edf40wrjww2tblPage:Content
VISSAN đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động
VƯỢT DỐC
Năm 1975
…Sau ngày thống nhất đất nước, việc tiếp quản, khôi phục, vận hành nhà máy là một thử thách gay góc. Trong thời kỳ đầu, dù chưa nắm bắt quy trình, thiết bị và công nghệ giết mổ gia súc, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, VISSAN bắt đầu tham gia giai đoạn lịch sử này với tên gọi “Công ty Thực phẩm I”. Gánh trên vai nhiệm vụ phục vụ bữa ăn hàng ngày, VISSAN đã cung cấp thực phẩm tươi sống cho nhân dân với công suất trên 25.000 tấn/năm và tham gia xuất khẩu thịt sang Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu với sản lượng trên 10.000 tấn/năm. Nguyên liệu được Nhà nước cấp lệnh điều động từ các tỉnh về công ty (CT), thu mua theo chỉ tiêu. VISSAN luôn luôn lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu, khó khăn trăm bề…
Năm 1980 - 1995
Giai đoạn này, VISSAN là một trong những đơn vị có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước. Tuy nhiên, ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tại Liên Xô và các nước Đông Âu, CT đứng bên bờ vực phá sản.
Những năm 1990, gặp khó khăn ở thị trường Đông Âu, VISSAN từ vị thế một “triệu phú” trong phút chốc như thể “kẻ trắng tay”! Thời điểm đó, CT đặt việc xuất khẩu lên hàng đầu và chủ yếu xuất sang thị trường này, chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Đến khi thị trường xuất khẩu mất, CT đã phải “đắp chiếu” toàn bộ dây chuyền trị giá nhiều tỷ đồng. Không đủ tiền trả lương cho khoảng 1.000 người lao động, người giỏi lần lượt ra đi.
Đã có lúc vấn đề giải thể VISSAN được đặt lên bàn nghị sự. Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc CT hiện nay, lúc đó là Trưởng phòng Kế hoạch - đầu tư, đã cùng Giám đốc Lê Quang Nhường chạy đôn chạy đáo để giải trình, bảo vệ sự tồn tại của CT. Họ nghĩ ngay đến việc phải chuyển từ chế biến thực phẩm cung ứng cho xuất khẩu sang phục vụ thị trường trong nước. Muốn như vậy thì phải thay đổi máy móc, công nghệ, nhưng tiền đã “chôn” hết vào các máy móc, thiết bị đầu tư cho xuất khẩu, nay thay đổi thì chi phí tăng vọt, thêm phần đáo hạn trả nợ vốn vay, gánh nặng lại thêm chồng chất…
“May sao, chúng tôi được một Việt kiều đồng ý cho mượn máy phát triển ngành hàng xúc xích. Phát triển tốt, CT muốn đầu tư thêm nhưng không vay tiền được vì nợ cũ vẫn tồn. Sau những toan tính, chạy vạy ngược xuôi, cuối cùng “ánh sáng cũng xuất hiện cuối đường hầm”. VISSAN vay được tiền từ quỹ đầu tư của thành phố để đầu tư một dây chuyền mới, sản xuất mặt hàng lâu nay chủ yếu nhập từ nước ngoài là xúc xích tiệt trùng và thịt nguội, đưa ra thị trường năm 1998. CT định hướng chiến lược “lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, phát triển kênh phân phối trong nước, đẩy mạnh bán lẻ; phát triển mạnh và đa dạng hóa ngành hàng thực phẩm chế biến”. Dần dần, chúng tôi cũng cân đối được thu chi. Có thêm chút lợi nhuận, CT lại đầu tư thêm một vài dây chuyền nữa. Từ chỗ sản xuất thử nghiệm, mời mọi người ăn thử, góp ý, rút kinh nghiệm, chúng tôi làm lại, rồi tung ra thị trường. Ba-bốn năm sau đó, số nợ 29 tỷ đồng đã được cân đối. Đến năm 2000, CT bắt đầu có lãi. Quan trọng hơn, qua cú sốc này, tập thể chúng tôi đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức và chiến lược sản xuất, kinh doanh: đặt thị trường nội địa lên hàng đầu, song hành với việc khai thác xuất khẩu”, ông Văn Đức Mười kể.
Sản xuất - đóng gói xúc xích tại VISSAN
PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ
Bước ngoặt lớn của CT bắt đầu từ năm 2000. Trong sự cạnh tranh gay gắt, tập thể CT nhận định rõ: phải xác định ba yếu tố: sản xuất - cung cấp - kinh doanh làm trọng tâm. Và, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm (SP), uy tín thương hiệu là cơ sở để phát triển. Phải thay đổi suy nghĩ kiểu: những SP tốt nhất đều mang đi xuất khẩu, còn người tiêu dùng nội địa phải sử dụng “thừa thải” còn lại. Dây chuyền công nghệ, bộ máy quản lý và con người đều phải chuẩn hóa ở mức cao nhất.
Từ 20 loại thực phẩm chế biến, CT phát triển hơn 300 SP tiêu thụ trên toàn quốc và xuất khẩu. Hiện CT cung cấp cho thị trường 100 tấn thịt/ngày, chiếm 30% thị phần khu vực TP.HCM, 55 tấn thực phẩm chế biến/ngày, chiếm 35% thị phần cả nước; 31 tấn rau củ quả, trên 30.000 suất ăn công nghiệp. Đối với thực phẩm tươi sống (chiếm 20% thị phần cả nước), CT khôi phục thị trường tại các chợ truyền thống, siêu thị, trường học, nhà hàng - khách sạn, bếp ăn tập thể…
Thành công mang tính chiến lược của CT là hoàn thành chuỗi “cửa hàng thực phẩm VISSAN” gồm 60 cửa hàng giới thiệu SP để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng mạng lưới bán lẻ trên cả nước. Đây là một kênh phân phối quan trọng vì SP trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đồng thời là nơi thu nhận những ý kiến phản hồi của khách hàng, để từ đó kịp thời đưa ra những SP mới, thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng. Ngoài ra, CT chủ động phát triển kênh phân phối, mở rộng liên kết với các thương hiệu lớn, các chuỗi cửa hàng bán lẻ và hệ thống trường học. Đặc biệt, VISSAN luôn quan tâm đến việc phát triển sức khỏe từ chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm… thông qua việc cung cấp thực phẩm cho hơn 800 bếp ăn trường học, bệnh viện, xí nghiệp… CT cũng đã triển khai cụm công nghiệp VISSAN tại Long An để nhiều người tiêu dùng được sử dụng SP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Phải có niềm đam mê và nhiệt huyết. Người lãnh đạo phải biết truyền lửa cho anh em. Tôi đã thực hiện việc ấy không ngưng nghỉ một ngày nào. Ở CT, chưa bao giờ có trường hợp mất việc. Để tạo được tính ổn định dù trong những tình huống biến động nhất, đòi hỏi sự cảm thông, chia sẻ, hy sinh, cống hiến của cả tập thể”, ông Văn Đức Mười nhận định.
*
Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/2015, nhiều câu chuyện xưa - nay đan xen trong hồi ức của một người lính gắn bó với VISSAN 35 năm. Và, dẫu trong thời chiến hay thời bình, ông Văn Đức Mười vẫn nhớ mình là một người lính, để có đủ bản lĩnh lèo lái đưa con thuyền doanh nghiệp ra khơi… Bên ông là sức sống, khát khao của một tập thể với 45 năm trưởng thành, cùng tạo nên một thương hiệu mạnh VISSAN với slogan “Sức sống mỗi ngày”.
Khánh Thủy
Năm 2012, VISSAN đạt danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Lao động hạng I, II, III… Liên tục 19 năm, thương hiệu này được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, lọt vào top 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do chương trình Liên Hiệp Quốc công bố, top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu theo mô hình Fortune 500 do chương trình VNR500 bình chọn… |