Sưu tập 1.000 bộ áo dài để... tặng

07/03/2022 - 06:43

PNO - Hưởng ứng Lễ hội Áo dài năm 2022 đang diễn ra tại TP.HCM, trong tháng Ba này, cô Sầm Kim Tương (63 tuổi, khu phố 1, P.19, Q.Bình Thạnh) lên kế hoạch cùng Hội Phụ nữ phường thực hiện chuyến về nguồn, trao tặng 100 bộ áo dài cho chị em phụ nữ nông thôn tại tỉnh Bến Tre.

Chỉ cần người ta trân trọng, cô sẽ tặng

“Nay được bao nhiêu cái rồi?” - chú Nhiu Đức Hiền hỏi khi thấy vợ là cô Sầm Kim Tương hớn hở ôm chồng áo dài vừa mới nhận được từ người giao hàng. “Chắc được… 1.000 cái” - cô Tương đáp.
Bung chồng áo dài gần 30 cái với đủ kích cỡ, màu sắc ra lối đi trong căn phòng đã chất đầy áo dài, cô Tương kiểm tra từng chiếc áo đã đặt mua. Đã có trên dưới 1.000 chiếc áo dài được cô đặt mua từ ba năm nay, nhưng cô chưa bao giờ hết thích thú mỗi lần nhận áo mới. Căn phòng từng là phòng ngủ của con gái cô Tương giờ chẳng khác một cửa tiệm áo dài. “Cái này là áo dài lụa Tây Thi! Phong cách này hiện đang rất thịnh hành, mấy bạn trẻ thích lắm. Còn loại này thích hợp mặc hội nghị hay diện vào dịp 8/3 sắp tới” - cô Tương nói về những chiếc áo dài mới. 
Để chúng tôi hiểu hơn về sự phong phú của mẫu mã, thương hiệu cũng như chất liệu làm nên áo dài, cô Tương lần lượt chỉ tên nhung, voan, tơ, gấm, lụa Nhật, Phi Yến, Đông Hưng, Tây Thi, Thái Tuấn, Latin… “Còn đây là loại áo dài chuyên để người lớn mặc làm sui. Mấy bộ này mua đắt hơn vì công đoạn may đính kết cầu kỳ” - cô nói thêm về những chiếc áo dài được cô ưu ái treo dọc cánh tủ.

Cô Sầm Kim Tương(bên phải) bên bộ sưu tập áo dài “khủng” của mình
Cô Sầm Kim Tương(bên phải) bên bộ sưu tập áo dài “khủng” của mình

Dù mua khá đắt nhưng rất nhiều chiếc áo trong số được cô Tương trao đi khi biết rằng có ai đó chuẩn bị dựng vợ gả chồng cho con mà không có chiếc áo dài phù hợp để mặc, phải đến mượn áo cũ của cô. “Trời ơi, đời người có bao nhiêu lần đi làm sui cho con mà mặc áo dài cũ? Chị cứ qua nhà tôi mà lựa cái áo mới, ưng cái nào chị cứ lấy, tôi tặng” - cô Tương nhớ lại tình huống đầu tiên khiến cô nghĩ đến việc “sưu tập” và chia sẻ áo dài cho người khác.

Sau lần ấy, cô mua áo dài nhiều hơn, theo nhiều size, nhiều màu để bất kỳ người nào thích, cũng có thể lựa chọn được một cái vừa vặn. “Cuộc sống không phải là giàu có, nhưng trong khả năng của mình, cô chỉ có một ý nghĩ duy nhất, chị em nào trong khu phố, hay bất cứ ở đâu, thích nhưng không có khả năng đi may cho mình một bộ áo dài thì cô sẽ tặng. Chỉ cần người ta trân trọng là cô sẽ tặng” - cô Tương bộc bạch.

Ước mơ gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống

Lý giải nguyên nhân khiến mình “cuồng” áo dài, cô Tương hồi tưởng: “Mẹ mình là người Huế, ngày trước lấy chồng rồi theo chồng vào Nam. Cha đi lính, đi biền biệt, một mình mẹ cặm cụi làm lụng nuôi sáu đứa con. Mẹ nghèo, chỉ sắm được duy nhất một chiếc áo dài cho ba chị em tôi mặc đi học. Sáng chị mặc đi học, trưa về thay ra lại đến lượt em”. Ấy vậy mà, bộ áo dài duy nhất đó đã lần lượt theo ba chị em cô suốt những năm trung học, bởi như cô nói, thời đó, may một bộ áo dài là cả vấn đề với những gia đình nghèo.

Mãi nhiều năm về sau, trong một lần về Huế thăm họ hàng, thấy cháu gái mặc quần tây áo sơ mi đi thăm thành Nội, các dì ruột của cô Tương quở trách: “Gái Huế không mặc áo dài là một thiếu sót lớn lắm nghen con!”. Nghe lời bảo ban của các dì và tận mắt nhìn thấy những cô gái Huế trong bộ áo dài tím thướt tha, tay cầm nón lá, tình yêu áo dài trong cô Tương lớn lên bội phần. “Lạ nghen, dù nhiều người có dáng người không đẹp nhưng khi lên tà áo dài, sao mà duyên dáng. Từ lần về thăm quê đó, cô mang trong mình hoài bão, làm sao để có thật nhiều áo dài để mặc, để tôn lên truyền thống của người Việt Nam” - cô Tương tâm sự.

Ước mơ rồi cũng thực hiện được vào năm cô 20 tuổi. Nghề giáo viên mầm non giúp cô chắt chiu dành dụm để mỗi năm may được một bộ áo dài mặc trong ngày nhà giáo. Đến khi các con của mình trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, bộ sưu tập áo dài của cô Tương đã lên tới 200 bộ. Nhưng đó là những chiếc áo dài đã mặc, cô giữ cho riêng mình.

Thấy tình yêu quá lớn của mẹ dành cho áo dài, hai đứa con cô Tương đã trích một phần thu nhập mỗi tháng của mình để mẹ mua áo dài tùy thích. Hơn 1.000 chiếc áo dài cô Tương mua đã và tiếp tục tặng cho người khó trong thời gian tới, đều do các con ủng hộ. “Từ ngày bộ sưu tập áo dài nhiều lên, có rất nhiều người tìm đến cô Tương. Bạn bè, thậm chí có những người chưa quen cô, nhưng biết chuyện cô hay tặng áo dài cũng hay hỏi thăm. Thấy phụ nữ khó khăn nào trên địa bàn cần áo dài để mặc vào các dịp quan trọng của gia đình, các em học sinh cấp III có hoàn cảnh khó khăn, cô sẵn sàng tặng áo. Từ năm 2019 đến nay, hơn 100 chiếc áo dài của cô Tương đã được trao cho các chị em phụ nữ trên địa bàn” - chị Trần Thiện Bảo Khang - Chủ tịch Hội LHPN P.19, Q.Bình Thạnh - cho biết. 

Nắm bắt được tinh thần sẻ chia mang đậm chất văn hóa của giới, Hội LHPN P.19 đã trao đổi và hỗ trợ cô thực hiện mô hình “Áo dài Thị Nghè - Nghĩa tình chia sẻ”.

Hưởng ứng Lễ hội Áo dài năm 2022 đang diễn ra tại TP.HCM, trong tháng Ba này, cô Sầm Kim Tương đã lên kế hoạch cùng Hội LHPN P.19 thực hiện chuyến về nguồn, trao tặng 100 bộ áo dài cho chị em phụ nữ nông thôn tại tỉnh Bến Tre. Thông qua mô hình, cô ấp ủ và mong muốn cùng Hội LHPN xã Phú Đức, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre cùng giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của người phụ nữ và chiếc áo dài Việt Nam. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI