Bằng cách kể chân thực, hành trình của những phụ nữ nhỏ bé đã dùng cả máu và nước mắt để giành lấy quyền lên tiếng, quyết định cuộc sống và hạnh phúc của mình đã lay động trái tim hàng triệu khán giả.
Ở thế kỷ này, khi nói về nữ quyền (feminist), người ta nghĩ đến những lựa chọn về cách sống, những tranh luận về nhiều con đường khác nhau để đi đến hạnh phúc. Nhưng ở các thế kỷ trước, phụ nữ không có nhiều lựa chọn như thế.
“Chúng ta phải trở thành những người làm ra luật”
Suffragette là một bộ phim độc lập theo thể loại chính kịch sản xuất năm 2015 của Anh, do Sarah Gavron đạo diễn và Abi Morgan viết kịch bản. Phim dựa trên những sự kiện lịch sử có thực về một giai đoạn đấu tranh cực đoan bằng bạo lực, thậm chí cảm tử của những phụ nữ London nhằm kêu gọi sự lắng nghe của chính phủ vốn từ lâu phớt lờ vai trò của phụ nữ.
Chọn điểm nhìn từ những người lao động nghèo khổ, Suffragette tái hiện chân thực những áp bức, bóc lột nghiệt ngã nhất trong một xã hội đầy rẫy bất công dành cho nữ giới đầu thế kỷ XX. Ở đó, nhân vật chính - Maud Watts (vai diễn của Carey Mulligan) - một công nhân giặt ủi 24 tuổi, sinh ra trong xưởng giặt ủi, bắt đầu công việc ủi những chiếc cổ áo từ năm bảy tuổi. Cô cùng rất nhiều phụ nữ trong công xưởng bị tay quản lý lạm dụng tình dục từ khi còn rất nhỏ nhưng không dám lên tiếng. Họ cam chịu làm việc quần quật với mức lương 13 shilling/tuần (trong khi nam giới lãnh 19 shilling/ tuần).
Bên cạnh Maud là một Violet Miller liên tục bị chồng bạo hành, một Emily Davison nghèo khổ đáng thương tử vì đạo dưới vó ngựa của nhà vua, hàng trăm cô gái khác đang bị bóc lột mà không có ai bênh vực. Cuộc đời họ là những chuỗi ngày tăm tối không lối thoát.
Khi được chọn để đạo diễn bộ phim, nữ đạo diễn Gavron, người đã dành cả sự nghiệp để kể những câu chuyện về phụ nữ, đã nói: “Khi nghĩ đến một phụ nữ Anh quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những quý cô lịch sự, thượng lưu, như quý cô nhà Banks trong Mary Poppins. Nhưng không, chúng tôi muốn làm một cái gì đó chân thật và dữ dội hơn”.
“Tôi đã muốn thực hiện một dự án về điều này trong mười năm. Trong khi tìm kiếm ý tưởng cho bộ phim, Alison và Faye - hai nhà sản xuất phim - bắt đầu nói về những phụ nữ nghèo khổ bị đàn áp và tôi thấy điều đó thật hoàn hảo” - biên kịch Morgan. Cô nói thêm: “Giống như bất kỳ phong trào tuyệt vời nào, họ là những người lính thực thụ"
Carey Mulligan có lẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn Maud Watts, một cô gái nhỏ bé, mong manh nhưng dần trở nên kiên cường và quyết liệt hơn sau khi chứng kiến những phụ nữ xung quanh mình bị bắt nạt nhưng chỉ một số rất ít dám đứng lên đấu tranh. Maud Watts như đại diện cho hàng triệu phụ nữ lao động nghèo khổ trên khắp thế giới vào thời điểm đó, vốn không hề có lý tưởng lớn lao và tham vọng chính trị: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chúng tôi được bỏ phiếu, nên tôi chả có ý tưởng về việc nó có ý nghĩa như thế nào”.
Được tạo ra bởi một ê-kíp phần lớn là nữ giới, Suffragette dù khốc liệt và kịch tính nhưng vẫn mang đầy vẻ nữ tính lịch thiệp của những cô gái Anh lãng mạn và mơ mộng. Đó không phải là những phụ nữ sinh ra để ném bom và đốt phá, để rời bỏ gia đình hay những đứa con, thực hiện những cuộc khủng bố đau thương, như lãnh đạo Pankhurst của họ đã nói: “Chúng ta không muốn làm những kẻ phá luật, chúng ta phải trở thành những người làm ra luật. Chúng ta không còn cách nào khác”.
Những bất hạnh xung quanh khiến Maud nhận ra họ không đáng phải chấp nhận cuộc sống như vậy. Họ có quyền sống, quyền đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của mình. “Chúng tôi có thể. Và cuộc đời này, còn có những cách khác để sống” - Maud đã bình tĩnh đưa ra những lời phát biểu tại nghị viện như thế.
Bộ phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Telluride vào ngày 4/9/2015. Tính đến tháng 3/2016, Suffragette đã thu về 30 triệu USD doanh thu so với ngân sách 14 triệu USD kinh phí. Nhà sản xuất Faye Ward chia sẻ: “Chúng tôi đã có một ê-kíp tuyệt vời và đầy tài năng. Những gì diễn ra ở phim trường, toàn bộ cảm xúc của bộ phim… đều được mọi người thực hiện bằng tình yêu”.
Thực tế là không chỉ có Carey Mulligan tạo nên linh hồn của bộ phim, tất cả các nữ diễn viên còn lại đều có phần thể hiện xuất sắc, như nữ minh tinh tài năng người Anh Helena Bonham Carter (vai Edith Ellyn) hay Natalie Press (vai Emily Davison) và đặc biệt là sự xuất hiện của siêu sao Meryl Streep trong vai nhà lãnh đạo nữ Emmeline Pankhurst. Dù chỉ xuất hiện chưa đầy 5 phút, Meryl Streep đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi tái hiện hình ảnh một trong những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nhất thế giới ở thế kỷ XX với đầy năng lượng và cảm xúc.
Những phụ nữ Anh thay đổi lịch sử
Cho đến năm 1918, phụ nữ ở Anh bị từ chối quyền bầu cử vì lý do: phụ nữ không có sự điềm tĩnh hay sự cân nhắc kỹ càng để đưa ra các quyết định về chính trị.
Đàn ông và nhà cầm quyền thời đó cho rằng: nếu ta cho phép phụ nữ bầu cử, đồng nghĩa với việc mất cân bằng trong hình thái xã hội. Phụ nữ có thể được đại diện bởi chồng, cha, anh em trai của họ. Một khi quyền bỏ phiếu được cấp, mọi việc sẽ không dừng lại ở đó, phụ nữ rồi sẽ yêu cầu có quyền trở thành nghị sĩ, bộ trưởng nội các, thẩm phán.
Trong nhiều thập niên, hàng triệu phụ nữ đã vận động một cách hòa bình cho quyền bình đẳng và quyền được bầu cử, nhưng đều bị bỏ qua. Để đáp lại, Emmeline Pankhurst, lãnh đạo phong trào đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ (phong trào Suffragette - một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất được điều hành bởi WSPU - Liên minh Xã hội và chính trị của phụ nữ) đã kêu gọi một chiến dịch bất phục tùng trên toàn quốc: “Hãy giành lấy phiếu bầu cho phụ nữ. Sức mạnh nằm trong tay các quý cô”.
Suffragette kết thúc trong sự hỗn loạn dâng cao sau kế hoạch cảm tử của Emily Davison trong trận đua ngựa, trước sự chứng kiến của Vua George V. Cái chết của Emily đã dấy lên làn sóng phẫn nộ lan rộng. Đám tang của cô được đưa tin khắp thế giới. Cũng từ đây, lần đầu tiên tiếng nói đấu tranh của nữ giới được chính phủ, nhà cầm quyền lưu tâm.
Phong trào đấu tranh của phụ nữ Anh còn tiếp tục lan rộng và không dừng lại cho đến năm 1918, luật pháp nước Anh buộc phải thay đổi và công nhận quyền bầu cử cho phụ nữ trên 30 tuổi; năm 1925, phụ nữ Anh được toàn quyền quyết định với những đứa con của họ và có quyền biểu quyết giống như nam giới vào năm 1928.
Trailer phim Suffragette:
Trải qua hơn một thế kỷ, tiếng nói của nữ giới ngày càng được nhìn nhận sâu sắc hơn ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, gần như 100 năm sau khi phụ nữ ở Anh được trao quyền bầu cử, phụ nữ ở rất nhiều nơi vẫn chưa có sự công bằng thực sự. Ở đâu đó, những áp đặt gia trưởng và phân biệt giới tính chưa bao giờ thực sự kết thúc, khi những cuộc hiếp dâm, bạo hành buôn bán phụ nữ vẫn diễn ra hằng ngày.
Và ở nơi đó, câu chuyện về nữ quyền, về sự nhìn nhận những quyền lợi cơ bản dành cho phụ nữ vẫn luôn mang đầy tính thời sự, giống như lời kêu gọi của Emmeline Pankhurst: “Chúng ta sẽ đấu tranh để đảm bảo mỗi bé gái sinh ra trên đời có cơ hội bình đẳng như những người anh em của chúng. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của phụ nữ”.
Lan Anh