|
Mỗi hộ dân được hỗ trợ khoảng 30-100 lít nước sạch. Dụng cụ đựng nước phải được chà rửa sạch sẽ mới được hỗ trợ. |
Sau trận mưa cuối cùng vào khoảng tháng 11/2023 đến cuối tháng 3/2024 - khoảng 4 tháng sau - huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng không một đợt mưa. Nền nhiệt độ dao động từ 33-390C cùng thời điểm hàng chục ngàn cây sầu riêng đang ra hoa, kết quả. Để hỗ trợ cây, người làm vườn phải tưới càng nhiều nước càng tốt, khiến tình trạng cạn nước ngày càng lan rộng.
Các ao dùng để chứa nước tưới dần trơ đáy, những mạch nước nhỏ trên mặt đất dần biến mất, những con suối lớn nhỏ dần cạn kiệt. Người làm vườn, cố gắng tăng lượng nước bằng các biện pháp như khoan giếng, kéo nước từ suối, thì nước càng thiếu… Từ tháng 3, chính quyền địa phương liên tục đưa ra cảnh báo liên quan đến hạn hán, kêu gọi tiết kiệm tối đa lượng nước tưới và hay nước sinh hoạt. Đến đầu tháng 4, thời tiết tiếp tục khô hạn, nhiệt độ tiếp tục tăng cao và... con suối lớn nhất nhì thị trấn cũng trơ đáy.
|
Xe hỗ trợ nước sạch cung cấp nước cho người dân từ 7g - 21g |
Rồi thay vì cấp nước cả ngày, hệ thống bắt đầu cấp nước không cố định mỗi ngày khoảng 1 - 3 tiếng. Để có nước sạch sử dụng, người dân nơi đây luôn phải trong tư thế sẵn sàng để trữ nước. Ai vì kẹt công việc, không kịp hứng được nước sạch thì phải mang thùng, xô sang những nhà gần đó, xin nước giếng khoan về dùng tạm. Gặp phải tình trạng nước nhiễm phèn nặng, người dân chỉ còn cách gọi điện thoại cầu cứu bạn bè hay người thân ở xa hơn.
Chị Huỳnh Hằng (TDP 4, thị trấn Đạ M'ri) chia sẻ: "Sau hơn 40 năm sống ở thị trấn, một ca nước, tôi phải sử dụng ba lần là vo gạo, rửa rau mới tạt toilet. Cứ như đang ở một đảo hoang nào đó chứ không phải đất liền, càng không phải là đang ở dọc quốc lộ khiến tôi dần rơi vào hoang mang". Chị Hằng kể thêm nhà chỉ có ba mẹ con, hai bé còn nhỏ, việc canh nước, hứng nước đều do mình chị phụ trách nên mọi công việc khác của chị gần như bị ngưng trệ.
|
Hàng ngày, người dân phải mang xô ra hứng nước về xài |
Ngày 17/4, các tổ trưởng dân phố cầm loa chạy xe máy đến từng con hẻm thông báo việc sẽ có xe chở nước đến tận nhà, mọi người chuẩn bị dụng cụ đựng nước, đặt trước cổng, xe đi ngang đổ nước vào dụng cụ.
Sau thông báo, trên vỉa hè dọc quốc lộ 20, trong các con hẻm lớn nhỏ, trước cửa mỗi nhà đều huy động mọi vật dụng có thể chứa nước từ xô, thau, thùng đựng gạo. Nhu cầu nhiều, nhưng xe được điều động không nhiều, mọi người chuẩn bị xô, can... từ sáng.
|
Ông Nguyễn Hữu Tuấn (áo trắng sọc vuông) đang hỗ trợ và giám sát quá cung cấp nước sạch tại hẻm 213 Lê Lợi, thị trấn Đạ M'ri chiều 17/4. |
Chị Lê .T. Phượng (thị trấn Đạ M'ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng) cho biết chị về đây làm dâu hơn 30 năm, lần đầu thấy cảnh như vầy. "Thường từ sau tết đến tháng 4, ở đây không có mưa, nước có thiếu song vẫn dùng túc tắc. Đây là lần đầu tiên phải chuẩn bị xô, can đi xin nước hay chờ xe của nhà nước hỗ trợ".
Chia sẻ với phóng viên của Báo Phụ Nữ TPHCM vào chiều 17/4, về các chuyến xe cấp nước, ông Lê Hữu Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Xây dựng và công trình Công cộng huyện Đạ Huoai - cho biết: "Chúng tôi kết hợp với thị trấn Đạ M'ri cung cấp cho người dân khoảng 100-120 lít nước mỗi ngày đến khi nhà máy hoạt động trở lại".
Ông Tuấn cho biết thêm: "Hiện nhà máy nước Đạ Huoai đã làm việc với nguồn nước từ TP Bảo Lộc để dẫn nước từ TP Bảo Lộc về. Nước đang cung cấp cho người dân cũng là nước được xử lý sau khi dẫn về từ TP Bảo Lộc".
|
Cây sầu riêng khoảng 10 năm tuổi chết khô trên Facebook của người dân thuộc thị trấn Đạ M'ri. |
|
Văn bản được gửi đến người dân vào tối ngày 17/4 |
Theo thông tin mới nhất, 16g chiều 18/4, hệ thống cung cấp nước sạch sẽ hoạt động trở lại và sẽ cung cấp nước theo khung giờ, nhánh nước quy định. Song, theo dự báo, khoảng 2 tuần tới, nhiệt độ tại khu vực này vẫn cao, vẫn khó có mưa. Nếu vậy, thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.
Huỳnh Hằng