Sưng phù hai chân do tắc huyết khối tĩnh mạch

13/12/2022 - 06:30

PNO - Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch chi là sự tắc nghẽn các dòng máu tĩnh mạch tay, chân. Lượng máu bị ứ đọng ở tĩnh mạch tay, chân càng lớn thì tình trạng căng cứng, phù nề càng cao.

2 năm trước, tôi bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch phải phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ chỉ định tôi phải uống thuốc kháng đông để ngừa tái phát. Uống thuốc được hơn 1 năm, tôi hay bị chóng mặt, nôn ói nên tự ngưng thuốc. Gần đây, tôi bị sưng phù hai chân, cảm giác căng cứng nếu nằm lâu. Tôi có bị tái phát bệnh hay không và uống lại thuốc cũ được không?

Phan Văn Tuấn (52 tuổi, ở quận 5, TPHCM)

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đức Chỉnh - Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - trả lời: Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch chi là sự tắc nghẽn các dòng máu tĩnh mạch tay, chân. Lượng máu bị ứ đọng ở tĩnh mạch tay, chân càng lớn thì tình trạng căng cứng, phù nề càng cao. Về lâu dài gây ra rối loạn chuyển hóa tại chỗ, loạn dưỡng, từ đó hình thành các vết lở loét. 

Khoảng 50% người bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch tiến triển sang hội chứng hậu huyết khối, 10% bị loét mạch. Nếu không được khám và điều trị sớm, nguy cơ bội nhiễm cao, thậm chí viêm mô tế bào lan rộng, hoại tử chân, nặng hơn có thể phải cắt bỏ phần hoại tử…

Về điều trị, tùy mức độ bệnh, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống, dùng phương pháp điều trị hỗ trợ như vớ áp lực, băng ép, tăng cường vận động… hoặc sử dụng thuốc kháng đông, nếu quá nặng sẽ phải phẫu thuật. 

Trường hợp của anh đã được chẩn đoán thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở chân, đã điều trị ổn định nhưng lại tự ý ngưng thuốc nên có thể anh đã bị tái phát bệnh. Tuy nhiên, anh không nên sử dụng lại thuốc trước đây, mà hãy đi khám lại để bác sĩ xác định mức độ bệnh và dùng thuốc phù hợp. Về vấn đề nghi ngờ uống thuốc bị chóng mặt, nôn ói hay bất kỳ vấn đề khác, anh phải báo ngay với bác sĩ để tìm nguyên nhân. Không nên tự ý ngưng thuốc hay thay thế bằng thuốc khác.

Phạm An (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI