Sừng tê giác bị tiêm thuốc độc, sao không tổ chức nào cảnh báo?

02/08/2019 - 10:24

PNO - Từ năm 2010, Ed Hern đã nảy ra 'sáng kiến' tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để giết chết hoặc làm cho mắc bệnh nặng với người dùng sừng tê giác.

Câu chuyện cậu bé 22 tháng tuổi ở TP.HCM bị ngộ độc sau khi uống bột được mài từ sừng tê giác khiến tôi phải lần giở lại thông tin từng xuất hiện trên hàng loạt báo cách đây 4 năm.

Sừng tê giác đã bị tiêm thuốc độc trong 10 năm

Năm 2015, hàng loạt tờ báo tiếng Việt đưa thông tin về việc các tổ chức bảo vệ tê giác ở Nam Phi tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để làm nản lòng bọn săn bắn trộm.

Cho rằng sừng tê giác bị tiêm thuốc độc là thông tin nhạy cảm, các tổ chức bảo vệ môi trường hoạt động tại Việt Nam đã bỏ qua cảnh báo này trong các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã.

Vài tháng trước, thông tin này được nhắc lại một lần nữa. Theo bản tin ngày 16/5/2019 của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại thành phố Pretonia (Nam Phi), một tổ chức bảo vệ tê giác ở Nam Phi đã tiêm thuốc độc vào 700 con tê giác ở tỉnh Limpopo để ngăn chặn bọn săn bắn trộm tê giác.

Thử truy cập vào các website của các tổ chức bảo vệ tê giác, có vẻ như họ không hề giấu diếm về phương thức bảo vệ tê giác có một không hai này.

Sung te giac bi tiem thuoc doc, sao khong to chuc nao canh bao?
Hình ảnh trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về cách tiêm thuốc độc vào sừng tê giác ở Nam Phi

Thông tin sớm nhất về phương thức tiêm thuốc độc vào sừng tê giác được tìm thấy trên website của tổ chức Save the Rhino.

Ngày 2/5/2012, bài viết Poisoning rhino horns trên website www.savetherhino.org cho hay, sáng kiến tiêm chất độc vào sừng tê giác được thực hiện đầu tiên vào năm 2010, do Ed Hern - chủ sở hữu của khu bảo tồn tê giác và sư tử gần thành phố Johannesburg, Nam Phi. Khi đó, Ed Hern tuyên bố, mục đích của việc này là để giết chết hoặc làm cho mắc bệnh nặng với người dùng sừng tê giác.

Sau đó, một tổ chức bảo vệ tê giác khác ở Nam Phi là Rhino Rescue Project (RRP) từ năm 2011 đã áp dụng tiêm thuốc độc cho rất nhiều tê giác.

Trên website https://rhinorescueproject.org của mình,tổ chức Rhino Rescue Project (RRP) không ngần ngại thừa nhận họ đã tiêm vào sừng tê giác 2 chất là ectoparasiticides và thuốc nhuộm. Ectoparasiticides là loại thuốc trị ký sinh trùng trên động vật và theo tổ chức RRP, chất độc này an toàn với tê giác nhưng có thể khiến con người bị nôn mửa, co giật.

Sung te giac bi tiem thuoc doc, sao khong to chuc nao canh bao?
Ảnh chụp màn hình bài viết của tổ chức Save the Rhino năm 2012 miêu tả cách tiêm thuốc độc vào sừng tê giác, sau khi khoan một lỗ trên chiếc sừng

Hóa chất thứ hai được tiêm vào sừng tê giác là thuốc nhuộm không phai màu (indelible dye) với mục đích làm bẩn sừng tê giác.

Tuy vậy, những thông tin y học đã chỉ ra, chính thuốc nhuộm mới là chất có thể dẫn cái chết đến với con người khi đẩy họ rơi vào tình trạng tăng methemoglobin trong máu.

Ông Nguyễn Trần Tùng - Giám đốc truyền thông Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - cho biết, Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc. Giá sừng tê giác từ khoảng 65.000 USD/kg sừng tê đã giảm xuống khoảng 22.000 USD/kg trong 3 năm gần đây vì có nhiều chiến dịch tuyên truyền đến với người dân.

Người Việt Nam mua sừng tê giác vì nghĩ có thể chữa được bệnh ung thư, để tăng cường sinh lý nam. Người có địa vị, tiền bạc mua sừng tê giác để giải rượu hoặc chỉ để trưng bày cho đẹp và để chứng tỏ vị trí bản thân trong xã hội. Đến nay, chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị các căn bệnh nói trên cũng như có tác dụng nâng cao sức khỏe.

Thuốc nhuộm dẫn đến ngộ độc methemoglobin

Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc của Bộ Y tế ban hành ngày 31/8/2015 đã dành hẳn một chương cho ngộ độc methemoglobin (MetHb), cho thấy sự nguy hiểm của tình trạng ngộ độc này. 

Theo tài liệu trên, thuốc nhuộm là một trong những chất có khả năng tạo MetHb: “Ngộ độc anilin có thể xảy ra khi chất này rơi trên da hoặc hít phải hơi anilin trong sản xuất chất tạo màu, thuốc nhuộm, sơn, nhựa tổng hợp…”.

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ TP.HCM, một số bác sĩ về hồi sức cấp cứu chuyên khoa nhi đều khẳng định, ngộ độc thuốc nhuộm có thể dẫn đến tử vong vì suy hô hấp nếu không kịp đưa đến bệnh viện. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, từng là Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - giải thích: “Thuốc nhuộm chính là chất anilin có gốc benzen, gây oxy hóa rất mạnh. Tôi đã từng cứu sống một em bé bị ngộ độc thuốc nhuộm khi mẹ mua về để nhuộm quần áo. Với nồng độ đậm đặc (trên 50%), gần như không kịp đưa đi cấp cứu. Với nồng độ này, chỉ 1-2 muỗng là đã rơi vào nguy kịch. Với nồng độ đậm đặc khoảng 20-30%, có thể cứu kịp do cơ thể còn oxy hòa tan để sử dụng”.

Sung te giac bi tiem thuoc doc, sao khong to chuc nao canh bao?
Tổ chức Rhino Rescue Project (RRP) cảnh báo các triệu chứng như nôn ói, co giật nếu con người nuốt phải chất độc có trong sừng tê giác

Tất nhiên, với cái nhìn khoa học, các bác sĩ đều ngần ngại khi khẳng định về thuốc nhuộm trong bột tê giác mà bé D. uống là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc methemoglobin của em.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho rằng, chỉ có thể tìm ra chất độc trong cơ thể của bé D. là chất gì, mới biết chính xác nguyên nhân, nhưng việc tìm ra chất độc có trong cơ thể cậu bé đã không được thực hiện do điều này không cần thiết, nhất là khi đã xác định chắc chắn bệnh nhi bị ngộ độc methemoglobin. Với các bác sĩ, điều quan trọng nhất chính là làm sao kịp thời cứu sống bệnh nhi.

Tuy vậy, với hai chất độc là ectoparasiticides và thuốc nhuộm có trong sừng tê giác, rõ ràng, không thể loại trừ nguy cơ tử vong nếu con người uống phải bột mài từ sừng tê giác.

Sung te giac bi tiem thuoc doc, sao khong to chuc nao canh bao?
Tiêm chất độc vào sừng tê giác Ảnh: Tổ chức RRP

Các tổ chức bảo vệ thiên nhiên nổi tiếng như Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên World Wide Fund For Nature (WWF), Cứu trợ hoang dã WildAid đều có website bằng tiếng Việt.

Tác giả bài này đã tìm kiếm nhưng hoàn toàn không tìm thấy các thông tin cảnh báo về sự nguy hiểm khi uống phải sừng tê giác bị nhiễm độc trên các website tiếng Việt của các tổ chức này.

Một nhân viên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho hay, trong nhiều năm qua, ông và đồng nghiệp đều biết thông tin về sừng tê giác bị tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, do đây là một chiến dịch bảo vệ tê giác gây nhiều tranh cãi và có phần nhạy cảm nên trong các chiến dịch truyền thông bảo vệ tê giác tại Việt Nam, thông tin này đều không được nhắc đến.

Nhiều ý kiến đã cũng bày tỏ sự hoài nghi về phương thức tiêm thuốc độc để bảo vệ tê giác với lập luận mục tiêu của các thợ săn là làm sao có được và bán được sừng tê giác. Do đó, ngay cả khi biết được tê giác đó đã bị tiêm thuốc độc vào sừng, họ vẫn săn bắn tê giác để lấy sừng.

Sung te giac bi tiem thuoc doc, sao khong to chuc nao canh bao?
Tiêm chất độc vào sừng tê giác. Ảnh: Tổ chức RRP

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ TP.HCM vào sáng 2/8, một nhân viên truyền thông của tổ chức WWF Việt Nam cho biết, sở dĩ không đề cập nhiều đến phương thức tiêm thuốc độc vào sừng tê giác trong các chiến dịch truyền thông chính thức vì đây là chiến dịch của một tổ chức khác.

Nếu truyền thông, sẽ khiến người dân nghĩ rằng đây là chiến dịch của WWF. Người này cho biết, dù có tiêm thuốc độc nhưng chỉ tiêm một số lượng nhất định chứ không thể tiêm hết cho toàn bộ số tê giác ở châu Phi.

Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về lượng sừng tê giác trung chuyển và tiêu thụ.  Nhưng người Việt Nam đã không được các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lên tiếng cảnh báo về chuyện tiêm thuốc độc vào sừng tê giác.

Nếu thật sự cậu bé 22 tháng tuổi rơi vào nguy kịch do chất độc có trong sừng tê giác nhiễm độc, đã đến lúc người Việt phải tự lên tiếng bảo nhau về độc dược trong sừng tê giác và ngưng dùng thay vì ảo tưởng về thần dược có trong nó.  

Trái Đất chỉ còn khoảng 28.000 con tê giác với một số loài gần tuyệt chủng (Javan và Sumatran). Nam Phi có khoảng 20.000 con tê giác trắng phương Nam nhưng khoảng 1.000 con bị giết mỗi năm do sừng của chúng. Theo Bộ Môi trường Nam Phi, 769 cá thể tê giác đã bị săn trộm tại quốc gia này trong năm 2018, giảm 25% so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2012, số lượng tê giác bị săn trộm trong một năm giảm xuống dưới 1.000 cá thể.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI