Sức trẻ cho thành phố hiện đại, nghĩa tình - Bài 1: Yêu thành phố từ những việc làm thiết thực

28/10/2024 - 09:42

PNO - “Mọi người vẫn nghĩ yêu Tổ quốc, yêu thành phố là phải làm điều gì đó lớn lao. Nhưng với tôi, yêu Tổ quốc chính là tình yêu gia đình, bạn bè, làng mạc, xóm giềng, yêu những thứ từ lúc mình sinh ra được nhìn thấy, lắng nghe, thừa hưởng. Tình yêu đó phải được thể hiện bằng những việc nhỏ mình đang làm cho bản thân và cho cuộc sống mỗi ngày” - anh Nguyễn Đức Vinh - Bí thư Đoàn phường Thạnh Lộc, quận 12 - bộc bạch.

Trong hành trình đưa TPHCM không ngừng phát triển, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực, lực lượng thanh niên đã và đang ghi dấu ấn trong mọi lĩnh vực. Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029 (dự kiến diễn ra đầu tháng 11/2024) là cơ hội để nhìn lại tinh thần xung kích, tiên phong của thanh niên thành phố; đồng thời cũng là diễn đàn có sức cổ vũ, hiệu triệu để thanh niên tiếp tục phát huy sức trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và giai đoạn phát triển mới của TPHCM.

Bè cây thủy sinh giúp hồi sinh con rạch "chết"

Như một thói quen, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, thấy các bạn đoàn viên xuống chăm sóc các bè thủy sinh, Bùi Công Chức - chủ một quán cà phê gần rạch Đất Sét (phường Thạnh Lộc, quận 12) - cũng thu xếp công việc để cùng xuống kênh. Ngoài suy nghĩ “mỗi người phụ một tay cho nhanh”, với Chức, màu xanh mà các bạn đoàn viên đang nỗ lực mang lại với mong muốn “hồi sinh” con rạch xứng đáng có được sự ủng hộ, đồng hành.

Mô hình bè thủy sinh của Đoàn Thanh niên phường Thạnh Lộc giúp cải thiện môi trường nước, góp phần tạo mỹ quan đô thị
Mô hình bè thủy sinh của Đoàn Thanh niên phường Thạnh Lộc giúp cải thiện môi trường nước, góp phần tạo mỹ quan đô thị

Là cư dân của khu vực, Chức cho biết, nhiều năm trước, rạch Đất Sét chẳng khác con rạch “chết” bởi mùi hôi thối. Trên bờ, dưới rạch ngập đầy cỏ rác, muỗi mòng. Dòng nước quanh năm đen ngòm, đặc quánh. Năm 2022, phường bắt đầu dọn cỏ, xây bờ kè, vỉa hè 2 bên rạch, nên diện mạo khu vực có phần thay đổi. Tiếp đó, vào cuối năm 2023, các bạn đoàn viên phường lại đặt các bè trồng cây thủy sinh trên một đoạn rạch và thường xuyên dọn dẹp, chăm sóc cây. Thấy vậy, người dân không ném rác xuống rạch nữa.

Ý tưởng hồi sinh con rạch là từ anh Nguyễn Đức Vinh - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Thạnh Lộc. Anh Vinh kể rằng, suy nghĩ làm cách nào để cải thiện môi trường sống tại địa phương luôn thường trực mỗi khi anh tình nguyện đi dọn dẹp vệ sinh kênh mương và nghe người dân phản ánh về thực trạng nguồn nước.

Năm 2022, khi lang thang trên mạng tìm ý tưởng để cứu rạch Đất Sét, anh bắt gặp 3 bài báo khoa học của các bạn sinh viên tại TPHCM đề cập đến giải pháp cải tạo môi trường nước bằng bè cây thủy sinh. Đây chỉ mới là những ý tưởng trên giấy, tuy nhiên, chúng xuất hiện đúng thời điểm đã thu hút sự quan tâm của anh.

Anh Vinh nghiên cứu kỹ 3 bài báo đồng thời phối hợp với các công ty chuyên về môi trường trên địa bàn để nhờ đánh giá sơ bộ chất lượng nước thải ban đầu. Kết quả kiểm tra cho thấy, vào mùa khô, nước thải trên tuyến rạch thuộc loại D (không thể sử dụng trong sinh hoạt). Ngoài các loại thực vật như bèo, rau muống, thì con rạch gần như vắng bóng các loài động vật dưới nước.

Cuối năm 2023, giải pháp bè thủy sinh được Đoàn phường Thạnh Lộc đưa vào thí điểm tại khu phố 3B (đoạn từ cầu Ga đến cống cầu Đồng). 3 bè thủy sinh, mỗi bè có kích thước 2m x 4m, được làm bằng ống nhựa, có khung lưới sắt cố định, chứa 40-60 cây thủy trúc, đặt cách nhau khoảng 20m, được neo cố định và có thể lên xuống theo mực nước.

“Cho đến cuối tháng 7/2024, đánh giá mức độ cải thiện môi trường nước trước và sau khi áp dụng bè cây thủy sinh cho thấy hiệu suất loại bỏ các chất ô nhiễm là cao, chứng tỏ nó có vai trò lớn trong việc loại bỏ các chất gây ô nhiễm. Hệ thống cây trên bè cũng hấp thụ mùi tanh hôi, vì người dân sống khu vực xung quanh nhận định không còn mùi hôi nữa” - anh Vinh chia sẻ.

Không chỉ cải thiện chất lượng nước, bè cây thủy sinh còn trở thành môi trường sống của đa dạng các loài côn trùng, động vật thủy sinh, động vật lưỡng cư như chuồn chuồn, cào cào, ốc bươu, cá, rắn, ếch… Ngoài ra, bè cây thủy sinh cũng tạo nên những mảng xanh làm cho đô thị đẹp hơn. Trước kết quả trên, tháng 7/2024, Đoàn phường Thạnh Lộc quyết định lắp đặt thêm 7 bè cây thủy sinh và dự kiến trong tháng Mười này sẽ phối hợp với các đơn vị đặt thêm 60m bè cây thủy sinh tại tuyến rạch này.

Riêng với Nguyễn Đức Vinh, ngoài việc mang lại những tác động tích cực đối với môi trường sống, mô hình bè thủy sinh còn giúp anh nhận ra rằng, còn rất nhiều mô hình mà các bạn sinh viên - những người trẻ - đang nghiên cứu, vẫn nằm trên giấy vì không có nguồn lực để thực hiện. “Tôi hy vọng các địa phương có thể tiếp cận và hỗ trợ những ý tưởng, những nghiên cứu như vậy, để các bạn trẻ có thêm động lực hành động, cống hiến cho quê hương, thành phố” - anh nói.

Lễ chào cờ "Tôi yêu tổ quốc tôi" ở khu dân cư

Tối 1/9 vừa qua, sau khi xong chuyện nhà, bà Ngô Thị Ánh Hồng (khu phố 3, phường 16, quận 4) tranh thủ ủi bộ áo dài đẹp để dự lễ chào cờ tại hẻm Xóm Chiếu vào sáng hôm sau, Quốc khánh 2/9.

Như đã thành nếp, trước những dịp lễ lớn, người dân phường 16 lại chuẩn bị quần áo tươm tất để dự lễ chào cờ được tổ chức tại địa bàn dân cư. Hoạt động bắt đầu từ năm 2022 và duy trì đến nay. Cũng trong từng ấy thời gian bà Ánh Hồng chưa vắng mặt buổi chào cờ nào. Với nhiều cô chú lớn tuổi, đây là hoạt động rất nên làm, trước là để ôn lại truyền thống, lịch sử đất nước, sau là cơ hội sinh hoạt cộng đồng vốn đã bị lãng quên bởi cuộc sống bận rộn thường ngày.

Lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại địa bàn dân cư của Đoàn Thanh niên phường 16, quận 4 đã thực hiện được 3 năm, trở thành nếp sinh hoạt của nhiều người dân trong các khu phố
Lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại địa bàn dân cư của Đoàn Thanh niên phường 16, quận 4 đã thực hiện được 3 năm, trở thành nếp sinh hoạt của nhiều người dân trong các khu phố

Về buổi chào cờ hiếm thấy tại địa bàn dân cư, bà Ánh Hồng nhớ lại, năm 2022, khu phố đã vận động người dân và hội viên, thanh niên đồng loạt gắn đế cắm cờ trước nhà trên nhiều tuyến đường để đường phố thêm trang trọng vào các dịp lễ. Hoàn thành công việc trên, Hội Liên hiệp Thanh niên phường đã tham mưu với Đảng ủy và UBND tổ chức lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” trong các dịp lễ lớn của đất nước như 30/4, 2/9...

Anh Nguyễn Hoàng Luân - Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường 16, quận 4 - chia sẻ, Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM tổ chức lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” trong toàn hội. Từ phong trào trên, Hội Liên hiệp Thanh niên phường 16 mạnh dạn tổ chức lễ chào cờ khắp các khu phố để người dân cùng tham dự, cùng lan tỏa thông điệp “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.

Điểm đặc biệt ở phường 16 là việc tổ chức chào cờ được thực hiện tại 4 điểm ở 4 khu phố, mỗi điểm có trên 100 người gồm nhiều thành phần tham gia, trong đó có cả những người dân lao động, các bà nội trợ.

Hiện nay, sau khi thực hiện chia tách, phường 16 tăng từ 4 lên 9 khu phố, tuy nhiên, lễ chào cờ vẫn duy trì tổ chức ở 4 điểm vì mặt bằng tổ chức hoạt động cộng đồng còn hạn chế. Trong buổi chào cờ, ngoài nghi thức chào cờ, bí thư chi bộ khu phố sẽ ôn lại truyền thống nhân ngày lễ lớn của đất nước và thông tin về một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát động toàn dân tham gia gìn giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự...

“Trước lễ chào cờ, chúng tôi đến từng nhà mời các cô chú là đảng viên, những người lao động, công nhân nhà trọ cùng tham gia. Chúng tôi nghĩ rằng, các mẹ, các chị quanh năm ở nhà làm nội trợ, các cô chú về hưu hay những bạn trẻ làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp rất ít có dịp được chào cờ, nên chúng tôi tổ chức hoạt động này xem như là dịp để mọi người sinh hoạt cùng nhau, từ đó hun đúc thêm lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người” - anh Nguyễn Hoàng Luân thông tin.

Phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” là một trong những dấu ấn nổi bật của Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM nhiệm kỳ 2019-2024. Phong trào được triển khai đồng bộ trong các cấp hội, có sự lan tỏa, phát triển, tạo môi trường cho thanh niên TPHCM rèn luyện, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, cổ vũ thanh niên thể hiện lòng yêu nước thông qua các hành động cụ thể trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Từ phong trào này, các cấp hội đã đầu tư nhiều giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung, phần việc...


Thu Lê

Kỳ tới: Tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và hội nhập

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI