"Tuy nhiên, sụp mi mắt có thể còn là dấu hiệu của bệnh lý ác tính nguy hiểm hay các bệnh về thần kinh”, ThS-BS Trần Đình Minh Huy, Khoa Mắt Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cảnh báo.
Đi khám sụp mi mới biết có khối u vùng cột sống
Sụp mi mắt chia ra làm hai dạng là bẩm sinh và mắc phải (sụp mi mắt bẩm sinh có nguyên nhân thường gặp nhất là bất thường chỗ bám cơ nâng mi). Nếu bị sụp mi mắt do tuột cơ nâng mi thì tùy mức độ có thể can thiệp bằng phẫu thuật.
Bên cạnh những nguyên nhân gây sụp mi mắt kể trên, BS Huy lưu ý người dân không nên chủ quan vì đó còn là dấu hiệu báo bệnh nguy hiểm. Nếu thấy bị sụp mi mắt đột ngột ở một bên mắt, dù không có triệu chứng bất thường đi kèm, chúng ta vẫn phải đi khám ngay để loại trừ nguy cơ có khối u trong não chèn ép đường đi của dây thần kinh số 3, hoặc bệnh nhân bị một túi phình mạch máu chèn vào động mạch thông sau làm ảnh hưởng tới mắt.
Ngoài ra, người mắc phải hội chứng Horner (một hội chứng do chèn ép đường đi của hệ thần kinh giao cảm), mà biểu hiện ban đầu cũng là sụp mi mắt nhẹ. Ở những bệnh nhân hội chứng Horner, bác sĩ sẽ thấy ngoài sụp mi, còn có hiện tượng co đồng tử, giảm tiết mồ hôi.
|
Bệnh nhân M. bị sụp mi mắt trái, chụp MRI phát hiện có khối u chèn ép vùng cột sống |
Mới đây, BS Huy được mời hội chẩn cho bệnh nhân T.M., 48 tuổi, ngụ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM. Mi mắt trái của ông M. bỗng dưng bị sụp nhẹ, chính bản thân bệnh nhân cũng không biết, được người thân phát hiện và khuyên nên đi khám. Khi tới bệnh viện, ngoài biểu hiện mắt sụp mi độ 1, thể trạng bệnh nhân rất bình thường, thị lực tốt, không bị nhức đầu, chóng mặt.
Tuy nhiên, kiểm tra, BS Huy nhận thấy kích thước đồng tử hai bên mắt của ông M. bất đồng, biểu hiện này càng rõ hơn khi bệnh nhân được khám trong phòng ít ánh sáng.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc hội chứng Horner, BS Huy đề nghị cho chụp MRI thì hóa ra ông M. bị một khối u chèn ép ngay lỗ liên hợp T1-T2 vùng cột sống, gây ảnh hưởng tới mi mắt. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển sang chuyên khoa Ngoại thần kinh, phối hợp với khoa Lồng ngực mạch máu để có hướng xử trí tiếp theo.
Thiếu máu nuôi dây thần kinh số 3
Không chỉ riêng bệnh nhân M. khám sụp mi mắt may mắn phát hiện ra các bệnh lý nguy hiểm đi kèm. BS Huy còn nhớ, mình từng tiếp nhận bệnh nhân tên P.V.K., 50 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Mi mắt phải của ông K. bị sụp đột ngột, thậm chí liệt luôn vận nhãn (không thể mở mắt).
Bệnh nhân này có bệnh sử huyết áp cao và đái tháo đường. “Lúc khám tôi nhận thấy đồng tử bệnh nhân dãn, chụp MRI không phát hiện bất thường. Các kết quả kiểm tra hướng tới bệnh nhân bị thiếu máu nuôi dây thần kinh số 3”, BS Huy kể. Trường hợp này đến khám kịp thời, được điều trị tốt thì sau ba-sáu tháng sẽ hồi phục.
Sụp mi bẩm sinh, trẻ dễ bị nhược thị
Ai cũng có thể bị sụp mi mắt, tuy nhiên, độ tuổi mắc phải cũng thay đổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn, nguyên nhân do dây thần kinh số 3, u bướu hay gặp ở người lớn, nguyên nhân bẩm sinh (tuột chỗ bám cơ nâng mi) lại gặp ở trẻ nhỏ.
Theo ThS-BS Nguyễn Thiện Trung, Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sụp mi mắt ở trẻ em cần được phụ huynh quan tâm đúng mức. “Các bậc cha mẹ khi thấy con bị sụp mi mắt chỉ lo về thẩm mỹ, họ không biết rằng những đứa trẻ bị sụp mi nhiều, che khuất không nhìn rõ sẽ tiến triển thành bệnh nhược thị về sau này”.
Cách đây vài ngày, một phụ huynh đưa bé trai khoảng 14 tuổi tới Bệnh viện Đại học Y Dược khám. Thực ra bé trai này bị sụp mi bẩm sinh, trước đây gia đình không mấy quan tâm, vì thấy thị lực của bé không bị ảnh hưởng lắm. Nay bé đã lớn, mặc cảm về thẩm mỹ vì bạn bè chọc ghẹo bởi mắt một bên to, bên nhỏ nên mới đòi ba mẹ đưa đi khám.
Trường hợp này đã được phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi. Hai tuần sau mổ mắt bệnh nhi phục hồi. Tuy nhiên, BS Trung lưu ý, với trẻ em, khi bị sụp mi mắt cần đi khám càng sớm càng tốt. Vì ở giai đoạn sáu tuổi trở xuống, thị giác hai mắt của bé đang trong quá trình hình thành, nếu qua ngưỡng này, trẻ có thể bị nhược thị, ảnh hưởng tới thị lực về sau.
Thanh Huyền
Điều trị sụp mi mắt phải tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Để giải quyết hiện tượng sụp mi, các bác sĩ có thể phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi, treo cơ nâng mi lên cơ trán bằng vật liệu tự thân, hoặc phẫu thuật sling (dùng chất liệu nhân tạo đặc biệt khâu đính cơ nâng mi lên cơ trán).
Những phẫu thuật này cần được làm tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt nhằm hạn chế xảy ra các biến chứng như: nếp mi không đẹp, lộn kết mạc làm khô mắt, viêm loét giác mạc, hở mi… Mỗi tháng, một bác sĩ ở phòng khám chuyên khoa mắt gặp khoảng năm-bảy trường hợp sụp mi.
|