Sultan Yogyakarta: Cuộc cách mạng nữ quyền thay đổi vương quốc cổ kính

03/06/2018 - 06:00

PNO - Sultan (quốc vương) của Yogyakarta nắm giữ vị trí chính trị và tinh thần mạnh mẽ trên đảo Java, Indonesia. Và hiện tại, ngài đang khéo léo biến công chúa cả trở thành người kế vị.

Giữa khu cung điện nguy nga, Wedono Bimo Guritno – một trong gần 1.500 thành viên hoàng tộc với con dao găm Java thiêng liêng giấu dưới sarong – nói:

“Từ thế hệ này qua thế hệ khác, các vị sultan trị vì Yogyakarta luôn biết cách thích nghi với sự thay đổi của thời đại.

Trong quá khứ, việc chọn một hoàng tử kế vị không gặp nhiều khó khăn vì sultan có nhiều hơn một vợ. Nhưng bạn biết đấy, phụ nữ mới nắm quyền lực thực sự trong các gia đình người Java”.

Sultan Yogyakarta: Cuoc cach mang nu quyen thay doi vuong quoc co kinh
Gusti Kanjeng Ratu Hayu: "Tôi được nuôi dạy bình đẳng với đàn ông".

Gần đây, vị sultan, 72 tuổi, đã thay đổi tên hiệu của chính mình thành ý nghĩa trung lập giới tính, cũng như đặt cho cô con gái cả cái tên mới Gusti Kanjeng Ratu Mangkubumi, có nghĩa là Người Gìn Giữ Trái Đất.

Động thái này của vị sultan là dấu hiệu cho thấy công chúa cả đang chuẩn bị sẵn sàng để ngồi lên ngai vàng khi thời cơ chín muồi.

Gusti Kanjeng Ratu Mangkubumi mỉm cười: “Trong mọi gia đình, người con cả luôn gánh vác nhiều trách nhiệm hơn con thứ. Nhưng ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, quyết định nằm trong tay cha tôi”.

Sultan Yogyakarta: Cuoc cach mang nu quyen thay doi vuong quoc co kinh
Công chúa cả của Sultan Yogyakarta được đặt tên là Người Gìn Giữ Trái Đất.

Công chúa hiếm khi công khai bày tỏ quan điểm về việc kế vị và cẩn trọng trong từng câu chữ.

“Tôi đã được dạy để không mơ tưởng hay ước ao về những thứ vượt quá một cuộc sống hạnh phúc. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đã có nữ hoàng ở Aceh và các vương quốc Hồi giáo khác".

Em gái của cô, Gusti Kanjeng Ratu Hayu, có vẻ thẳng thắn và mạnh bạo hơn khi đề cập đến quyền lực chưa từng có của các nàng công chúa.

Sultan Yogyakarta: Cuoc cach mang nu quyen thay doi vuong quoc co kinh

Họ đều được gửi ra nước ngoài để học tập ở châu Âu, Mỹ và Australia, và hiện nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong hoàng cung mà trước đây chỉ thuộc về đàn ông.

“Tôi rất may mắn vì cha mẹ không bao giờ có thái độ phân biệt giới tính. Một vài người không thoải mái với điều đó, nhưng khi sultan đã lên tiếng, họ phải chấp nhận”.

Các anh chị em của vị sultan chính là những người không hài lòng với kế hoạch của ngài. Họ cảm thấy bị xúc phạm, thậm chí còn từ chối nói chuyện với sultan hay tham dự các sự kiện hoàng gia.

Sultan Yogyakarta: Cuoc cach mang nu quyen thay doi vuong quoc co kinh
Phản đối quan điểm của sultan, các anh chị em của ngài hiện không còn tham dự các sự kiện hoàng gia.

GBPH Prabukusumo cho biết: “Đây là gia đình hoàng tộc Hồi giáo, và quốc vương phải là đàn ông. Gọi cô ta là sultante ư – làm sao có thể?”

Đối với ông, động thái này là bước “vượt rào” nguy hiểm sau hàng trăm năm truyền thống, chỉ vì “lòng tham và đói khát quyền lực” của gia đình người anh em.

“Các thành viên trong gia đình đã cam kết không xung đột nhưng sau khi sultan rời thế giới này, chúng tôi đã có thỏa thuận đẩy vợ con của ông ta ra khỏi cung điện.

Họ sẽ bị trục xuất và không còn liên quan gì đến hoàng tộc nữa”.

Bên ngoài bức tường cung điện, dân chúng miễn cưỡng lựa chọn phe phái nhưng cho biết sẽ chấp nhận quyết định của hoàng tộc.

Sultan Yogyakarta: Cuoc cach mang nu quyen thay doi vuong quoc co kinh
Các nghi lễ tâm linh, truyền thống của hoàng tộc không hề thay đổi qua hàng trăm năm.

Tuy nhiên, sự phản đối từ các thành viên hoàng tộc không phải là vấn đề đáng lo ngại duy nhất.

Theo quy tắc hoàng gia Java có lịch sử lâu dài từ thế kỷ 16, các nghi lễ truyền thống chìm trong chủ nghĩa thần bí – sản phẩm của Hindu giáo, Phật giáo và thuyết tâm linh.

Theo đó, Sultan của Yogyakarta phải lấy nữ thần Kanjeng Ratu Loro Kidul làm vợ thần bí.

GBPH Yudaningrat, một người anh em của sultan, giải thích: “Lời thề giữa vị sultan và Nữ hoàng Biển Nam Loro Kidul đã được công nhận thành văn, rằng họ sẽ cùng nhau trị vì và duy trì hòa bình”.

Sultan Yogyakarta: Cuoc cach mang nu quyen thay doi vuong quoc co kinh
Sultan của Yogyakarta là vị trí quốc vương cuối cùng ở Indonesia có sức mạnh chính trị thực sự.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu có hai nữ hoàng? Làm sao họ có thể kết hôn được chứ?” - Agus Suwanto, một hướng dẫn viên du lịch thắc mắc.

Nghe vậy, Wedono Bimo Guritno mỉm cười: “Đó là một câu hỏi thú vị. 

Vai trò của sultan là cân bằng nữ thần biển nam và thần núi lửa, chỉ là nhiều người đã quên mất vế sau. Bản thân tôi chắc chắn rằng sultan sẽ đưa ra quyết định đúng đắn cho người dân Yogyakarta.

Dẫu sao thì, xung đột và đấu tranh quyền lực sẽ luôn diễn ra vào thời khắc thay đổi”.

Ngọc Anh (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI