Sung muối ngày đông

09/12/2021 - 07:04

PNO - Sung muối dễ làm, phần vì nhanh được ăn, hương vị hấp dẫn. Ăn sung muối trong những ngày đông giá lạnh cũng thú vị lắm.

Đã qua rồi thời khó khăn, thế nhưng ba mẹ tôi vẫn giữ cây sung bên bờ ao nhà. Để rồi cứ mỗi lần đi xa trở về, tôi lại tìm đến bên gốc sung già ngồi tựa lưng, ngắm những chùm quả căng tròn bám đầy thân và cành. Dưới gốc sung, tôi còn được nghe mẹ kể chuyện xưa: chuyện gia đình, chuyện cây sung và chờ đón ăn món sung muối.

Ba tôi bảo, cây sung được xếp vào bộ “tứ linh” (cây đa, cây sung, cây sanh, cây si) và “tam đa” (cây sung, cây lộc vừng, cây vạn tuế) là vì sung tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy; cho sự may mắn, phát đạt. Cây cho bóng mát, làm cảnh; lá sung làm thuốc; quả thường được bày trên mâm ngũ quả ngày tết… Cây sung “gợi sướng, gợi may”, vin vào câu nói ấy nên ở quê tôi ngày xưa, nhà nào cũng trồng ít nhất một cây sung trong vườn, những mong gia đình mình sẽ luôn được sum vầy, ấm no, hạnh phúc.

Khi mẹ làm những món ăn từ quả sung: nào sung nộm chua ngọt, sung om lươn, sung kho cá thịt, sung muối… tôi còn vỡ lẽ rằng, cây sung còn là món cứu đói với người dân quê nghèo. 

Sung là loại cây dễ trồng, dễ sống và thường cho trái vào gần cuối năm. Mỗi lần muốn chế biến một món ăn nào đó từ sung, bố tôi chỉ cần đứng dưới gốc cây dùng sào có móc đưa lên hái, loáng cái là có cả một rổ sung đầy. Bố bảo, cây sung nhà tôi được ông nội xin về trồng thuộc giống sung nếp.

Bố còn “bật mí”, quả sung nếp có phần núm lõm, ruột bên trong màu hồng. Những món ăn từ sung nếp, món nào cũng ngọt, cũng giòn và thơm ngon, trong đó, tôi thích nhất món sung muối. Phần vì sung muối dễ làm, phần vì nhanh được ăn, hương vị hấp dẫn. Ăn sung muối trong những ngày đông giá lạnh cũng thú vị lắm.

Sung vừa hái xuống, mẹ tôi chọn những quả tròn đều, non, mềm, núm lõm, không bị bầm dập, khi muối sẽ giòn, ngon và ít chát. Để sung muối nhanh “ngấu” và ngon, đầu tiên, mẹ cắt bỏ phần cuống, bổ đôi quả sung rồi ngâm vào nước muối để loại bỏ bụi bẩn và nhựa. Sau đó mẹ vớt ra, rửa lại, để ráo. Các gia vị dùng để muối sung gồm: tỏi, ớt, sả, riềng, giấm… được mẹ chuẩn bị sẵn sàng.

Mẹ lấy một lượng nước vừa đủ cho vào nồi, sau đó thêm muối và đường (tùy thuộc vào khẩu vị ăn nhạt hay mặn của gia đình) rồi khuấy đều. Nồi nước được đun một lúc, mẹ bỏ chút giấm gạo vào để sung nhanh chua và thơm hơn rồi tắt bếp. Để muối sung, mẹ chuẩn bị vại sành miệng rộng, đáy hơi sâu. Mẹ xếp lần lượt từng lớp sung rồi rải lên lớp tỏi, riềng, ớt. Sau đó, mẹ đổ dung dịch nước muối đường còn ấm vào vại, lấy tấm vỉ tròn bằng tre đặt lên trên, dùng cối đá nhỏ đã rửa sạch đè xuống mặt vỉ, nén chặt sung. Cuối cùng, mẹ đậy nắp và đặt vại sung muối ở nơi thoáng mát. 

Chờ hai đến ba ngày sau, mẹ mở nắp vại kiểm tra. Khi thấy những miếng sung chuyển màu vàng tươi, mùi chua chua, thơm dịu bốc lên nghĩa là sung đã ăn được. Mẹ tôi bảo, sung muối chua giòn, chát chát, sẽ ngon hơn khi ăn kèm với các món tôm, cá, thịt gà, thịt heo, ốc luộc, nem… Nhưng tròn vị, hợp nhất là ăn kèm với món mắm tép có thêm tóp mỡ, hành phi và gừng.

Khác với dưa muối, món sung muối bảo quản được rất lâu. Vào mùa đông lạnh, sau những buổi đi học, đi làm đồng về, ngồi bên mâm cơm gia đình, ăn cơm nóng với món sung muối chấm mắm tép đồng chính tay mẹ làm, bao nhiêu cũng chẳng thấy no.

Những ngày cuối năm, cây sung bên ao nhà đang mùa rộ quả. Mẹ gọi lên phố hỏi thăm sức khỏe, công việc của tôi và không quên báo tin: “Cây sung nhà mình năm nay sai quả lắm!”. Nghe thế, tôi lại háo hức thèm món sung muối ăn với mắm tép. 

Thu Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI