Sương mù ở TP.HCM không phải do ảnh hưởng cháy rừng ở Indonesia

25/09/2019 - 17:34

PNO - Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM cho rằng, tình trạng sương mù bao phủ TP.HCM không phải do ảnh hưởng của những vụ cháy rừng ở Indonesia.

Chiều 25/9, Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM chính thức có văn bản giải thích về hiện tượng “sương mù” bao phủ khắp TP.HCM trong những ngày qua.

Theo trung tâm, liên tiếp từ ngày 18-22/9, tại TP.HCM, xuất hiện lớp sương mù dày đặc, có màu trắng đục trên diện tích rộng, bao phủ nhiều nơi, kéo dài từ sáng đến chiều. Tình trạng này làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông và tạo cảm giác khó chịu cho người dân.

Kết quả quan trắc 30 vị trí tại TP.HCM cho thấy, trong thời gian trên, chất lượng không khí không đảm bảo, có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, N02,C0, PM2.5…

Cụ thể, bụi lơ lửng tăng hơn 2,1 lần, các chất còn lại tăng từ 1,4 đến 1,9 lần, riêng PM2.5 tăng 2,2 lần. Đặc biệt, trong ngày 20/9, thông số bụi lơ lửng, PM 10,PM 2.5 vượt quy chuẩn với tỷ lệ 50%, 25% và 50%.

Suong mu o TP.HCM khong phai do anh huong chay rung o Indonesia
Tình trạng "sương mù" bao phủ khắp TP.HCM kéo dài từ sáng đến chiều tối gây khó chịu cho người dân khi ra đường. Ảnh: Trung Thanh

Cũng theo trung tâm trên, đây là tình trạng mù quang hóa, do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thời tiết tại TP.HCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng và độ ẩm trong không khí cao. “Do trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết nên khiến hơi nước bám vào tạo ra hiện tượng sương mù” - trung tâm lý giải.

Ngoài nguyên nhân trên, Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM cho rằng, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất nên tạo ra một lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (từ các hoạt động giao thông, sản xuất…) nằm sát mặt đất không phát tán lên cao được, khiến cho lớp sương mù này càng dày đặc, lâu tan…

Trong khoản thời gian từ đầu tháng 9/2019 đến nay, nạn cháy rừng ở Indonesia cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mù quang hóa trong các ngày qua.

Từ phân tích trên, trung tâm cho rằng, tình trạng sương mù trong các ngày qua chủ yếu do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ làm tăng hiện tượng đảo nhiệt. Hiện tượng này thường xảy ra định kỳ hằng năm, thời gian xảy ra mù quang hóa thường rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 10 tại TP.HCM.

Trung tâm kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nên thông tin đến người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai hạn chế ra đường trong những ngày xảy ra hiện tượng mùa quang hóa. Ngoài ra, người dân cũng nên hạn chế phơi thực phẩm, quần áo ngoài trời và hạn chế sử dụng nước mưa...

                                                                                    Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI