Suối nguồn chữ

20/01/2016 - 07:39

PNO - Chữ là nơi bắt đầu cho mọi giấc mơ của một con người. “Sách là cả thế giới” cho mọi suối nguồn minh triết.

Khoảnh khắc phát hiện ra chiếc liềm có hình chữ “C” và đánh vần được chữ “Cờ ắt… cắt sắc cắt” khi đang cắt lúa ngoài đồng, khuôn mặt của Yến (trong phim Cuộc đời của Yến đang công chiếu, nhân vật do diễn viên Thúy Hằng đảm nhận) bừng sáng, rạng rỡ. Vẻ bừng sáng của một sự nhận diện, phát hiện và làm chủ được chữ - nguồn tri thức mà phải đến mấy mươi năm cuộc đời trải bao khổ đau, thăng trầm Yến mới chạm đến. Khoảnh khắc ấy đẹp đến duy mỹ.

Chữ - sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim đã được ĐD Đinh Tuấn Vũ chuyển tải nhẹ nhàng mà sâu sắc qua những số phận chìm nổi. Chữ được nâng niu từ giá sách tiền nhân cho đến đời con cháu. Chữ bay trong giấc mơ của Yến, thoát thai từ nỗi đau lặng câm của người phụ nữ cả đời chỉ nghĩ cho chồng con. Chữ cặm cụi run rẩy trong từng nét bút canh khuya và cũng là nguồn cơn cứu vãn cuộc hôn nhân đã ở bên bờ vực của Yến.

Suoi nguon chu
Ảnh: Khắc Hiếu

Cuộc đời của Yến vì không biết chữ mà đầy khổ ải, rồi cũng nhờ chữ mà thay đổi số phận. “Đừng đem mây mưa đánh đổi đá vàng” - từng chữ Yến buông ra không chỉ khiến Hạnh (người chồng đã thay lòng) mà còn khiến người xem lặng đi.

Mây mưa đánh đổi đá vàng/ Quá chiều nên đã chán chường yến anh. Cái thảng thốt của giá trị câu Kiều đại thi hào Nguyễn Du viết từ hàng trăm năm trước còn lắng sâu, rung động đến tận giờ.

Cái sững sờ khi một người mẹ, người vợ lam lũ cày sâu cuốc bẫm, dầu dãi nắng mưa chỉ đọc sách ngược, vậy mà đã biết mượn lời cổ nhân nói ra nỗi đau tận đáy lòng. Nước mắt, tình nghĩa vợ chồng, tình cha con không mang được người đàn ông ấy trở về, nhưng chỉ với mấy chữ ấy đã khiến mọi thành trì của lỗi lầm, dục vọng, lãng quên đổ xuống.

Chữ của Yến, của phim làm tôi nhớ câu nói của một người cha ở cánh đồng năm cũ: “Đời cha dốt nên cha nghèo, con phải ráng mà học để có cái chữ, nghe con!”. Cũng vì “cái chữ” này mà dọc dải đất hình chữ S, đã có bao nhiêu đấng sinh thành cho dù gian khó cơ khổ đến như thế nào, vẫn gồng vai nuôi các con ăn học. Cha mẹ gánh giấc mơ con đi qua áo nâu, tóc bạc, bữa cơm chan mồ hôi rơi vẫn cười rạng rỡ trước niềm vui giảng đường, hạnh phúc thành đạt của con.

Tôi nhớ anh chị em tôi cũng đã từng mang giấc mơ này, nhớ những đêm đèn dầu leo lét học bài, nghe con ễnh ương kêu oàm oạp ngoài ao. Nhớ đôi chân trần năm tháng lội sình lầy hàng cây số mùa mưa để đến trường. Nhớ những bát cơm nguội đỡ lòng, những chiều bé thơ ôm sách ngồi ngoài triền đê mơ mãi về chân trời. Biết bao thế hệ của đất nước đã lớn lên như vậy…

Còn gì an nhiên hơn khi được cùng nhau ngồi bên góc quán cà phê một sáng cuối tuần đắm mình vào những trang sách, chia sẻ cùng nhau những điều đẹp đẽ nhất về từ những giá trị kết tinh.

Chữ minh triết. Chữ thánh thiện. Chữ nghĩa nhân. Chữ cứu rỗi. Cũng chính thế mà biết bao người khi chạm được vào giấc mơ đã cùng trở về chung tay sẻ chia với những cuộc đời còn đang chòng chành trên thuyền chữ.

Như nhà thơ Đoàn Thạch Biền và nhà văn Nguyễn Đông Thức nhiều năm tháng qua đã tận tụy chở sách đến cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Như anh Nguyễn Quang Thạch xuyên Việt mang sách cho trẻ nghèo. Rồi những chuyến tàu kể chuyện, tủ sách di động, thư viện cho trường, góp sách cho con em công nhân… Con trẻ được bắt đầu thói quen đọc, biết trân quý sách rồi từ đó mà nuôi dưỡng ước mơ.

Chữ là nơi bắt đầu cho mọi giấc mơ của một con người. “Sách là cả thế giới” cho mọi suối nguồn minh triết. Tôi hay hình dung đâu đó ở những làng quê yên ả, có những đứa trẻ tóc cháy ôm sách ngồi đọc ngoài đống rơm, trong võng đưa hay thậm chí là vắt vẻo trên cây me, cây ổi; đâu đó trên những cung đường, người ta giết thời gian bằng… sách; đâu đó trong những phần người ngả nghiêng lầm lạc, chữ là khai tâm; đâu đó trong những phần đời bạc đen thế thái nhân tình, chữ là nghĩa nhân cứu rỗi…

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI