ở Khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 2, cậu bé Nguyễn Văn T. cũng xem nơi đây là nhà. 11 tuổi nhưng T. nhỏ choắt, ốm yếu. Chị Hà, mẹ của T. kể: “Lúc con bảy tuổi, thỉnh thoảng bị tè dầm, tôi cứ tưởng buổi tối bé uống nhiều nước và mê ngủ nên tè dầm không hay. Đến hơn một năm sau, tần suất con tè dầm ngày càng nhiều, tôi cho con vào BV Nhi Đồng 2 khám thì bác sĩ kết luận cháu bị suy thận mạn. Từ đó tới giờ, cháu phải lọc máu định kỳ”.

Trước đây, khi nhắc đến bệnh suy thận, mọi người thường nghĩ đây là bệnh của người già. Nhưng theo tiến sĩ - bác sĩ (BS) Nguyễn Đức Lộc, Trưởng khoa Thận BV An Sinh, bệnh suy thận mạn ngày càng trẻ hóa, có khá nhiều người tuổi 18, đôi mươi đã mắc bệnh này.

Suy thận mạn vì chủ quan

Ông Trần Minh D., 57 tuổi ở tỉnh An Giang thường xuyên ăn nhậu. Hai năm qua, ông D. bị gút khiến các khớp chân sưng đỏ và có đợt không bước nổi. Nhưng ông không đi khám mà chỉ mua vài liều thuốc giảm đau, kháng viêm về uống hay xin toa thuốc của người quen từng trị bệnh gút. Gần đây, ngoài khớp chân sưng thì bàn chân, bàn tay và mặt ông đều sưng. Uống thuốc không đỡ nên ông D. phải đến BV khám.

Kết quả: ông D. bị gút, suy thận giai đoạn 4… BS nhận định: có thể ông D. bị gút do uống rượu quá nhiều. Từ bệnh gút không điều trị và tự uống thuốc ảnh hưởng đến chức năng thận, gây tổn thương thận. 

BS giải thích thêm: gút là bệnh lý viêm khớp thường gặp ở những bệnh nhân có tình trạng tăng a-xít uric mạn tính trong máu. Bệnh nhân có nồng độ a-xít uric máu càng cao thì nguy cơ mắc bệnh thận mạn từ giai đoạn 3 trở lên cũng tăng dần. A-xít uric lắng đọng trong bể thận tạo ra sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiểu, thận ứ nước, viêm đường tiểu. Lắng đọng trong các ống thận có thể gây ra viêm ống thận mô kẽ, tắc nghẽn ống thận. Lâu dài, các tổn thương này sẽ diễn tiến đến bệnh thận mạn tính.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn phổ biến là biến chứng của đái tháo đường (ĐTĐ). Như trường hợp ông Dương T.B. (58 tuổi, ở H.Nhà Bè) mắc ĐTĐ đã lâu nhưng không đi BV điều trị. Thay vào đó, ông B. thường xuyên tìm hiểu những phương pháp trị ĐTĐ trên mạng. Ông uống đủ thứ từ cây cỏ, hoa lá đến các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Gần đây, ông B. thấy mệt mỏi, sụt cân nhanh, phù nặng chân và khó thở nên phải vào BV trong tình trạng đường huyết, huyết áp tăng cao kèm suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo cấp cứu. Mặc dù được điều trị tích cực, qua được cơn nguy kịch nhưng tình trạng suy thận của ông B. đã ở giai đoạn cuối, phải lọc máu định kỳ, sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết, huyết áp và các bệnh lý kèm theo. 

Theo BS Trần Thị Thùy Dung, Khoa Nội tổng hợp BV Đại học Y Dược TP.HCM, trong số các biến chứng do bệnh ĐTĐ gây nên, biến chứng thận rất thường gặp. Một số nghiên cứu cho thấy, trên thế giới có khoảng 20-40% người bệnh ĐTĐ bị biến chứng thận. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao kéo dài gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận, dẫn đến tình trạng xuất hiện đạm bất thường trong nước tiểu, chức năng lọc của thận suy giảm, tiến triển nặng dần và gây ra suy thận giai đoạn cuối. Nguy hiểm hơn, hầu hết những triệu chứng bệnh thận do ĐTĐ thường âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan, không khám khiến các biến chứng này thường phát hiện ở giai đoạn muộn.

BS Nguyễn Đức Lộc cho biết, có ba nguyên nhân thường gây suy thận mạn là tăng huyết áp, ĐTĐ týp 2 và viêm cầu thận mạn. Với những bệnh nhân có bệnh lý nền, đặc biệt là suy thận mạn, nếu nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 sẽ đối diện với nguy cơ bị đe dọa tính mạng. Do vậy, khi có bệnh nền nói chung, hay bị suy thận mạn, người bệnh cần giữ gìn, chăm chút sức khỏe bản thân bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng với sự tư vấn của thầy thuốc, chạy thận đủ liều. Còn những bệnh nhân bị ĐTĐ, tăng huyết áp, gút… cần khám và điều trị để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm của bệnh như suy thận mạn. 

Người bị suy thận mạn không nên ăn gì? 

Để có chế độ dinh dưỡng hợp lý với bệnh nhân suy thận mạn, BS lưu ý các nguyên tắc sau: giảm kali (tránh ăn các thức ăn nhiều kali gồm: chuối, đu đủ, cam, nho, hạt dẻ, cà phê hay một số loại rau xanh như cải bắp, súp lơ…); giảm muối và nước (lượng muối yêu cầu dưới 1.500mg/ngày.

Việc ăn nhạt cũng có thể giúp bệnh nhân giảm lượng nước đưa vào cơ thể. Tránh ăn các đồ ăn mặn như nước mắm, đồ hộp mặn, cá biển, dưa muối…); cung cấp đạm vừa đủ. Giảm ăn các thực phẩm chứa nhiều phốt pho (các thực phẩm nên hạn chế sử dụng gồm tạng động vật, sữa, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt, coca, bia…). 

Bệnh nhân bị suy thận mạn không nên ăn khế, vì có thể gây ngộ độc thần kinh, dẫn đến hôn mê, tử vong. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường bổ sung canxi, bổ sung tinh bột như khoai, sắn, đậu… do tinh bột dễ tiêu hóa, giúp giảm thiểu áp lực cho thận trong việc đào thải; đồng thời cũng giúp tránh tình trạng suy dinh dưỡng do chế độ ăn giảm đạm.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI