Sùng A Lùng: Bi kịch đời tôi trong 'Ru đêm'

23/07/2017 - 20:24

PNO - Được đánh giá là một viên ngọc quý trong lĩnh vực múa đương đại, Sùng A Lùng đã chinh phục được khán giả bằng tài năng và niềm đam mê mãnh liệt...

Được đánh giá là một viên ngọc quý trong lĩnh vực múa đương đại, Sùng A Lùng đã chinh phục được khán giả bằng tài năng và niềm đam mê mãnh liệt.

Sinh năm 1993, người dân tộc H’mông, Sùng A Lùng tốt nghiệp Trường văn hóa nghệ thuật Quân đội, từng là diễn viên của Đoàn ca múa nhạc đương đại Việt Nam. Hiện nghệ sĩ Sùng A Lùng là diễn viên của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM.

Lớn lên tại một ngôi làng hẻo lánh thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đến với sân khấu múa TP.HCM chỉ mới hơn ba năm, nhưng Sùng A Lùng đã gây ấn tượng mạnh qua các vở Mái nhà, Đi qua tình yêu và mới đây là Ru đêm, vừa trình diễn lại tại TP.HCM.

Tôi không gọi Sùng A Lùng là “anh chàng”, bởi sâu thẳm trong Lùng là nỗi khát khao được trở thành phụ nữ. Không chỉ là diễn viên múa, Lùng còn tham gia trình diễn thời trang, làm mẫu ảnh…

Sung A Lung: Bi kich doi toi trong 'Ru dem'

Sùng A Lùng dám sống thật với bản thân

Dấu ấn

* Khán giả TP.HCM biết đến diễn viên múa Sùng A Lùng qua những cồn cào trăn trở bật lên trong Mái nhà (biên đạo - BĐ người Bỉ gốc Việt Bùi Ngọc Quân, năm 2016), sau đó là những vật vã muốn là chính mình trong Đi qua tình yêu (BĐ Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng, 2016), giờ là nỗi khao khát rất người với Ru đêm (2017). Có phải đó là một tiến trình bạn bộc lộ bản thể, sống thật với chính mình? 

- Thật ra, với cả ba vở diễn này tôi đều được là chính mình vì đều vào vai người đồng tính. Với Mái nhà, tôi là một phát hiện của BĐ Bùi Ngọc Quân. Khi được hai BĐ Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng tin tưởng giao vai trong Đi qua tình yêu, tôi phải cố gắng yêu một người con gái, đối mặt với những định kiến xã hội, thể hiện sự giằng xé nội tâm qua những giận hờn, đau đớn, khổ sở.

Ru đêm vốn là một tác phẩm nhỏ có thời lượng 8 phút của tôi, đã đoạt HCV tại cuộc thi Biên đạo trẻ toàn quốc tháng 7/2016. Sau đó, hai BĐ Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng rất thích thú với ý tưởng trong vở của tôi và nhóm chúng tôi bắt tay xây dựng thành một vở diễn hoàn chỉnh thời lượng 60 phút. Ý tưởng cốt lõi của vở vẫn là khao khát được làm người nữ, làm mẹ, những ước mơ rất con người. Trong Ru đêm tôi múa cùng các diễn viên Phan Thái Bình và Phan Tiểu Ly. 

Sung A Lung: Bi kich doi toi trong 'Ru dem'

Giấc mơ về một gia đình trong bộ ảnh Daydreamers - Những gã mộng mơ

* Sau đêm diễn đầu tiên 17/6/2017, bạn có cảm giác thế nào về sự khác biệt khi vở diễn từ một tác phẩm nhỏ chuyển thành một vở múa hoàn chỉnh? 

- Lần trước, dù đoạt HCV nhưng cảm xúc của tôi chỉ mờ nhạt, không sâu. Giờ với một vở hoàn chỉnh, tôi thấy mình được là chính mình, thực sự thăng hoa. 

Bi kịch trong vở cũng chính là cuộc đời tôi - là cuộc chiến không ngừng nghỉ từng ngày, từng đêm trong lòng những người gánh trên vai một thân phận không bình thường, mọi tiêu chuẩn đều bị phá vỡ, không có điểm tựa nào cho lẽ sống. Nhưng đã là khát vọng thì dù bị đáp trả bằng muôn vàn đớn đau, chúng tôi vẫn không bao giờ từ bỏ. 

Tôi muốn đưa người xem bước vào thế giới nội tâm của một tâm hồn khác với người bình thường, gạt bỏ những quy chiếu thông thường, khám phá và chấp nhận những logic mới, cũng là chấp nhận sự đa dạng của đời sống con người. Tôi muốn công khai giới tính của mình, nói lên góc khuất cay đắng của những người cùng cảnh ngộ để chạm vào xúc cảm của khán giả. 

Khát vọng giới tính được các BĐ đẩy lên thành giấc mơ mẫu tử thiêng liêng, ngọt ngào. Tình yêu đồng giới được đặt cạnh tình yêu nam nữ với những đối chọi, thách thức, chiêm nghiệm… 

* Chất xúc tác từ những vần thơ đương đại của nhà thơ trẻ Chinh Ba đã khiến vở diễn trở nên rất khác lạ, góp phần cho sự thăng hoa của nghệ sĩ, nhưng bạn và ê-kíp có lo khán giả không cảm được thơ đương đại?

- Ngôn ngữ múa chắc chắn cũng không phải dễ hiểu với nhiều khán giả. Nhưng, khi tất cả nằm trong tổng hòa của múa, âm nhạc, ánh sáng, thơ… tôi tin khán giả có thể tự do cảm nhận nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật, nhiều khi cũng chỉ có thể cảm nhận chứ không thể giải thích, nên chúng tôi không lo vấn đề đó. 

Sung A Lung: Bi kich doi toi trong 'Ru dem'

Sùng A Lùng và bạn diễn Phan Tiểu Ly trong Ru đêm

* Vì sao thơ Chinh Ba lại trở thành một phần của Ru đêm

- Trước khi tham gia vở diễn này, Chinh Ba là một khán giả trung thành của các vở múa tại Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Anh có thời gian dài sống ở TP.HCM trước khi chọn Hội An để cư trú như hiện tại. Một ngày, anh em chúng tôi gặp nhau, kết hợp thơ đương đại với múa đương đại. Mỗi lần trình diễn, Chinh Ba phải bay từ Hội An vào TP.HCM. Chúng tôi đã mất khá nhiều công sức để tập cho Chinh Ba một số vũ đạo cần thiết. Chinh Ba học rất nhanh, xuất hiện trong vở diễn rất hợp lý. 

Sống thật và yêu 

* Trong Ru đêm, khán giả được nghe giọng hát rất đặc biệt của Sùng A Lùng. Bạn học từ đâu những bài dân ca đó? 

- Tôi học từ bố tôi. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài dân ca dân tộc H’mông. Tôi rất mê và tự hào về di sản văn hóa dân gian của dân tộc mình. Bố tôi không hoạt động nghệ thuật nhưng cuộc sống của bố mẹ tôi lại rất nghệ sĩ. Bố tôi biết thổi sáo, chơi đàn nhị, đàn môi, kèn lá và hát rất hay. Mẹ tôi cũng chơi được đàn môi, kèn lá và cũng hát tốt. 

Ngày xưa, người H’mông thường hát đối đáp trong lúc lao động và giải trí, ca từ ngẫu hứng sáng tác trên giai điệu có sẵn. Mùa tết, cứ vừa làm vừa hát đối đáp cả ngày. Giờ chuyện đó đã không còn nữa, ngay như trong gia đình tôi, các em tôi đều không biết hát. 

Sung A Lung: Bi kich doi toi trong 'Ru dem'

* Sở hữu một giọng hát rất đặc biệt, cao như giọng nữ, ẩn chứa cả nỗi đau, khao khát, đam mê, bạn có định sẽ chuyển sang đi hát?  

- Hiện tôi chỉ muốn múa. Mọi người thích nghe dân ca của dân tộc H’mông là tôi thấy vui lắm rồi. Ngay cả đi thi, tôi cũng sẽ chỉ dự các cuộc thi về múa của các hội nghệ sĩ chuyên nghiệp, chứ không tham gia các cuộc thi trên truyền hình. Nổi tiếng theo kiểu “bong bóng” là điều tôi không quan tâm. Tôi muốn sống một cuộc sống bình thường như mọi người và được múa. 

Làm người nổi tiếng mà ra đường phải bịt khẩu trang, không đi đứng bình thường được, không thể ngồi quán vỉa hè ăn uống thoải mái thì tôi không muốn. Tôi không muốn bất kỳ điều gì ngăn cản những ý thích của mình, đặc biệt là nếu điều đó lại liên quan đến múa. 

* Hình như có một công ty đào tạo nghệ sĩ giải trí mời bạn hợp tác nhưng bạn đã từ chối vì rắc rối về giới tính? Vậy tại sao mới đây bạn lại công khai giới tính qua bộ ảnh Daydreamers - Những gã mộng mơ của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi và thẳng thắn chia sẻ về bản thân trong tư cách một người đồng tính? 

- Tôi đến gặp họ với mong muốn có một công việc ổn định và được múa, nhưng vừa nói chuyện thì một ông còn già hơn cả bố tôi đã vồ lấy tay tôi, đặt thẳng vấn đề: “Nếu ngủ với anh thì em sẽ nổi tiếng”. Tôi không chấp nhận được điều đó. Dù có phải ăn mày tôi cũng không đánh đổi như vậy. Tôi nghĩ, mình cần sống thật với chính mình và làm việc hết mình với múa. Nếu tôi có thể thành công trong nghệ thuật, thì dù tôi là ai, đồng tính hay không gia đình tôi sẽ vẫn tự hào về tôi. 

Bộ ảnh Daydreamers - Những gã mộng mơ có thể là chủ đề nhạy cảm với một số người, nhưng với tôi thì không. Daydreamers là nơi mình muốn được sống trong đó, dù chỉ một lần. Sau khi xem lại bộ ảnh của anh Tâm Bùi, tôi đã nói với anh: “Anh ạ, đôi khi em thấy ghen tị với nhân vật của mình vì em không được như thế”. Nhân vật trong bộ ảnh có nội tâm giống tôi, nhưng cuộc sống thì thật hoàn hảo và đáng mơ ước. 

Sung A Lung: Bi kich doi toi trong 'Ru dem'

* Có nghĩa là Sùng A Lùng thật sự mơ ước một căn nhà nhỏ, nơi có hai người luôn nắm tay nhau, cùng chia sẻ vui buồn và sẽ nuôi lớn một đứa trẻ? 

- Đúng vậy. Tôi vẫn luôn biết mình chỉ có thể yêu được những người đàn ông. Nếu chúng tôi không sinh con được theo cách tự nhiên thì có thể xin một đứa bé để chia sẻ cho nó một mái nhà, hoặc thuê người sinh hộ, thế nào cũng được, không quá quan trọng. 

Ngay cả với vai trò là một người vợ, cần một “người chồng” để nương tựa, hoặc ai là vợ ai là chồng, tôi nghĩ cũng không cần phải nặng nề phân biệt. Chỉ là khi có thêm một đứa con chắc chắn sẽ khó khăn, vất vả hơn nhiều, nhưng tôi nghĩ mọi thứ sẽ dần đi vào khuôn khổ của một gia đình. Có thể nó cũng giống như hai vợ chồng hiếm muộn phải xin con nuôi thôi. 

Nếu có con, tôi sẽ đặt mình vào vị trí của một người mẹ, chồng tôi cũng phải hiểu rõ anh ấy đã là một người cha. Cả hai phải cùng có trách nhiệm với đứa con của mình. Tất nhiên, có thể khi đứa bé lớn lên nó sẽ nhận ra sự khác biệt của gia đình, nhưng tôi nghĩ con tôi sẽ không thắc mắc tại sao hai người này lại nuôi nó. Tôi tin con hiểu việc nó được lớn lên trong một gia đình tràn đầy tình yêu là đã quá đủ. Không ai lại chối bỏ gia đình mình!

Hoà Bình (thực hiện)
Ảnh: Theron Nguyen, Tâm Bùi,
Trần Hoàng Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI