Những ngày qua Sài Gòn có sương mù lúc sáng sớm. Tuy không kéo dài đến trưa như những năm trước nhưng đây chính là hiện tượng mù khô – sương mù hình thành từ khói bụi và khí thải từ các nhà máy.
Nhiều người dân lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn. Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi ngắn với bác sĩ Nguyễn Như Vinh - chuyên khoa Lao & Bệnh phổi, giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM - về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.
|
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh - giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM. |
Phóng viên: Thưa bác sĩ, hiện tượng sương mù do khói bụi kết tụ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người?
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh: Từ lâu ô nhiễm không khí là nguyên nhân hay yếu tố thúc đẩy gây ra hoặc làm nặng thêm một số bệnh ở con người. Khi các chất độc trong không khí ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi, miệng, da và niêm mạc.
Các chất độc do phương tiện giao thông thải ra bao gồm: khí CO, SO2, NO2, benzen, chì, các kim loại nặng và một vài độc chất khác có thể gây hại ở một số cơ quan như mạch máu, tủy xương, lách, tim và phổi.
* Có phải hệ hô hấp và tim mạch dễ bị ảnh hưởng nặng nhất từ không khí ô nhiễm không, thưa bác sĩ?
- Đúng vậy. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hô hấp được nghiên cứu và báo cáo nhiều nhất trong y học. Mức độ ảnh hưởng có thể từ các triệu chứng cấp tính như ho và khò khè cho đến các tình trạng mạn tính như hen suyễn, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Không khí ô nhiễm làm gia tăng bệnh nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn và các triệu chứng dị ứng ở trẻ em. Trẻ sống gần đường cao tốc (không khí ô nhiễm do xe cộ) có nguy cơ cao bị ho, dị ứng hay bị các triệu chứng hô hấp khác và tăng số lần nhập viện vì hen suyễn.
Ô nhiễm không khí làm cho bệnh nhân hen và COPD dễ bị đợt cấp và nhập viện nhiều hơn.
|
Thời điểm Sài Gòn mù sương do khói bụi vào tháng 11/2017. Ảnh: Minh Thanh |
Ung thư phổi cũng là một nguy cơ khi con người tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhất là từ khí thải của các phương tiện giao thông. Một nghiên cứu ở Đan Mạch trên 28.744 người đàn ông bị ung thư phổi nhận thấy, nguy cơ này gia tăng ở những người làm nghề lái taxi và xe tải. Các nghiên cứu khác cũng nhận thấy những người có nguy cơ cao mắc bệnh này là tài xế taxi, xe tải và xe buýt.
Một nghiên cứu năm 2006 ở châu Âu nhận thấy, có mối liên hệ giữa ung thư phổi và ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông. Những nghiên cứu này cũng cho thấy, sống gần các trục lộ giao thông chính hay tiếp xúc với NO2 sẽ có nguy cơ gia tăng ung thư phổi. Một số nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận có mối liên quan giữa ung thư phổi và tình trạng bị ô nhiễm NO2 từ các phương tiện giao thông.
|
Sài Gòn chìm trong màn sương mù. Ảnh: Minh Thanh |
Có bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ giữa khói xe và bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu gần đây với tiêu chí đánh giá là tử vong do tim mạch, như nhồi máu cơ tim cấp, cho thấy có liên hệ với tình trạng tiếp xúc với khói xe, đặc biệt ở những người sống gần những con đường đông đúc.
Tiếp xúc khói xe ngắn hạn cũng liên quan với thiếu máu cơ tim. Một số hóa chất thải ra từ động cơ của các phương tiện giao thông có thể kích thích hệ thống miễn dịch kích hoạt các tế bào gây hủy mô, đặc biệt ảnh hưởng đến lớp lót nội mạc mạch máu gây ra cao huyết áp và thiếu máu cơ tim.
Ngoài ra, không khí ô nhiễm còn ảnh hưởng đến tâm thần kinh. Hệ thần kinh trung ương là cơ quan đích nguyên phát của nhiều độc chất trong không khí ô nhiễm, rõ nhất là chì. Có chứng cứ cho thấy có sự liên hệ giữa mức độ tiếp xúc với chì với tác động lên hệ thần kinh trung ương, cụ thể là thay đổi hành vi. Ở trẻ em, khả năng nhận thức bị ảnh hưởng khi có nồng độ chì trong máu từ 10 đến 15 µg/dl.
Một số nghiên cứu còn cho thấy ô nhiễm không khí có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm lý và mất cảm giác khỏe mạnh. Trong môi trường làm việc có nhiều khói bụi hay có mùi khó chịu sẽ làm người tiếp xúc dễ cáu gắt, giảm hành vi giúp đỡ người khác.
|
Không khí ô nhiễm có thể tác động xấu đến sức khỏe con người. Ảnh: Minh Thanh |
Ngoài ra, chì tác động đến quá trình tạo máu bằng cách ức chế một số enzyme quan trọng, đồng thời chì cũng gây tổn hại màng hồng cầu cũng như làm rối loạn quá trình chuyển hóa bên trong tế bào, làm cho tế bào bị chết sớm.
Những quá trình trên dẫn đến hậu quả là bệnh nhân bị thiếu máu.
* Trong vài năm qua, TP.HCM đã đón nhận vài đợt sương mù do khói bụi kết tụ lại. Theo bác sĩ, người dân Sài Gòn có bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe không khi phải trải qua nhiều đợt sương mù do bụi như vậy?
- Như đã nói ở trên, ô nhiễm không khí gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe nên bất cứ người dân nào sống trong vùng ô nhiễm đều có nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính trước đó.
* Thưa bác sĩ, những đối tượng nào dễ phát bệnh khi hít phải hoặc ở trong không gian có lớp bụi này?
- Đó là các đối tượng phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian lâu như những người làm công việc phải di chuyển hàng ngày ngoài trời hay trên đường phố (tài xế, cảnh sát giao thông...).
- Đối tượng làm việc trực tiếp với nguồn gây ô nhiễm (công nhân nhà máy, người sống 2 bên đường quốc lộ có mật độ xe cộ cao…).
- Đối tượng có cơ địa dị ứng.
- Đối tượng đang bị các bệnh mạn tính như hen, COPD, suy tim…
|
Sài Gòn đang trong những ngày sương mù - dấu hiệu cảnh báo không khí bị ô nhiễm. Ảnh: Trung Thanh |
* Dân gian có thói quen uống sữa tươi để giải độc bụi sau khi tiếp xúc với bụi trong không khí hoặc bụi vôi sau khi quét vôi. Điều này có giúp bảo vệ sức khỏe không, thưa bác sĩ?
- Không có bằng chứng nào về việc này.
* Tiếp xúc với môi trường dày đặc sương khói bụi này bao lâu thì sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe? Nếu đi qua vùng sương mù này mà… chịu khó nín thở khoảng 2 phút thì có được không?
- Người có cơ địa dị ứng hay mắc bệnh mạn tính có thể bị ảnh hưởng ngay (như lên cơn khó thở) khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm dù chỉ dưới 1 phút. Người bình thường phải tiếp xúc tương đối lâu mới phát triển các bệnh hô hấp hay một số bệnh khác. Thời gian cụ thể cho từng loại bệnh vẫn chưa được biết rõ nhưng một số nghiên cứu cho thấy ít nhất khoảng 5 năm.
Tháng 10/2015, Sài Gòn chìm trong lớp sương mù khói bụi do cháy rừng ở Indonesia. Trong 3 ngày từ 16 đến 18/1/2018, Sài Gòn xuất hiện hiện tượng mù khô (giới chuyên gia gọi là mù quang hóa). Lớp sương mù này được tạo ra từ lượng khí thải và khói bụi lớn của các nhà máy, xí nghiệp… được tích tụ ở tầng không khí thấp sát mặt đất, không thể khuếch tán được. Trong những ngày bình thường, gió sẽ đẩy khói bụi lên cao nhưng trong những ngày gió yếu, khói bụi không thể khuếch tán nổi, tạo ra hiện tượng mù khô. Các chất gây ô nhiễm không khí tạo nên mù khô phổ biến gồm SO2, NOx, O3… Nếu là sương mù thì bầu trời có màu trắng đục, cảm giác nhiều hơi ẩm, tiết trời mát hoặc se lạnh. Còn mù khô thường có màu vàng đục, cảm giác không khí khá khô.
Các nhà khoa học khuyến cáo khi xuất hiện hiện tượng mù khô, người dân hạn chế tham gia giao thông; cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm. Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống. Hạn chế phơi áo quần, thực phẩm. Hạn chế sử dụng nước mưa.
|
Hiếu Nguyễn