Trên quãng đường dẫn vào nông trại, chị Trần Thanh Liễu - 30 tuổi, Phó giám đốc Công ty cổ phần Dừa nước Vietnipa - không ít lần dừng lại đợi chúng tôi. Là “thổ địa” nên việc di chuyển qua những con đường mòn lắt léo hoặc leo lên cây cầu dốc ngược với chị là chuyện thường ngày… ở huyện. “Đầu năm 2025, du khách đến Cần Giờ sẽ có thêm những trải nghiệm khác biệt. Không chỉ thưởng thức các sản phẩm từ dừa nước, du khách còn được lội ruộng bắt còng, bắt vọp, tự tay thu hoạch dừa để tìm hiểu về vòng đời của loài cây này và cảm nhận rõ hơn cuộc sống người dân vùng ngập mặn” - Liễu nói. Không hình dung được không gian tour du lịch sinh thái của Liễu bắt đầu từ đâu và kết thúc ở điểm nào, nhưng tôi biết trước mắt mình là những đìa tôm, ao cá và rừng dừa nước bạt ngàn, đó là những gì nằm trong dự án của cô gái trẻ này.
Sau một lúc di chuyển, chúng tôi đến với vùng khai thác đầu tiên của Vietnipa, rộng vài héc ta. Dựng xe bên cạnh vạt dừa nước ven đường, chúng tôi đi bộ lên chiếc cầu khỉ bắc qua con rạch nhỏ, bên kia bờ là điểm tập kết của đội thu hoạch Vietnipa. Họ đã sẵn sàng trong trang phục lao động thường ngày, nổi bật với đôi ủng cao su phủ đầy sình. Mỗi người một tay cầm đầu gõ bọc trong lớp vải dày và bên hông là con dao lớn. Hằng ngày, công việc của họ sẽ bắt đầu vào lúc 3g30 sáng.
Sinh ra và lớn lên ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM, đôi chân Trần Thanh Liễu đã quá quen với sình lầy. Nữ phó giám đốc tươi cười, hít hà mùi hương của tự nhiên, bắt đầu vuốt những cuống dừa nước rồi dùng đầu gõ gõ nhẹ, đều dọc khắp thân. Từ vết cắt, mật dừa rỉ ra từng giọt. Trần Thanh Liễu cho biết, cô đang “chăm sóc” cuống dừa nước và đó cũng là công việc hằng ngày của nhân viên trang trại Vietnipa. Ngoài việc thu mật dừa, thu buồng dừa để lấy cơm, họ phải dùng đầu gõ gõ dọc thân cuống để kích thích các tuyến mật.
Dường như thời tiết càng mát mẻ thì mật dừa tiết ra càng nhanh và nhiều hơn. Khi nắng lên, quá trình này sẽ chậm lại hoặc dừng hẳn. Trung bình mỗi ngày, 1 cuống dừa sẽ tiết ra khoảng 1 lít mật. Như vậy, nếu chăm sóc tốt, mỗi cuống dừa nước sẽ cung cấp 30 lít mật ngọt trước khi kết thúc vòng đời của nó.
Sự sáng tạo, lòng quyết tâm cùng tình yêu dành cho giá trị bản địa đã giúp Trần Thanh Liễu và cộng sự tạo ra những giọt mật dừa nước làm nên thương hiệu Vietnipa trong 5 năm qua. Mới đây, dự án Đường dừa nước hữu cơ của Vietnipa đã được Hội LHPN Việt Nam trao giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp chuyển đổi xanh” cấp vùng phía Nam và giải Ba cấp quốc gia.
Hiện tại, Trần Thanh Liễu đã có 5 năm khởi nghiệp. Từ việc nhận ra huyện Cần Giờ có hơn 900ha rừng dừa nước tự nhiên, cô gái trẻ đã nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp. Trong khi người dân địa phương chỉ dùng lá dừa lợp nhà và cơm dừa bán cho du khách thì Liễu và người bạn của mình đã quyết định biến dừa nước thành đặc sản Cần Giờ.
Cô gái ấy lựa chọn dừng công việc có thu nhập ổn định tại TPHCM và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với sản phẩm dừa nước đóng ly. Không dừng lại ở việc chỉ phục vụ du khách đến Cần Giờ, Liễu còn phát triển sản phẩm cơm dừa đóng lon để mở rộng thị trường ra miền Trung, miền Bắc và thậm chí xa hơn nữa.
Nghiên cứu sâu hơn, Trần Thanh Liễu vô tình khám phá ra việc tiết mật của cây dừa nước. Từ đó, Liễu bắt đầu hành trình chăm sóc và theo dõi sự phát triển của chúng. 2 năm sau, Vietnipa cho ra đời những chai mật dừa nước đầu tiên. Chị tâm sự: “Sản phẩm khi đưa ra thị trường đã được khách hàng tin dùng ngày càng nhiều. Điều đó giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm vào công nghệ, cải tiến thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất. Từ những phản hồi của khách hàng, Vietnipa tiếp tục giới thiệu sản phẩm đường dừa nước dạng bột thuận tiện hơn trong vận chuyển cũng như sử dụng và bảo quản”.
Thành công của các sản phẩm trên không chỉ làm tăng giá trị kinh tế của cây dừa nước mà còn góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương. Hiện tại, dự án của Liễu và Vietnipa đã tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động và hàng chục lao động thời vụ vào những giai đoạn cao điểm. Ngoài cửa hàng trưng bày tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, Vietnipa còn mở 4 bến dừa nước tại trung tâm TPHCM và tỉnh Khánh Hòa nhằm phục vụ các loại thức uống từ dừa nước.
Để đảm bảo vùng thu hoạch, Vietnipa đã thuê 10ha dừa nước bỏ hoang của nông dân và thuê họ chăm sóc, thu hoạch. Trần Thanh Liễu chọn tái sinh rừng dừa nước bằng cách không thu hoạch tất cả mà luôn để lại ít nhất 2 buồng dừa nước trên cây để chúng rụng và sinh sản tự nhiên. Hành trình khởi nghiệp của cô gái trẻ đã góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông ở huyện Cần Giờ - lá phổi xanh của thành phố.
Mỗi lần hẹn gặp, chúng tôi đều thấy chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân trên đường, khi thì chạy vòng các tuyến Công Lý, Đặng Văn Bi, khi thì dọc theo đại lộ Phạm Văn Đồng. Với Kim Ngân, túi y tế là vật bất ly thân. Cô gái 30 tuổi này là Đội trưởng đội cứu nạn giao thông 911 TP Thủ Đức (TPHCM). Đội do Kim Ngân thành lập từ tháng 11/2017, hoạt động tình nguyện vào các buổi tối trong tuần, kể cả lễ, tết, hỗ trợ sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông với phương châm nhanh chóng - kịp thời - hiệu quả. Nói về lý do ra đời của đội cứu nạn giao thông 911 TP Thủ Đức, chị trải lòng: “Chị Hai tôi bị tai nạn trên đoạn đường vắng vào năm 2012. Cho đến giờ, tôi vẫn day dứt, nghĩ rằng nếu như có ai đó giúp chị thì biết đâu… Dù chỉ như hạt cát thôi, tôi vẫn mong việc mình làm có thể giúp nạn nhân vượt qua tình huống ngặt nghèo”.
Trước đây, Kim Ngân đã tham gia hoạt động sơ cấp cứu ban đêm trong một nhóm thiện nguyện ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Khi thành lập đội, Ngân để lại số điện thoại của mình cho các tài xế xe ôm, những người bán hàng rong, các chủ tiệm tạp hóa, với lời nhắn khi nào thấy tai nạn thì gọi điện, Ngân sẽ đến ngay.
Ban đầu, đội chủ yếu vá xe miễn phí, khi phát hiện tai nạn giao thông thì gọi điện thoại báo cơ quan chức năng. Về sau, cả đội được y, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TP Thủ Đức hướng dẫn tận tình về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu nên ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Đội hiện có 9 thành viên với 3 nữ, 6 nam, độ tuổi từ 21-34, gồm nhiều đối tượng: sinh viên, công nhân, lao động tự do, bảo vệ... Riêng Kim Ngân, ban ngày chị phụ trông coi cửa hàng, làm các loại bánh flan, panna cotta để bán. Gần đây, chị thuê mặt bằng ở 415 Phạm Văn Đồng để đặt chiếc xe cà phê, nước giải khát bán từ lúc 18g. Đây cũng là địa điểm tề tựu của các thành viên đội cứu nạn giao thông 911 TP Thủ Đức.
Mỗi thành viên đều có hoàn cảnh riêng, nhưng đều gắn bó và nỗ lực vì mục đích chung là cứu người. Họ làm không công, tự lo xăng xe và các chi phí mua những dụng cụ sơ cứu ban đầu như bông gòn, băng, gạc y tế, nước muối, nẹp cố định... Dẫu vậy, như Ngân nhấn mạnh, nguyên tắc của đội là cứu người và chỉ tập trung cứu người. Mỗi ngày, cứ sau 21g, Ngân và 3-4 thành viên sẽ chạy xe vòng qua các tuyến đường thuộc TP Thủ Đức như một kiểu… trực đêm. Khi gặp trường hợp tai nạn, căn cứ tình hình thực tế, các tình nguyện viên có thể tiến hành băng bó, nẹp cố định vết thương, ép tim ngoài lồng ngực… cho nạn nhân. Nếu người bị nạn còn tỉnh thì xin số điện thoại người thân để liên lạc, đồng thời hỗ trợ cảnh sát giao thông giữ nguyên hiện trường. Đối với trường hợp nghiêm trọng mà người thân nạn nhân chưa đến kịp, Kim Ngân theo xe cấp cứu vào bệnh viện, cung cấp thông tin để bác sĩ thuận tiện trong việc đánh giá, điều trị.
Kim Ngân tự nhận bản thân khá “dữ”, nhất là những lúc ở hiện trường. Thành viên nào trong đội lơ là, nói chuyện riêng ồn ào sẽ bị Ngân đuổi ra ngoài ngay lập tức. Lâm Hoàng Khánh Duy (22 tuổi) vào đội từ cuối năm 2019 sau lần trực tiếp chứng kiến Ngân cứu người. Duy kể: “Bình thường chị Ngân rất vui vẻ, cởi mở, nhưng khi ra hiện trường chị như trở thành một người khác, dứt khoát trong từng lời nói, hành động. Ở trong đội gần 5 năm, từ chỗ lo lắng, căng thẳng, dễ bị phân tâm vì tiếng ồn xung quanh, giờ tôi đã biết cách kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh khi xử lý vấn đề”.
Hiện tại, Ngân đang theo học chương trình y sĩ đa khoa tại Trường trung cấp Bách khoa Sài Gòn, dự kiến tốt nghiệp vào đầu năm 2025 và tiếp tục học lên cao đẳng. Hỏi về tương lai của đội cứu nạn giao thông 911 TP Thủ Đức, Ngân cho biết: “Tinh thần cả đội là: dân còn tin, 911 còn làm”.
Anh Huỳnh Tấn Đạt - 26 tuổi, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc, hiện là nghiên cứu sinh ngành kinh tế, giảng viên môn kinh tế vĩ mô và xác suất thống kê tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS) - đang tất bật bởi những kế hoạch dày đặc trong 1 tháng về thăm nhà. Bên cạnh những chương trình thiện nguyện, anh còn cố gắng kết nối nhiều chuyên gia, giáo sư các nước về phát triển bền vững để mời họ chia sẻ một số mô hình về phát triển bền vững có khả năng áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Tấn Đạt sang Úc du học từ năm lớp Mười một. Năm 2020, anh tốt nghiệp chuyên ngành tài chính - kinh tế của Đại học Sydney với số điểm tuyệt đối, lọt vào tốp 10 sinh viên xuất sắc tham gia chương trình “Cử nhân danh dự” khóa 2020-2021. Đạt cũng xuất sắc nhận được suất học bổng tiến sĩ toàn phần trị giá hơn 4 tỉ đồng mà không cần qua bậc thạc sĩ. Dù vậy, chàng trai này vẫn luôn khao khát được cống hiến tài năng và sức trẻ cho TPHCM.
Tại Úc, ngay từ sớm, Đạt đã quan tâm và tích cực tham gia các hoạt động của sinh viên, thanh niên Việt Nam. Trong đợt dịch COVID-19, anh đã vận động cộng đồng du học sinh quyên góp 100 triệu đồng hỗ trợ người dân TPHCM, đội ngũ y, bác sĩ và bộ đội tại các khu cách ly. Chỉ tính trong năm 2024, Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc đã phối hợp Hội Sinh viên TPHCM, Thành đoàn TPHCM tổ chức chiến dịch “Xuân tình nguyện”, chương trình “Vì Cần Giờ xanh”, “Tàu cấp cứu cho xã đảo Thạnh An”, “Ngày hội sinh viên với ngoại ngữ”, “Liên hoan sinh viên thế giới”.
Đạt cho biết, điều khiến anh tự hào nhất chính là khả năng lan tỏa tinh thần luôn hướng về Tổ quốc, dù ở bất cứ đâu, đến với cộng đồng du học sinh tại Úc. Những năm qua, Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc đã tổ chức quyên góp các quỹ học bổng hỗ trợ những học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có cơ hội vươn xa hơn trong học tập; phối hợp các bệnh viện để tổ chức thăm khám, cấp phát thuốc và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại huyện Cần Giờ. “Dù nguồn lực còn hạn chế nhưng những hoạt động này đã cho thấy được tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của du học sinh đối với đồng bào, đặc biệt là người dân TPHCM gặp khó khăn, qua đó gắn kết cộng đồng du học sinh với quê hương một cách sâu sắc và bền chặt” - Đạt nói.
Năm 2022, Đạt được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các hoạt động hướng về quê hương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND TPHCM trao bằng khen vì những đóng góp tích cực cho thành phố.