PNO - Học sinh lớp Mười một - Mười hai đang trong giai đoạn ôn thi cao điểm. Nhiều em vì quá căng thẳng hoặc vì ăn kiêng tiêu cực dẫn đến cơ thể bị suy kiệt nghiêm trọng, không ít trường hợp phải nhập viện.
Cách đây vài ngày, nam sinh lớp Mười hai tên P.V.D. - ngụ tại phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức (TPHCM) - được mẹ đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong tình trạng đau thượng vị dữ dội, đi tiêu ra máu, sụt cân. D. đã được nhập viện, khám chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng - Trưởng đơn vị Tiêu hóa của bệnh viện - xác định D. có vết loét gây xuất huyết dạ dày, lập tức chỉ định nội soi cầm máu.
Một bạn trẻ đang được tư vấn về giảm cân đúng cách tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - Ảnh: Thanh Huyền
Sau khi hỏi bệnh sử, mẹ của D. cho biết con mình bị áp lực thi cử nên luôn tỏ ra lo lắng. Ngoài thời gian học trên lớp, D. còn tìm các lớp học thêm và thường xuyên học bài tới tận 2-3 giờ sáng. Bác sĩ Tráng xác định đây là trường hợp bị viêm loét dạ dày do stress. Vì quá căng thẳng khi kỳ thi cuối cấp đang tới gần khiến D. ăn không ngon, hay bỏ bữa. Điều này đã làm dịch a xít trong dạ dày tiết không đúng với nhịp sinh học, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đường tiêu hóa. D. đã phải nằm viện 4 ngày, gián đoạn việc học hành. Bác sĩ Tráng cho biết thêm, thời gian này đã ghi nhận nhiều thanh thiếu niên bị viêm loét dạ dày. Đặc biệt là các em ở độ tuổi lớp Mười một, Mười hai.
Một tháng qua, Phòng khám tiêu hóa Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 150 trường hợp là học sinh bị viêm, loét dạ dày (chiếm 10% trên tổng số bệnh). Trong đó, 3 trường hợp nặng phải nhập viện. Nguyên nhân khởi phát bệnh là stress do áp lực học hành. Không ít em khi nội soi đường tiêu hóa, làm xét nghiệm kiểm tra còn phát hiện nhiễm vi khuẩn HP. Bình thường vi khuẩn này không gây hại nhưng sẽ nghiêm trọng khi ta có các vết loét trong đường tiêu hóa.
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai - Phó khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết từng tiếp nhận một trường hợp nghiêm trọng do chán ăn tâm lý là học sinh cấp III. Cậu bé P.Đ.A. (ngụ tại TPHCM) được người nhà đưa đến khám vì suy dinh dưỡng, chán ăn. Bác sĩ Mai ghi nhận chỉ số cân nặng của A. là 32kg, chiều cao 136cm (tương đương bé 10 tuổi). Ngoài ra, da cậu bé xanh tái, tóc khô và bạc màu. Bệnh nhân chia sẻ mình học bài không tập trung, chậm nhớ bài.
Mẹ của A. kể em từ chối ăn hầu hết mọi thứ, chỉ ăn khoảng nửa chén cơm mỗi bữa ăn, hay nhợn ói và đôi khi tự làm cho mình ói thức ăn. Bác sĩ Mai nhận thấy bệnh nhân có triệu chứng chán ăn tâm lý, các kết quả xét nghiệm xác định em thiếu đa vi chất mức độ từ trung bình đến nặng, loãng xương. A. được nhập viện để điều chỉnh những rối loạn vi chất cùng với khám tâm lý và điều trị dinh dưỡng theo nguyên tắc chia nhỏ bữa ăn, làm quen lại dần từng món ăn, ăn theo thực đơn bác sĩ dinh dưỡng với khẩu phần tăng dần. Vì thể trạng suy kiệt cần thời gian dài để hồi phục nên sau khi xuất viện người mẹ quyết định cho A. nghỉ học đến hết năm và nghỉ làm để ở nhà chăm sóc em.
Giảm cân tiêu cực
Khác với các trường hợp trên, một số học sinh vì ăn kiêng giảm cân trong giai đoạn học thi nên dẫn đến suy kiệt. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết đã tiếp nhận 7 trường hợp phải nhập viện cấp cứu. Các bệnh nhân này đều đang học lớp Mười một - Mười hai, đang lúc ôn nước rút cho kỳ thi học kỳ II và tốt nghiệp THPT, chuẩn bị vào đại học.
Điển hình là trường hợp nữ sinh P.T.T.N. - sinh năm 2005, là học sinh của một trường THPT tại quận Tân Bình. Mới đây, N. được đưa tới Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cấp cứu trong tình trạng nhức đầu, chóng mặt, vật vã. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ xác định N. bị rối loạn điện giải, thể trạng suy kiệt do dinh dưỡng không đầy đủ trong thời gian dài và được cho nhập viện theo dõi. N. tâm sự do hơi mập nên muốn giảm cân để mặc đồ cho đẹp. Em được bạn bè chỉ cho cách không ăn tinh bột, chỉ ăn rau xanh và thức ăn. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn mỗi thức ăn sẽ không đủ no nên cô bé luôn luôn trong tình trạng bị đói, ruột cồn cào. Dạo gần đây, cường độ học hành cao, thường xuyên phải học khuya tới 1-2 giờ sáng nên mỗi ngày em chỉ ngủ được 3-4 tiếng. Chỉ chưa đầy 2 tháng mà N. sụt tới 8kg. Tưởng rằng cách giảm cân đang hiệu quả nên N. vẫn tiếp tục duy trì lối sinh hoạt tiêu cực, dẫn tới bị lả đi và ngất xỉu.
Không riêng N., bác sĩ Lâm Vĩnh Niên còn ghi nhận một trường hợp nữ sinh lớp Mười hai phải nhập viện vì tự ăn kiêng dẫn tới suy kiệt, hôn mê, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực. May mắn, sau một thời gian điều trị bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện. Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên cảnh báo, đối với các em đang trong giai đoạn học thi sẽ cần một lượng dinh dưỡng đầy đủ để giúp cơ thể và trí não hoạt động tốt. Giảm cân an toàn chỉ tối đa từ 0,5 - 1kg/tuần (tùy trường hợp). Giảm cân quá nhanh sẽ khiến cơ thể bị rối loạn chuyển hóa, mất khối cơ, suy kiệt, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Các phụ huynh lưu ý cung cấp cho trẻ đang học thi một chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ. Chẳng hạn với một học sinh lớp Mười một – Mười hai nặng 50kg sẽ cần ăn cơm kèm 250 - 300g thịt/cá mỗi ngày, bổ sung thêm rau xanh và trái cây. Ngoài ra, các bạn trẻ cần hiểu rằng sự hoạt động của não bộ có cơ chế bù trừ. Không ít em sử dụng nước tăng lực, cà phê để kích thích cho trí óc minh mẫn nhằm kéo dài thời gian học khuya không bị buồn ngủ. Thế nhưng, nếu duy trì việc này như một thói quen sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc mụ mẫm, khó tiếp thu bài vở vào ngày hôm sau.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.