Tiểu thuyết của Honore de Balzac thì chúng ta đã học từ chương trình trung học. Ông bố, Grandet, chủ gia đình thì keo kiệt, tham lam, ác độc, còn Eugenie, cô con gái duy nhất của ông thì trong trắng, chân chất, nghĩa tình.
Tối qua, đi xem ra mắt vở kịch nói là “phiên” họp thứ sáu trong ngày cuối tuần của tôi, nghĩ rằng, đầu óc chắc cũng bão hòa rồi, nhưng không ngờ, kịch hấp dẫn đến mức nhiều chỗ tôi nín thở và sau hơn 2 giờ, vẫn thấy, ủa hết rồi sao, sao mau vậy, sao không kéo dài thêm?
Charles và Eugenie - Lê Chi Na rất đáng yêu với một vai rất nặng, Eugenie.
|
Ông bố, nhân vật của thế kỷ thứ 19 là người rất điển hình mà lại rất... hiện đại, tham tiền đến mức thành nô lệ của đồng tiền và chỉ trọng nó, thương nó, không thương ai hết, cả vợ con luôn.
Còn cô Eugenie, ở xó xỉnh nhà quê Saumur xa Paris vời vợi, và mẹ thì tuy nhà giàu nhưng sống cơ cực vì tính keo kiệt của bố. Cuộc đời cô bỗng xáo trộn khi cô gặp cậu em chú bác, Charles, khi anh này gặp nạn lớn, bố anh, một nhà buôn ở Paris tự bắn vào đầu vì nợ nần, phá sản, và gửi đứa con trai cho Grandet là người anh ruột, giàu sụ ở tỉnh xa.
Tình yêu đầu đời lớn hơn tất cả, dĩ nhiên hơn tổng số tiền vàng ông bố cho, cô mang tặng tất cả cho Charles làm lộ phí đi làm ăn xa. Điên tiết vì mất tiền, ông xung đột nặng với vợ và con gái và bà vợ quá xúc động đau đớn mà qua đời.
Khi vợ ông đang còn ốm nặng, ông tìm mọi cách kéo dài cuộc sống của bà, không phải vì yêu vợ mà chỉ vì sợ bà mất thì một nửa gia tài phải bị đưa vào tài sản thừa kế của cô con gái. Còn Eugenie thì rất thản nhiên từ chối quyền thừa kế cho ông bố an lòng. Sau đó ông bố cũng mất.
Cô bây giờ là chủ của gia tài 17 triệu quan mà vẫn lẽ bóng kiên tâm chờ đợi Charles. Rồi thư chàng, bức thư đầu tiên sau 7 năm chờ đợi cũng đến. Anh báo tin sắp cưới một cô tiểu thư con nhà gia thế và đang gặp khó vì mang tiếng con nhà phá sản.
Lặng đi vì đau, cô chỉ đủ sức nói một câu. Và đó là câu nói cuối cùng của vở, Eugenie nói cố bình thản, rõ ràng, trong bộ áo đen màu tang tóc làm cho tôi bất chợt nhận ra mình muốn lịm đi vì xúc động: “Cậu Charles. Tôi nhờ ông chánh án De Bonfont nhận thanh toán các số nợ mà chú tôi thiếu. Tôi lo một người bị gọi là vỡ nợ sẽ không lấy được tiểu thư Aubrion như cậu ước mong. Cậu xét đoán trí tuệ và phong cách của tôi quá đúng: Tôi hoàn toàn xa lạ với xã hội thượng lưu, với những tính toán của họ. Để hạnh phúc cậu trọn vẹn, tôi chỉ còn biết mang danh dự chú tôi biếu cậu. Cậu hãy tin lúc nào cậu cũng tìm thấy người bạn trung thành ở người chị họ ở xứ Saumur xa xôi này. Vĩnh biệt Charles”.
Tiền ơi là tiền. Thấy không, mày vẫn không hạ gục được cô Eugenie dù cả đời và cuối cùng vì tiền, đời cô thành bất hạnh nhất, ngay cả người cô yêu nhất đã cho cô rơi tự do chỉ vì tiền.
Cuộc sống hôm nay vẫn khiến tôi mỗi ngày phải nghĩ về nó. Vì tiền mà mọi sự đảo điên hết, với tốc độ và cường độ gia tăng hình như với cấp số nhân. Vì tiền mà viên chức chống ma túy thành trùm ma túy; kẻ giữ rừng thành trùm phá rừng, kẻ chống tội phạm công nghệ cao thành trùm đường dây cờ bạc công nghệ cao; ông hiệu trưởng thành kẻ ăn chặn lương các giáo viên nghèo kiết xác... Mày chỉ huy và còn phát tác đến bao giờ nữa, cơn mê điên loạn không dứt này?
Gửi những lời gan ruột tới cho xã hội rằng con người mới quý hơn tiền, cuộc sống có những giá trị cao quý hơn tiền bằng lao động nghệ thuật của mình, xin cám ơn nhà biên kịch Việt Linh, đạo diễn Tây Phong và dàn diễn viên (không có sao) mà rất yêu nghề và đầy thuyết phục. Cám ơn sứ Minh Long luôn tài trợ cho sân khấu Hồng Hạc, cảm ơn bạn Thủy Tiên...
Cám ơn niềm tin, và cám ơn câu chuyện về Eugenie, tiền coi vậy mà đâu phải là mục đích tối thượng và sức mạnh vô đối. Thật là yêu Eugenie, trong kịch và vô số Eugenie Việt trong đời thật.
Vũ Kim Hạnh