Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Suy ngẫm từ một tờ tự kiểm

16/01/2024 - 07:24

PNO - “Ngày mai thầy có giờ dạy không, tôi đưa cháu đến xin lỗi vì cháu đã nói dối thầy” - vị phụ huynh nói khi gọi điện thoại cho tôi sau giờ học buổi chiều.

Câu chuyện liên quan đến một học sinh lớp tôi đang dạy. Buổi học hôm ấy, em đi trễ. Tôi hỏi lý do tại sao thì em nói ba đi công việc, chở em theo, nên không kịp giờ học. Tôi cho phép em vào lớp và rồi cũng không để ý đến việc này. Mãi cho đến khi nhận cuộc điện thoại từ phụ huynh cho hay rằng em đi trễ chỉ vì ngủ quên.

Vị phụ huynh rất nghiêm khắc khi yêu cầu con mình viết tờ tự kiểm và gặp trực tiếp giáo viên để xin lỗi. Tôi hỏi thêm sự việc thì được biết: em sợ thầy mắng, nên đưa ra một lý do khá hợp lý cho việc đi trễ và em cũng biết mình sai nên đã tự thú với mẹ.

Bảng tự kiểm của học sinh được phụ huynh gửi cho thầy
Bản tự kiểm của học sinh được phụ huynh gửi cho thầy

“Cháu không cần viết tường trình mà chỉ gặp thầy nhận lỗi sai và nếu mai mốt có việc gì thì cứ nói sự thật để thầy cô, ba mẹ biết và tìm cách giúp đỡ là được” - tôi trao đổi với phụ huynh như vậy. Phụ huynh học sinh đồng tình nhưng vẫn chụp ảnh tờ tự kiểm của cháu gửi qua Zalo cho thầy xem.

Câu chuyện giữa vị phụ huynh và học trò mình làm tôi ấm lòng. Nếu phụ huynh không kể thì tôi cũng không biết sự thật. Nếu em học sinh không tự giác nhận lỗi thì ba mẹ em cũng không biết và em có thể sẽ xem việc nói dối như thế là bình thường, có thể sẽ tiếp tục ở những lần sau.

Giáo dục trẻ biết nhận lỗi và tự đề ra hướng phấn đấu là một phần của việc giáo dục tích cực. Khi đã hiểu rõ nhu cầu, hoàn cảnh, nguyên nhân của sai phạm, người lớn nên giải quyết vấn đề theo hướng tích cực hay nói cách khác là phải hợp tình hợp lý.

Giáo dục hành vi chứ không phê phán. Điều quan trọng nhất là giải thích để trẻ hiểu rõ và tự giác nhận ra lỗi lầm của mình, để từ đó điều chỉnh hành vi sai phạm và chấp hành quy tắc vì đã được thảo luận và nhất trí. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, được mọi người quan tâm, tôn trọng và lắng nghe ý kiến.

Giáo dục kỷ luật tích cực có tác dụng hình thành và hoàn thiện những phẩm chất và năng lực của học sinh. Trong môi trường giáo dục kỷ luật tích cực, gia đình và nhà trường là 2 chủ thể quan trọng trong việc định hướng cho học sinh hiểu và tự giác chấp hành kỷ luật, từ đó tạo được sự thân thiện giữa thầy và trò, góp phần vào việc nâng chất văn hóa nhà trường, trong đó có vai trò tương tác giữa thầy cô và phụ huynh học sinh theo đúng ý nghĩa nhân văn và thực chất. 

Lê Tấn Thời (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Tulip Nguyễn 17-01-2024 15:34:09

    Tui ngưỡng mộ vị phụ huynh, chắc chắn anh / chị ấy là người tử tế, văn minh, trung thực trong công việc và trong cuộc sống . Cậu bé may mắn có được sự giáo dục tốt từ cha mẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI