PNO - PN - Truyện thơ Lục Vân Tiên có câu: “Sui gia đã xứng sui gia, rày mừng hai họ một nhà thành thân”. Lẽ thường, khi đã kết sui gia, hai bên gia đình phải cùng đắp xây mối thân tình, nhân rộng không gian hạnh phúc cho con; nhưng, từ mối...
edf40wrjww2tblPage:Content
Ngàn lẻ một lý do
Hai nhà cùng họ, cùng xóm nên từ ngày yêu nhau, chị Thùy Chi và anh Đồng Thạnh (Hậu Mỹ Phú, Cái Bè, Tiền Giang) đã bị hai bên gia đình phản đối vì… “quá gần”. Biết quan hệ họ hàng đã quá ba đời, luật pháp không cấm, hai người bất chấp gia đình, tiếp tục gắn bó với nhau. Khổ nỗi, việc can ngăn con cái dần trở thành cái cớ để người lớn hai bên… dằn mặt nhau. Hễ bên này có chút động tĩnh, nhà bên kia lập tức… “hưởng ứng” theo cơ chế “nhà nó đã vậy thì…”. Mỗi lần biết Thạnh dắt người yêu về thuyết phục ba mẹ, ba mẹ Chi lập tức làm ầm ĩ vì con gái “không biết xấu hổ”. Vô vọng, Chi và Thạnh quyết định thuê nhà, đến với nhau bằng một lễ cưới đơn sơ. Ngày Chi mang thai, ba mẹ Thạnh động lòng chấp thuận, cho phép Chi về sống cùng. Vì chuyện này, ba mẹ Chi từ mặt con, cấm tiệt em trai Chi liên lạc với chị. Không chối bỏ con dâu, nhưng mỗi lần đụng mặt bà sui ngoài chợ, hoặc trong giỗ chạp của tộc họ là về nhà ba mẹ Thạnh lại kiếm lời chê bai. Có lần, trong lễ khánh thành nhà thờ tộc, vừa mang lễ tới đã chạm mặt ông sui, ba Chi vội vã quay về. Dưới bếp, hai bà sui đá thúng đụng nia, xóc xỉa nhau. Hiếu thắng, mẹ Thạnh vờ cao giọng kể chuyện dâu con hiếu đễ, chu đáo chăm sóc mình. Mẹ Chi vứt cái dao đang gọt rau củ, bỏ về. Chiều hôm ấy, khi ba mẹ chồng đang thích chí kể thành tích ngoài phòng khách, Chi nằm vật trong phòng, đau lòng vì mấy lời nhắn của ba mẹ đẻ, buộc tội cô “làm nhục gia đình”.
Dù nội ngoại ở xa nhau, hiếm khi chạm mặt, nhưng chị Hương Tâm (P.11, Q.3) cũng đau đầu vì những trục trặc giữa gia đình hai bên. Quê anh Tấn Đạo ở Bạc Liêu, ba mẹ chị ở Tiền Giang. Mâu thuẫn nảy sinh từ ngày chị sinh con đầu lòng. Mấy tháng ở cữ nhà mẹ đẻ, chị Tâm bao phen thót tim vì những tình huống trớ trêu giữa hai bà mẹ. Mỗi cuối tuần không thấy bà sui lên thăm cháu, là mẹ chị đứng ngồi không yên. Mặc kệ con rể giải thích, bà cứ liên tục chép miệng: “Ừ thì bên nội đông cháu rồi nên đâu coi cháu tui ra gì…”. “Cảm hứng than thân” đó cứ triền miên, khi sui gia xuất hiện là bà phải móc ngoéo được một câu mới chịu yên. Có hôm, bà sui quảy đủ thứ quà quê lên thăm, bà dằn dỗi buông một câu: “cháu bà nội, tội bà ngoại” rồi bước thẳng xuống nhà dưới, không thèm chào. Sau hôm ấy, bà nội kiên quyết đưa cháu về nhà. Bà ngoại nổi cơn lôi đình, khẳng định bà sui muốn cướp công nuôi cháu, nhất quyết không cho con gái ẵm con đi. “Đàng trai” còn quyết tâm hơn, ba anh Đạo lên tận nhà sui gia nghiêm túc thưa chuyện, xin dắt con dâu về chăm sóc, vì “nhờ vả bên ngoại quá nhiều rồi”. Đến nước ấy, bà ngoại đành chịu thua. “Oán” bà sui từ lần đó, mẹ chị Tâm không một lần qua thăm cháu. Ngày thôi nôi thằng bé, hai vợ chồng Tâm tổ chức tại nhà riêng, nhưng mẹ chị chỉ lên thăm cháu trước đó vài ngày rồi về, tránh mặt sui gia.
Cha mẹ gieo, con cái gặt
Lý do sui gia bất hòa thì vô số kể, nhưng động lực để hòa thuận thì chỉ có một, đó là nghĩ đến hạnh phúc của con cháu. Nhiều cuộc hôn nhân tan đàn sẻ nghé chỉ vì cha mẹ hai bên… không chấp nhận nhau. Cũng có những mối thân tình sui gia khiến con cái động lòng nghĩ lại mỗi khi hôn nhân dậy sóng. Chị Ngọc Vi (Bà Điểm, Hóc Môn) luôn canh cánh trong lòng hình ảnh cần mẫn lo toan của ba chồng trong đám tang của ba mình. Ngọc Vi là con một. Ngày ba chị mất, cả nhà chồng sang lo liệu mọi thứ như ruột thịt. Ba chồng còn thưa chuyện với thông gia, xin phép cho con trai mình đứng ra làm lễ, lo toan như con trai ruột của người đã khuất. Ông giải thích, đã có duyên làm sui thì cũng xem như người một nhà, đỡ đần được nhau cũng là điều đáng quý. Vì thế, dù xích mích, giận dỗi chồng đến đâu, Vi cũng nghĩ tới mấy chữ “người một nhà” mà cố gắng hóa giải.
Trong khi đó, vạ lây từ mối quan hệ giữa hai bên gia đình, nhiều cặp vợ chồng phải rơi vào cảnh lao đao. Nhà Tấn Đạo vốn rất gia giáo, ba mẹ không bao giờ nặng lời với con cháu, thất lễ với sui gia. Vì thế, mỗi lần mẹ mình bị mẹ vợ xỏ xiên, anh lại cảm thấy gia đình bị xúc phạm, nên thường xuyên trách cứ vợ. Liên tục bị chồng “nhắc nhở” về mẹ mình, Hương Tâm cảm thấy bị tổn thương. Bất kể đúng sai, hễ chồng mở lời trách móc là chị bênh vực mẹ đẻ, quay sang chê trách mẹ chồng. Cứ thế, mâu thuẫn chất chồng. Mỗi lần nhắc tới nhà vợ - nhà chồng là vợ chồng chị Tâm lại sinh chuyện.
Cuộc hôn nhân của chị Thùy Chi cũng nhiều lần bị đẩy đến bờ vực chỉ vì mâu thuẫn giữa hai nhà. Ba mẹ Chi có lần thừa nhận, họ không chê bai điều gì ở con rể, nhưng “cưới chồng là cưới cả nhà chồng”, mà nhà anh Thạnh thì “chẳng ra gì” nên họ “thà chịu mất con chứ không kết sui gia”. Sống trong tình trạng đó, Chi luôn có cảm giác mình đang phải hy sinh cho chồng. Chỉ cần một hôm đi làm về trễ, là Thạnh đã bị vợ “nâng quan điểm” thành tội vô tâm, không biết nghĩ đến vợ. Bình thường, Thạnh luôn quan tâm, giúp đỡ em vợ, nhưng lỡ bận bịu, lơ là một chút là Chi lập tức kết tội anh “chỉ giả vờ, được thời gian đầu”. Vừa phải nhún nhường trước gia đình vợ, vừa bức bối với cảnh bị vợ “soi” từng chút, nhiều lúc Thạnh nổi nóng, bất cần; Chi lại càng thất vọng, buồn bã.
Bị chi phối bởi cái chung (cuộc hôn nhân của con) và những cái riêng (lợi ích, sĩ diện của con mình, nhà mình), hai bên sui gia khó mà yêu quý nhau, cùng nhau tìm tiếng nói chung. Ngược lại, khi hai gia đình cùng hướng đến hạnh phúc của con, xem quan hệ sui gia như một mối thân tình để thông cảm cho nhau, thì mâu thuẫn khó lòng phát sinh, nếu có cũng dễ dàng hóa giải. Bản thân mỗi cặp vợ chồng cũng có thể xây đắp quan hệ thông gia bằng việc quan tâm, săn sóc gia đình của nhau. Con cái cần tránh làm cho bố mẹ có cảm giác bị đối xử không công bằng với thông gia, rồi nảy sinh những so đo, tỵ nạnh. Để duy trì mối thân tình, con cái có thể tạo cơ hội để hai nhà gặp mặt trong những dịp vui của gia đình; nhắc nhở bố mẹ thăm hỏi, hoặc “hộ tống” hai nhà đến thăm nhau.
Sống trong không khí thuận hòa giữa hai bên, con cái sẽ có thêm động lực để bồi đắp tổ ấm của mình. Ngược lại, bất hòa sui gia sẽ đặt con cái trong cảnh giằng co giữa tình yêu và tình thân, khó lòng hạnh phúc. Trong thời đại tối giản mọi khuôn sáo lễ nghĩa thì một chút thông cảm, bao dung giữa hai bên gia đình có thể làm vơi bớt những bi kịch hôn nhân cho con cái.