Sức mạnh của báo chí

20/06/2022 - 06:07

PNO - Có lẽ cũng như tôi, đồng nghiệp nào cũng đã từng bối rối khi đối diện với câu hỏi: “Vì sao chọn nghề báo?” khi mới chập chững vào nghề.

Tôi không biết câu trả lời cho đến khi gặp bạn đọc đầu tiên của mình. Đó là một bà mẹ nghèo có 3 đứa con, sống dưới chân cầu Dừa, Q.4, TPHCM bị tai nạn ở mắt bởi sản phẩm lỗi của một tập đoàn đa quốc gia. Thế nhưng, không có ai chịu trách nhiệm cho sức khỏe của người mẹ ấy. Bà tìm đến ban công tác bạn đọc của tờ báo khi tôi làm việc lúc đó và qua quá trình giúp người mẹ ấy đi đòi lẽ công bằng, tôi cũng dần nhận ra lý do vì sao mình chọn nghề này.

Khi bàn về vai trò của báo chí trong phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn vào cuối năm 1974, giáo sư Lý Chánh Trung viết: “Báo chí, tự nó không bao giờ là sức mạnh. Sức mạnh của báo chí là sức mạnh của nhân dân, khi báo chí dám nói lên sự thật của đất nước và ý nguyện của nhân dân” (Đối diện với chiến tranh, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2000).

Ngày nay, công nghệ đa phương tiện cùng mạng xã hội giúp báo chí công dân ngày càng phát triển. Công cụ hiện đại lắm lúc đã làm thay báo chí truyền thống trong việc cung cấp thông tin, nhất là những thông tin “nhạy cảm”. Thế nhưng, chúng không thể thay thế được ngòi bút chuyên nghiệp. 

Thế mạnh của báo chí truyền thống là tính chính xác, bởi sản phẩm báo chí phải qua kiểm chứng, biên tập, nhà báo và cơ quan báo chí chịu trách nhiệm với thông tin đăng tải. Báo chí vẫn có thể “thắng” mạng xã hội nếu theo đuổi đến cùng sự thật. Trong cuốn Tin tức trái đất phẳng (Nhà xuất bản Dân Trí, năm 2011), phóng viên tờ Guardian (Anh) Nick Davies cho rằng: “Đối với nhà báo, giá trị được định nghĩa là tính trung thực - nỗ lực kể sự thật. Đó là mục tiêu hàng đầu của chúng ta. Tất cả việc làm của chúng ta - và tất cả những gì nói về chúng ta - đều phải xuất phát từ nguồn duy nhất là nói sự thật”. 

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên cả nước mừng ngày Báo chí Việt Nam, cũng là kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra mắt số đầu tiên ngày 21/6/1925. Từ đây, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được nhiều người dân biết đến nhằm tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, đôi khi cả là máu và nước mắt để mang đến cho độc giả những sự kiện nóng hổi, chân thật. Ngày này cũng là dịp để những người làm nghề tự nhắc nhở mình, phải luôn nỗ lực để phụng sự bạn đọc, phục vụ nhân dân. 

Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), chiều 17/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí cả nước. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhà báo là những người luôn có mặt trên tuyến đầu của các công việc chung của đất nước: “Trong chống dịch, việc đưa tin khách quan, trung thực đã giúp nhân dân biết, cùng nhau vượt qua những khó khăn, tạo ra sự chia sẻ cảm hứng và động lực cho người dân”.

Theo Thủ tướng Chính phủ, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng để xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Hoạt động của Chính phủ gắn bó rất chặt chẽ với báo chí.

Các nhà báo là những người duy trì cầu nối thông tin giữa Chính phủ và nhân dân. Đồng thời, báo chí đã phản ánh thực trạng xã hội, những mặt tích cực, tiêu cực, những chính sách bất cập cần điều chỉnh, đặc biệt là tích cực phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng, lãng phí trong xã hội. Những thông tin đó rất có ý nghĩa cho việc điều hành của Chính phủ.

Có thể thấy, nếu báo chí phản ánh chính xác, khách quan, trung thực về hiện trạng của địa phương, của đất nước và ý nguyện của nhân dân thì sản phẩm báo chí luôn được đón nhận, hoan nghênh. 

Quốc Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI