Sương mù Mẫu Sơn

07/10/2013 - 07:42

PNO - PNCN - Hà Nội ảnh hưởng bão nên mưa dầm dai đẳng suốt mấy ngày liền. Dự định đi Mẫu Sơn có lúc chùng chình nhìn mưa nhìn gió, nhưng cuối cùng tôi với Hương, hai chị em vẫn bắt xe đi Lạng Sơn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau gần ba tiếng đồng hồ, hai chị em đến thành phố Lạng Sơn. Nắng ấm. Trời trong. Gọi được taxi. Thế là trực chỉ Mẫu Sơn.

Đường lên núi uốn khúc, quanh co. Một bên là vách núi, một bên là thung lũng. Nhiều đoạn đường gấp khúc như khuỷu tay gập lại. Tài xế điều khiển vô-lăng uyển chuyển như diễn viên đang múa lụa. Xe càng leo lên cao, không khí càng lạnh. Gần đến Mẫu Sơn, mây giăng mờ lối. Xe chạy thật chậm. Rừng cây, đồi núi choàng phủ một màu sương.

Đến nhà nghỉ Hương Sơn, nơi chúng tôi chọn đặt phòng qua điện thoại, vừa mở cửa xe, gió tràn vào, rét tràn vào, mây tràn vào. Buốt lạnh. Hai chị em vội chạy vào thềm nhà. Khi ngoảnh lại nhìn, chiếc xe taxi vừa quay mũi đã lẫn vào sương mù.

Chúng tôi đặt nhà bếp làm bữa tối với hai món ăn đặc biệt của Mẫu Sơn: gà và ếch. Trước khi cho làm món ăn, ông Đặng Tăng Phúc, chủ nhà nghỉ, người Dao, được coi như già bản của Mẫu Sơn, dẫn chị em tôi đi xem gà Mẫu Sơn, con nào chân cũng đếm được sáu cái cựa và ếch tiến vua, thứ ếch chỉ sống ở độ cao và nhiệt độ của núi rừng Mẫu Sơn mà xưa kia là loại thức ăn được dâng cho vua. Sau đó ông Phúc đưa chị em tôi vào hầm rượu, thứ rượu gia truyền từ năm đời của dòng họ ông Phúc. Rồi ông lấy ca múc rượu ủ trong thùng cho chị em tôi nếm thử. Rượu trong vắt. Vị dịu và đằm.

Suong mu Mau Son

Ảnh: HoangThuy

Chị em tôi vừa ăn, vừa nhấm rượu, lại vừa được nghe già làng nói về sự tích núi Mẫu Sơn. Chuyện tình bi thương này chắc ông Phúc đã kể nhiều lần. Mẫu Sơn thuộc vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình với khoảng 80 ngọn núi lớn nhỏ nằm liền bên nhau. Những ngọn núi cao nhất của Mẫu Sơn, đứng cạnh nhau có tên gọi là núi Cha, núi Mẹ, núi Con và núi Cháu, riêng ngọn núi Mẹ, ngọn núi có hình dáng người đàn bà lại bị mất cái đầu. Tương truyền rằng, người chồng, sau chinh chiến trở về, do nghe lời đơm đặt rồi ghen tuông đến điên dại đã rút gươm sát hại người vợ chung thủy của mình; sau này dù người chồng ăn năn hối hận thì nỗi oan khuất của người vợ vẫn sừng sững tạc vào đá núi.

Đêm. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn nghe tiếng rền rĩ buồn thương của gió núi. Sáng, mở mắt, nhìn đồng hồ. Bảy giờ. Đứa em đồng hành vẫn ngủ say. Một mình, tôi rời khỏi phòng, bước ra đường. Sương giăng kín lối đi. Con đường trắng xóa. Tôi dò dẫm đi trong sương, đi trong thinh lặng gần như tuyệt đối nếu như không có một vài tiếng chim khẽ khàng cất lên từ đâu đó trong sương mù.

Gần trăm năm trước, người Pháp đã chọn nơi đây làm khu nghỉ dưỡng. Những mái nhà rêu phong, những gờ đá rêu phong, những bờ tường sụp lở nơi vài ngôi nhà hoang phế… đã tạo cho Mẫu Sơn vẻ hoang sơ hiếm gặp, dù chỉ cách Hà Nội khoảng 180 cây số.

Sau khi tắm nước lá thuốc của người Dao và ăn bữa sáng muộn, chị em tôi nấn ná lại Mẫu Sơn với hy vọng sương sẽ tan và có thể nhìn thấy được núi Cha, núi Mẹ, núi Con, núi Cháu… những ngọn núi vẫn quây quần bên nhau.

Một giờ, rồi hai giờ trôi qua, trước mặt chúng tôi sương mù vẫn giăng kín núi rừng.

Khi lên xe rời Mẫu Sơn, trong tôi một ý nghĩ thoáng đến: hay sương khói đất trời muốn che khuất dáng hình thương tích đau lòng nơi ngọn núi Mẹ?

Bích Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI