Suốt 3 năm, mẹ không được gặp con

12/03/2023 - 06:31

PNO - Chị T.N.H. cho biết: "Hằng tuần, ròng rã gần 3 năm nay, tôi và người thân đến nhà anh N. để xin được thăm con. Tôi nhắn tin xin phép trước, anh N. và người thân của anh không trả lời. Tôi trực tiếp đến nhà, gõ cửa, bấm chuông, không ai ra mở cửa. Rồi cái chuông cũng bị gỡ..."

Chị T.N.H. (sinh năm 1994, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) là một trong số những người mẹ trẻ gian nan đòi thi hành án giao con mà Báo Phụ nữ TPHCM đã phản ánh trong bài viết Đoạn trường tìm con - Khi nhà chồng cũ đem đứa trẻ đi giấu (đăng ngày 17/10/2022).

Trong khi chờ đợi nỗ lực của Chi cục Thi hành án dân sự quận 3, Viện Kiểm sát nhân dân quận 3, Công an - UBND phường 14, quận 3... phối hợp vận động thi hành án, háo hức mong chờ ngày được chồng cũ tên N.T.N. (ngụ phường 14, quận 3) giao con thì tháng 2/2023, chị H. "bật ngửa" khi nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM (Viện).

Quyết định này kháng nghị đối với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân TPHCM tuyên giao con trai N.P.H., sinh ngày 4/3/2020, cho chị trực tiếp nuôi dưỡng (trước đó, ở cấp sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận 3 cũng tuyên cùng nội dung).

Quyết định này ra đời trước thềm sinh nhật 3 tuổi của bé H. 

Chị N.H. không đếm xuể đã bao lần chị gọi cửa nhà chồng để xin vào thăm con nhưng không được đáp lại...
Chị N.H. không đếm xuể đã bao lần chị gọi cửa nhà chồng để xin vào thăm con nhưng không được đáp lại...

Một trong những lý do kháng nghị, Viện cho rằng: "Có căn cứ để xác định ông N. là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu H. từ khi cháu mới hơn 3 tháng tuổi cho đến nay. Sau khi sinh cháu H., bà H. đã không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người mẹ trong việc thương yêu con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...".

Nộp đơn nhờ can thiệp lần 2 đến Báo Phụ nữ TPHCM, chị H. nghẹn ngào nói: "Tôi thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người mẹ bằng cách nào trong khi từ lúc con khoảng 3 tháng tuổi, dưới áp lực của nhà chồng, tôi phải rời nhà chồng mà không được phép ôm con theo? Hằng tuần, ròng rã gần 3 năm nay, tôi và người thân đến nhà anh N. để xin được thăm con. Tôi nhắn tin xin phép trước, anh N. và người thân của anh không trả lời. Tôi trực tiếp đến nhà, gõ cửa, bấm chuông, không ai ra mở cửa. Rồi cái chuông cũng bị gỡ. Tôi gọi điện thoại chỉ nghe ò í e hoặc reo mãi, không ai nghe máy. Có khi may mắn gặp người nhà đang quét sân, tôi xin được gặp con, họ hẹn sẽ cho gặp khi con tôi thức dậy. Nhưng lát sau tôi quay lại đúng giờ hẹn thì cũng chỉ thấy cửa đóng và tiếp tục tình trạng quen thuộc - chẳng ai phản hồi cuộc gọi của tôi". 

Đầu năm 2022, trong thời gian chờ tòa giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng và tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con, chị H. đã gõ cửa Hội LHPN phường 14 để hỗ trợ việc thăm nom con.

Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực và anh N. không tự nguyện thi hành án giao con, đại diện lãnh đạo hội cho biết: "Hội đã phối hợp vận động anh N. tạo điều kiện cho chị H. thăm con, anh hứa, nhưng về sau đi khỏi địa bàn phường mà không thông báo cho chị H. biết nơi ở mới. Hiện chưa xác định được anh N. và đứa bé ở đâu". 

Chị H. bất bình khi trong quyết định kháng nghị, Viện nêu: "... Thực tế bà H. đã không nuôi dưỡng cháu H. từ khi cháu hơn 3 tháng tuổi, nếu giao cháu H. cho bà H. nuôi dưỡng sẽ gây ra xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu".

"Đứa bé mới 3 tuổi mà cứ phải dọn đi do người lớn né thi hành án liệu có xáo trộn cuộc sống của bé không?" - chị chua chát hỏi. Chị H. mong hành vi cản trở thăm nom, không chấp hành án giao con, độc chiếm con cái... phải bị xử lý để tránh tiền lệ xấu, xem thường pháp luật và để bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ/chồng cũ cũng như sự phát triển toàn diện của chính con mình.  

"Tôi cam kết sẽ nuôi con một cách tốt nhất để cháu trưởng thành trong môi trường phát triển lành mạnh và tạo mọi điều kiện để ba, ông bà nội cháu đến thăm cháu" - chị H. nói.

Mong một bản án công tâm và được thi hành án thật nghiêm! 

Tô Diệu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI