'Sức sống xanh' từ một vùng quê hẻo lánh

14/07/2019 - 07:08

PNO - Cùng nhau dọn rác, thu thập pin, trồng cây dọc bờ kênh, hạn chế túi ni-lông… đó là những gì đang diễn ra tại thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Cùng nhau dọn rác, thu thập pin, trồng cây dọc bờ kênh, hạn chế túi ni-lông… những hành động rất văn minh, tưởng chừng khó có thể xuất hiện ở một vùng quê cách xa thành phố nhưng là những gì đang diễn ra tại thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). 

Từ trải nghiệm ô nhiễm 

Thôn Thụy Lôi được ngăn cách với xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) chỉ bằng một cánh đồng và Quốc lộ 1A. Gần 20 năm nay, Văn Môn nổi tiếng với nạn đốt rác thải, phế liệu đồng nát gây ô nhiễm nghiêm trọng đến không khí, môi trường sống. Cũng trong từng ấy năm, người dân Thụy Lôi phải chịu ảnh hưởng bởi khói bụi từ những cột khói đen ngòm, theo hướng gió từ phía Văn Môn thổi sang.

Có lẽ cũng vì lý do đó, người dân nơi đây hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Họ luôn khao khát một ngày nào đó được sống trong một môi trường xanh sạch đẹp. Và nhiều người dân của Thụy Lôi cũng hiểu rằng, để được như thế, chính họ phải hành động.

Đầu tháng 1/2017, dưới sự ủng hộ của chính quyền, một nhóm người thuộc Hội Các thế hệ sinh viên thôn Thụy Lôi và nhóm yêu môi trường đã thực hiện dọn rác dọc kênh Long Tửu, con kênh từng dùng để tưới tiêu, bị ngập trong rác thải kéo dài hơn 1km. Ròng rã hơn một tháng, kênh Long Tửu và nhiều điểm nóng về rác thải tại Thụy Lôi đã phần nào được dọn sạch.

Anh Nguyễn Vũ, một thành viên năng nổ của hội cho biết, trước khi được dọn sạch, kênh Long Tửu ngập tràn trong rác do người dân vẫn còn giữ lề thói cũ nên thường xuyên vứt rác xuống kênh. Các thành viên trong nhóm bảo vệ môi trường của thôn Thụy Lôi ngoài việc dọn rác còn tự tuyên truyền đến người dân, giúp họ hiểu được chỉ cần giảm xả rác bừa bãi, nhắc nhở người khác không vứt rác cũng là một cách để bảo vệ môi trường.

“Để làm những công việc này, chúng tôi cũng phải học hỏi kinh nghiệm từ những tổ chức bảo vệ môi trường khác. Là tiến sĩ khoa học vật liệu, hóa học, cũng có chút kinh nghiệp về phân loại rác nên tôi đã truyền đạt lại cho mọi người trong nhóm, về việc phân loại rác thế nào kể từ khi bắt đầu dọn kênh. Việc dọn sạch kênh Long Tửu đã góp phần thay đổi ý thức của người dân đáng kể, mặc dù chưa trọn vẹn…”, anh Vũ nói.

Cuộc “cách mạng môi trường” tại Thụy Lôi cũng vấp phải sự dị nghị từ chính người dân nơi đây. Nhiều người còn phản ứng gay gắt trước những lời nhắc nhở, nhưng sau khi chứng kiến thành quả, nhìn thấy một Thụy Lôi hoàn toàn khác, một hạt giống “xanh” đã được ươm mầm đối với nhận thức của người dân.

Sau hai năm, phong trào dọn rác, giữ gìn vệ sinh môi trường tại Thụy Lôi đã được lan rộng, không chỉ giới hạn ở nhóm cư dân yêu môi trường như trước. Làng xóm sạch đẹp, con kênh ô nhiễm, bốc mùi rác thải ngày nào đã “lột xác” thành một con đường sạch sẽ, Thụy Lôi từng bước trở thành một ngôi làng “sống xanh”.

'Suc song xanh' tu mot vung que heo lanh
Thụy Lôi từng bước trở thành một ngôi làng “sống xanh”

Những dự án “xanh”

Sau thành công đến từ việc kêu gọi người dân dọn rác, giảm lượng rác thải ra môi trường, nhóm yêu môi trường của Thụy Lôi tiếp tục với những dự án mới và được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân cũng như chính quyền.

Đầu tiên phải kể đến con đường hoa dọc kênh Long Tửu. Sau khi đã “thay áo” mới cho con kênh, người dân đã kêu gọi nhau trồng hàng ngàn cây hoa dọc hai bên đường. Mỗi buổi chiều, người dân Thụy Lôi lại rủ nhau ra làm cỏ, tưới cây và chăm sóc. Những người đi tập thể dục dọc đường kênh cũng xắn tay áo trợ giúp. Công việc chăm sóc đường hoa đã trở thành việc chung của người dân nơi đây.

Chị Ngô Thị Thu, giáo viên Trường tiểu học Thụy Lâm, cho biết: “Chiều nào tôi cũng cùng 5-7 anh chị em trong thôn tưới cây, trồng cây. Cứ ai rảnh thì tham gia, không cần kêu gọi, rất vui. Khi lên lớp, tôi cũng lấy những ví dụ của thôn mình ra để dạy cho các em, tuyên truyền cho các phụ huynh giúp bảo vệ môi trường. Vì thế, phong trào bảo vệ môi trường của Thụy Lôi ngày càng được ủng hộ và thu hút nhiều bạn trẻ tham gia”.

Nhờ sự tham gia của các bạn trẻ, tại Thụy Lôi cũng đã thành lập được 4-5 điểm thu thập pin, đồ điện tử đã qua sử dụng để chuyển đến điểm tập kết tái chế. Riêng tại nhà anh Sửu, một quán cà phê nằm sát kênh Long Tửu cũng là một điểm thu thập pin lớn. Sau một vài ngày, hàng chục cân pin cũ lại được tập trung để anh Nguyễn Vũ mang đến điểm thu gom của chương trình “Việt Nam tái chế” nằm trong trung tâm Hà Nội.

Ngoài các hoạt động nói trên, người dân nơi đây đã dần thay đổi nếp sống sinh hoạt thường ngày. Họ bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhặt như dùng làn, túi vải để đi chợ thay vì sử dụng túi ni-lông, sử dụng cặp lồng inox hay thủy tinh để thay cho hộp nhựa khi mua thức ăn. 

'Suc song xanh' tu mot vung que heo lanh
Một trong số các điểm thu gom, dụng cụ đều là đồ tái chế
'Suc song xanh' tu mot vung que heo lanh
Nhiều người dân Thụy Lôi đã dùng làn nhựa, túi vải thay túi ni-lông

Nhiều chủ doanh nghiệp là người dân Thụy Lôi đi làm ăn xa, biết đến phong trào cũng tham gia đóng góp kinh phí cho việc bảo vệ môi trường của thôn. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI