PNO - PNO - Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở vùng Chợ Lớn vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước. Bà ngoại sinh mẹ ra trong thiếu thốn, mẹ còi cọc đen đúa lớn lên.
edf40wrjww2tblPage:Content
Nhật đảo chánh Pháp, giặc giã nổi lên khắp nơi, gia đình phải tản cư về quê một thời gian, đến mười tuổi mẹ mới được trở lại trường học tiếp. Mẹ tưởng chỉ có thể học đủ để biết đọc biết viết như bao chúng bạn trong xóm vậy mà năm nào mẹ cũng được lãnh thưởng xuất sắc toàn trường tiểu học Bình Tây. Ông ngoại thấy vậy cho mẹ tiếp tục học và mẹ đã thi đậu vào trường Nữ Trung Học Gia Long vào năm 1952. Khoảng thời gian này thì mẹ tôi không còn là “vịt con xấu xí” nữa mà đã trở thành một “thiên nga xinh đẹp” nằm trong “tầm ngắm” của nhiều thanh niên thời ấy.
Mẹ tôi đã có một mối tình đầu đẹp như thơ với một chàng Bắc Kỳ mới di cư vào Nam lúc mẹ đang học năm cuối ở Sư Phạm. Sau thời gian đi tu nghiệp ở Mỹ về bác ấy xin ông bà Ngoại cho cưới mẹ tôi nhưng cả gia tộc đã phản đối quyết liệt do thành kiến Bắc-Nam còn quá gay gắt vào thời đó! Cuối cùng, mẹ phải gạt nước mắt chấp nhận về làm vợ ba tôi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Interent
Ba tôi là công tử của một chủ nhà buôn giàu có, 18 tuổi đã có xe hơi riêng. Ba tôi cưới mẹ cũng không phải vì tình yêu mà vì mẹ là một cô giáo vừa đẹp người đẹp nết đúng tiêu chuẩn làm vợ. Theo lời mẹ tôi kể lại thì những năm đầu tiên cuộc sống vợ chồng của hai người là một bi kịch. Ba tôi đã quen với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ở bên ngoài nên thường bỏ mẹ tôi ở nhà một mình vò võ lúc đêm khuya. Mẹ đã bao lần nuốt nước mắt vào lòng vì những xung đột gần như vô phương cứu vãn, không khí gia đình có lúc căng như sợi dây đàn không biết đứt lúc nào. Cho đến một ngày kia ba tôi gặp những thất bại trong việc làm ăn đến mức gần như trắng tay, nhìn quanh chẳng có một ai giúp đỡ, anh em và bạn bè chí cốt lúc trước cũng quay mặt làm ngơ! Chỉ còn lại mẹ tôi và bên ngoại mặc dù không khá giả nhưng đã giang rộng vòng tay giúp đỡ ba tôi vượt qua cơn hoạn nạn của cuộc đời.
Cũng từ sau biến cố đó ba tôi đã không còn tha thiết với bên ngoài nữa mà chỉ toàn tâm toàn ý với vợ con. Những ngày buồn của gia đình tôi rồi cũng qua, càng về già ba mẹ tôi càng hạnh phúc có lẽ do tuổi tác đã thay đổi được ba tôi để ông hiểu rằng trên đời này chỉ có mẹ là hết lòng với ông. Mẹ tôi là một nhà sư phạm, mẹ từng bảo với tôi rằng cuộc sống của một nhà giáo mẫu mực cũng gần giống như một nhà tu. Mẹ dạy chúng tôi “Ít muốn, biết đủ” theo cách riêng của bà và khuyên các con của mình phải nghĩ đến nhiều người còn khốn khó trên đời. Mẹ cũng tập cho chúng tôi quen bố thí từ khi còn rất nhỏ.
Bốn chị em tôi lần lượt đều là học trò của mẹ. Ở nhà chúng tôi gọi bằng mẹ nhưng khi đến lớp cũng răm rắp “Thưa cô” như bao chúng bạn. Mẹ đã nắn nót từng nét chữ của chúng tôi, bắt phải “ngồi ngay, viết thẳng”. Mẹ dạy chúng tôi cách giải những bài toán hóc búa sao cho thật nhanh và chính xác. Mẹ đã thổi vào tôi lòng yêu văn chương và lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tôi đã từng ngồi trong lớp học say sưa nghe mẹ kể chuyện về Hội nghị Bình Than về Người anh hùng áo vải đất Lam Sơn về Vua Quang Trung đại phá quân Thanh… mà mơ màng với những chiến thắng oanh liệt của tiền nhân đã không hề biết cúi đầu khuất phục trước ngoại bang. Niên khóa nào mẹ cũng được chọn là giáo viên xuất sắc vì học trò của mẹ luôn dẫn đầu trong đợt thi tuyển vào lớp Sáu các trường Trung học thời đó. Ngày tôi thi đậu vào trường nữ Trung học Gia Long cũng là ngày mẹ đã rất vui vì nhớ lại cả một thời áo trắng của mình!
Những năm tháng cả nước khó khăn nên học sinh của mẹ bỏ lớp, bỏ trường ra ngoài kiếm sống rất nhiều. Mẹ ngậm ngùi và thương cho đám học trò nhỏ tội nghiệp của mình. Có đứa nghèo khổ quá mẹ còn đem cả quần áo, thức ăn ở nhà chia sẻ và khuyến khích chúng nên tiếp tục học hành. Tôi nhớ hoài hình ảnh mẹ tôi những ngày thay chiếc áo dài tha thướt trên bục giảng bằng chiếc áo bà ba hay áo kiểu đơn sơ. Mỗi buổi tan trường mẹ tôi thường tất tả vào chợ mua mớ rau cá đem về nấu cho chồng con. Hôm nào ở trường bốc thăm có chút thịt mỡ, đường, sữa là mẹ vui mừng hớn hở cả ngày.
Dù gia đình tôi lúc đó hết sức chật vật nhưng biết tôi là đứa có năng khiếu về hội họa nên ba mẹ đã dẫn tôi đến học vẽ tại một phòng tranh kiêm xưởng vẽ của một họa sĩ trong Quận 10. Sau khi học xong lớp 12 tôi quyết định thi vào trường Đại Học Mỹ Thuật, nhiều người có ý phản đối cho rằng tôi là đứa không thực tế vì thời đó cả nước còn “ăn độn” thì lấy đâu ra tiền mua tranh hoặc thưởng thức nghệ thuật. Nhưng mẹ và ba đã ủng hộ để tôi được thực hiện mơ ước từ ngày còn bé của mình.
Một ngày kia, sau khi ra trường có việc làm ổn định tôi đã dẫn bạn trai về giới thiệu với ba mẹ và nói rằng anh muốn cưới tôi làm vợ. Ba mẹ đã phản đối quyết liệt vì người yêu của tôi lúc đó đang chờ phỏng vấn đi Mỹ. Hai người không muốn con gái của mình phải khổ vì chúng tôi còn quá trẻ, biết sẽ đợi nhau được bao ngày!? Nhưng sau đó có lẽ mẹ nhớ lại đến mối tình đầu tan vỡ của mình và cảm động trước tình cảm chân thành của anh dành cho tôi nên đã năn nỉ ba cho chúng tôi kết hôn. Cuối cùng ba tôi cũng đã “bấm bụng” gật đầu! Chỉ vì cái gật đầu đó mà trong hơn tám năm ròng rã ba mẹ đã phải vất vả với tôi rất nhiều, nhất là những lúc thấy cháu ngoại đau ốm, hai người vô cùng xót xa cho cảnh nuôi con một mình của tôi!
Rồi hai mẹ con tôi cũng đến Mỹ! Thấm thoát hơn 14 năm đã trôi qua thỉnh thoảng tôi cũng gửi chút quà về biếu gia đình. Ba mẹ tôi chưa bao giờ sống nhờ vào tiền của con cái, lúc nào họ cũng sợ các con tốn tiền vì mình. Khi ba tôi nằm xuống, mẹ đã xây mấy dãy nhà trọ cho mướn nên cũng đủ “đồng ra đồng vào”, mẹ xài tiện tặn chắt chiu quen rồi. Mỗi ngày xem báo thấy ai bệnh hoạn, đau yếu, khốn khó mẹ liền nhờ mấy chú xe ôm quen đem tiền ra toà soạn báo để chuyển đến tận tay người cần giúp đỡ. Nghe chùa nào cần chuông, tượng hay muốn trùng tu mẹ tôi cũng hoan hỉ phát tâm đóng góp. Ở tuổi 80, mặc dù không được khỏe nhưng thỉnh thoảng vào ngày Chúa nhật mẹ tôi cũng đi bộ đến một ngôi chùa ở gần nhà nghe thuyết pháp, đọc kinh. Mẹ bảo rằng đã chuẩn bị xong hết rồi nếu mẹ “có-mệnh-hệ-gì” thì ba chị em tôi chỉ cần mua vé máy bay về nhìn mặt mẹ lần cuối không cần phải tốn gì thêm nữa.
Trong cái vô thường huyễn hoặc của cuộc sống hôm nay dẫu có quá nhiều những đau thương mất mát nhưng xin cám ơn cuộc đời vì mẹ vẫn còn sống và luôn đồng hành bên chúng tôi trong suốt hơn 50 năm qua. Nếu không có mẹ, tôi đã phải loay hoay và tốn rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện được bản thân mình; mẹ đã trao cho tôi tất cả những kinh nghiệm sống, những từng trải cuộc đời của mẹ để tôi học hỏi và trưởng thành. Mãi mãi lúc nào tôi cũng cảm nhận được rằng: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn bên con".