 |
Công an xã Lượng Minh đến nhà thăm hỏi, trò chuyện với bà Lương Thị Loan |
“Bản ta đã có đàn ông rồi”
Xốp Mạt là bản người Thái ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Bản nằm bên dòng sông Nậm Nơn thơ mộng, bao quanh là núi rừng. Sau hơn 5 năm được công nhận là làng văn hóa, Xốp Mạt từng bước đổi thay dù vẫn còn đó những khó khăn, vất vả bởi hậu quả nặng nề từ tệ nạn ma túy.
Ông Lô Văn Phê - Trưởng bản Xốp Mạt - kể: “Trước đây, nhiều lúc tôi không dám ra khỏi nhà, cũng không dám thả rông chó, gà vì sợ con nghiện bắt mất. Bây giờ thì người ta để xe máy ngoài đường cả đêm cũng không lo bị mất”. Ông Lô Văn Phê không nhớ chính xác ma túy tràn về bản từ lúc nào, chỉ biết nó đến từ phía đỉnh Pù Lôm.
Trước năm 1990, bản Xốp Mạt rất yên bình, chẳng ai biết ma túy là gì. Thế rồi, đột nhiên có những nhóm người lạ kéo nhau về núi Pù Lôm dựng lều trại, lập nơi buôn bán ma túy khiến Xốp Mạt bắt đầu những ngày giông bão.
Nhóm người lạ đã thuê dân bản tiếp tế lương thực, nước uống với thù lao hậu hĩnh, từ đó nhiều dân bản dần trở thành đồng đảng tiếp tay cho tội phạm buôn ma túy trên đỉnh núi này rồi nghiện ma túy, thành kẻ buôn bán ma túy lúc nào không hay. Cứ thế, phần lớn đàn ông ở Xốp Mạt, thậm chí cả phụ nữ và trẻ em, cũng bị cuốn vào vòng xoáy của ma túy.
Trong khoảng 20 năm bị ma túy hoành hành, ông Lô Văn Phê chẳng thấy ai khá giả lên mà chỉ thấy cảnh ly tán, tù tội. Suốt một thời gian dài, bản làng thiếu bóng đàn ông, thanh niên.
“Đó là những ngày đen tối nhất của bản. Chỉ đến khi cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, người dân cùng quyết tâm tránh xa con ma túy, mọi thứ mới dần thay đổi. Không có con nghiện, các tệ nạn cũng dần mất, kinh tế người dân từng bước khá lên” - ông nói.
Năm 2008, bản Xốp Mạt có 20 người thụ án tù vì ma túy thì nay chỉ còn 3 người. Khi trở về địa phương, họ đều tu chí làm ăn.
Bà Lương Thị Hồng - 63 tuổi, ở bản Xốp Mạt - nói, tuy cuộc sống bây giờ vẫn còn lắm vất vả nhưng bản làng luôn bình yên, vui vẻ, không bất an như trước. “Bản ta đã có đàn ông rồi, không còn cái tiếng bản không chồng như trước nữa” - bà nói rồi ra sau vườn chặt cây chuối, thái cho đàn heo ăn.
Từ con giống được hỗ trợ ban đầu, bà mạnh dạn vay vốn để tăng đàn heo, đàn bò và gà. Khi đã nắm vững được kiến thức chăn nuôi, bà truyền nghề cho người em gái là Lương Thị Liên mới ra tù để cô em tránh dây vào ma túy.
 |
Bà Lương Thị Hồng (áo trắng) hướng dẫn em gái cách chăm sóc, phát hiện dấu hiệu heo nhiễm bệnh để chăn nuôi đạt hiệu quả |
Mọi người đã yên tâm làm ăn
Nằm ngay dưới chân núi Pù Lôm nên bản Đửa, xã Lượng Minh từng được xem là “hậu phương” cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đối tượng buôn ma túy ở núi Pù Lôm.
Ông Lô Văn Du - Trưởng bản Đửa - cho biết, ma túy khiến nhiều gia đình ly tán vì tù tội, nghiện ngập, thậm chí mất mạng. Những người quyết tránh xa ma túy cũng chẳng khá hơn bởi luôn phải sống trong tâm trạng bất an do an ninh trật tự quá phức tạp.
Nghiện ma túy, nhiễm HIV rồi dấn thân vào con đường mua bán ma túy để có tiền, có thuốc thỏa mãn cơn nghiện cứ như cái vòng luẩn quẩn ở đây. “Không chỉ có người buôn bán, nhiều người nghiện ma túy cũng tìm về đây mua hàng nên rất phức tạp. Nếu không dẹp bỏ ma túy thì chắc bản sẽ bị xóa sổ” - ông nói.
Thấy trưởng bản và công an xã vào hỏi thăm, bà Lương Thị Loan - 57 tuổi, ở bản Đửa - vội chạy ra khoe: “Đàn bò của ta uống thuốc nên khỏe, ăn bình thường rồi cán bộ à”. Bà nói, đây là tài sản có giá trị duy nhất của gia đình bà kể từ ngày chồng dính vào ma túy. Của cải, tài sản tích cóp hơn nửa đời người đều đã bị chồng bà là ông Lô Văn Mạnh mang đi bán lấy tiền mua ma túy thỏa mãn cơn nghiện.
Bà kể: “Khi không còn gì bán nữa thì ông ấy đi biệt tích, có khi lên rừng kiếm măng cả tuần chỉ để bán lấy tiền mua ma túy”.
Hơn 1 năm trước, bà Loan vận động chồng đi cai nghiện. Thấy chồng quyết tâm đoạn tuyệt với “con ma túy” sau khi cai nghiện về, bà bàn với chồng vay vốn mua cặp bò giống làm ăn, bởi “có vợ, có chồng thì khó khăn mấy cũng qua cả thôi”. Bản Đửa có hơn 40 người đi tù vì ma túy, một số người nay mãn hạn tù trở về đã hòa nhập cộng đồng, tu chí làm ăn.
Theo ông Lô Văn Du, đa số hộ trong bản vẫn chưa vượt qua chuẩn nghèo, nhưng người dân đã nhận thức rõ sự nguy hại của ma túy. Để bản sạch ma túy, bên cạnh việc công an truy quét các tụ điểm mua bán ma túy, cán bộ chính quyền, đoàn thể xã cũng kiên trì đến từng nhà vận động, tuyên truyền.
“Bản ta vẫn còn nghèo lắm nhưng không còn con nghiện, mọi người đã yên tâm làm ăn rồi” - Trưởng bản Đửa nói rồi chỉ tay về phía ngọn núi Pù Lôm - nơi từng là đất dữ, nay thành nơi chăn thả hơn 500 con trâu, bò của dân bản.
Đầu năm 2025, xã Lượng Minh được ngành công an huyện, tỉnh đưa ra khỏi danh sách xã trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Thượng úy Nguyễn Văn Hùng - Trưởng công an xã Lượng Minh - cho biết, đây là “quả ngọt” sau nhiều năm trời họ “nằm gai nếm mật” triệt phá các tụ điểm ma túy.
Đến nay, tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy ở xã này cơ bản đã “sạch”, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại nếu không được kiểm soát chặt cũng như thiếu sự đồng lòng của người dân. Toàn xã Lượng Minh hiện chỉ còn 6 người đang đi cai nghiện, 30 người đang được quản lý sau cai nghiện.
“Những người sau cai nghiện hoặc ra tù được theo dõi sát để không bị sa vào đường cũ. Riêng với những người nghi bị nghiện, chúng tôi đưa vào danh sách theo dõi và đến nhà kiểm tra (test) đột xuất. Điều đáng mừng là bây giờ, ai nghiện thì chủ động đi cai chứ không chờ vận động như trước” - thượng úy Nguyễn Văn Hùng nói.
Chú trọng dạy chữ, dạy nghề cho trẻ Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh - cho hay, dù xã đã cơ bản “sạch” ma túy nhưng hệ lụy của “cơn bão” này vẫn rất nặng nề. Do đó, ngoài việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, khôi phục các phong tục, tập quán tốt đẹp bị mai một, UBND xã còn tập trung đào tạo nghề cho học sinh. Ông giải thích: “Gia đình ly tán, cha mẹ chết, đi tù nên nhiều học sinh phải ở với ông bà. Bởi vậy, chúng tôi phải tìm cách để thế hệ trẻ học được con chữ, có việc làm ổn định, từ đó tránh xa được tệ nạn”. Năm 2020, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lượng Minh bắt đầu liên kết với Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (đóng ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đào tạo nghề cho học sinh theo mô hình 9+ liên thông từ hệ trung cấp lên hệ cao đẳng (đào tạo nghề kết hợp với đào tạo học vấn THPT). Ông Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lượng Minh - cho biết, nhờ phân luồng đào tạo nghề cho học sinh, đến nay, đã có 2 khóa tốt nghiệp THPT có bằng nghề, tất cả đều có việc làm ổn định ở các khu công nghiệp hoặc công ty nước ngoài với mức lương từ 11-13 triệu đồng. Ông phấn khởi: “Trước đây, học sinh bỏ học rất nhiều, chúng tôi vào vận động thì phụ huynh nói “học biết chữ là được, chứ đại học xong cũng thất nghiệp cả”. Thực tế là vậy nên giáo viên cũng không biết phải trả lời sao. Nhưng bây giờ thì học sinh đi học nghề xong là có việc làm, lương cao nên các em lớp dưới nhìn vào thực tế đó và chủ động chọn học nghề”. |
Phan Ngọc