Sưu tầm sách: thú chơi tao nhã

03/12/2023 - 07:13

PNO - Nâng niu một quyển sách đẹp về hình thức, có giá trị về nội dung, lần giở từng trang để đọc và ngắm có lẽ là một thú chơi tao nhã bên cạnh những thú vui khác như chơi chim, chơi cá cảnh, chơi xe, sưu tầm tranh, đá quý hay những món đồ thú vị khác.

Cụ Nguyễn Tuân chẳng phải đã từng viết: “Nghề chơi cũng lắm công phu”? Suy cho cùng, mỗi thú chơi không chỉ mang đến niềm khoái cảm cho người chơi mà một cách vô tình, còn lưu lại dư vị đầy tao nhã của những tay chơi sành sỏi bởi phải thạo, phải tinh và phải sở hữu kiến thức thế nào mới xứng được gọi là “tay chơi” thứ thiệt. Vươn đến cái tầm ấy cũng chẳng mấy người. Và khi những thứ hào nhoáng bên ngoài được gạt bỏ, đọng lại chính là mối tình si của người chơi và vật được chơi hay nói đúng hơn là cuộc hội ngộ giữa những tri kỷ.

Bất kỳ thú chơi nào cũng đều xuất phát từ niềm ham thích, tìm tòi. Trên hành trình tìm tòi ấy, người chơi càng khám phá ra biết bao điều thú vị. Chơi sách cũng không ngoại lệ. Cụ Vương Hồng Sển bằng niềm yêu thích đặc biệt dành cho sách, đã sưu tầm nhiều ấn bản khác nhau của cùng một tác phẩm, từ ấn bản đầu tiên đến những bản in giấy đẹp, có chữ ký tác giả, có minh họa hay có thêm nội dung đặc sắc. Rồi cũng từ niềm yêu thích ấy, cụ gặp được những người bạn cùng đam mê và ghi lại thú chơi độc đáo này trong quyển Thú chơi sách. Đây có thể xem là một trong những quyển sách đầu tiên định nghĩa và thuật lại thú chơi độc đáo vẫn còn đến ngày nay.

Mượn lời của nhiều tác giả, cụ Vương gọi "những pho sách xinh xinh" là "bằng hữu". Sách nhắc ông nhớ về những kỷ niệm trong quá khứ, chỉ ra những điều mới lạ trên thế giới, đồng thời cung cấp những bài học về lẽ sống và cách đối nhân xử thế. Vì những giá trị sách mang lại, cụ cho rằng người chơi cần “biết thương sách, mê sách, biết chơi sách và trân trọng xem cuốn sách như những người bạn tốt”, “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”.
 
Không chỉ kể lại những câu chuyện hoặc con người thú vị mà tác giả gặp trên hành trình sưu tầm sách, Thú chơi sách còn có nhiều mẩu chuyện nhỏ chia sẻ về tuổi thơ, về tình yêu với sách nơi tác giả đã được mẹ gieo từ thuở nhỏ. Dù ra mắt cách đây hơn 60 năm nhưng tác phẩm vẫn khiến người yêu sách thời nay có nhiều đồng cảm với tác giả.

Chẳng hạn khi cụ bày tỏ ước mơ được mở một hiệu sách quý sách cổ, sự kén chọn với từng cuốn sách và bìa sách hay sự buồn bực trước “cái họa cho mượn sách”: Truyện hay mua lấy để mà coi/ Tới mượn không cho nói hẹp hòi/ Quân tử trao ra nào có tiếc/ Mất công cho mượn, mất công đòi (Khuyết danh).

Thú chơi sách do Nhà xuất bản Tự Do xuất bản lần đầu năm 1960. Đến nay, những ấn bản xưa của tác phẩm đang được nhiều người săn lùng. Ở đợt tái bản mới này, tác phẩm có bìa cứng, minh họa với phong cách cổ xưa, thêm bìa áo bọc ngoài đồng thời có thêm ảnh tư liệu chụp tại Vân Đường phủ, nhà của cụ Vương.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI