Suy đa tạng từ một vết mò đốt

03/07/2024 - 06:43

PNO - Ngày 2/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị thành công 1 bệnh nhân nam (36 tuổi) gặp biến chứng suy đa tạng vì sốt mò.

Nam bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nam bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước đó, bệnh nhân sốt cao liên tục, mệt mỏi, tự điều trị tại nhà 4 ngày nhưng bệnh không đỡ. 4 ngày tiếp theo, bệnh nhân được điều trị tại 2 bệnh viện tuyến trước với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng song điều trị không cải thiện. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao, suy đa tạng.

Qua khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện vùng ngực phải bệnh nhân có vết loét điển hình của bệnh sốt mò. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân có nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây bệnh sốt mò. Bệnh nhân được áp dụng phác đồ điều trị đặc hiệu, tình trạng suy đa tạng cải thiện và đã ra viện sau 7 ngày.

Các bác sĩ từng gọi bệnh sốt mò là “căn bệnh bị quên lãng”, vì ít xuất hiện trong nhiều năm. Bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, lây truyền qua vết đốt của ấu trùng mò. Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao liên tục, có thể tiến triển cấp tính đến suy chức năng đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh có dấu hiệu điển hình là vết loét do ấu trùng mò đốt. Vết này có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1mm đến 2cm, vẩy nâu nhạt hoặc sẫm màu, thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, ngưòi dân khi đi tới khu vực dịch tễ (sông suối, hang, khu vực ẩm ướt…), không nên ngồi, nằm hoặc để đồ đạc trực tiếp lên mặt đất, bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân kèm theo có yếu tố dịch tễ của sốt mò nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI